Thay mặt Chính phủ và ban soạn thảo, Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội rất tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm, không chỉ là 17 ý kiến phát biểu tại hội trường mà tất cả các ý kiến đã phát biểu tại tổ ngày 12/11. Sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan hữu quan để tổng hợp đầy đủ.
Với tinh thần rất nghiêm túc và cầu thị để tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật và báo cáo Quốc hội xem xét để quyết định tại kỳ họp thứ 7, Phó thủ tướng báo cáo Quốc hội một số nội dung:
Một là vấn đề cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật này, như nhiều đại biểu đã nói Luật Đầu tư công sau 3 năm, chúng ta đã có một bước tiến rất lớn, đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, đặt biệt là nâng cao hiệu quả đầu tư công và kết quả này được báo cáo trong báo cáo giữa kỳ về tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đã trình ra Quốc hội kỳ.
Như nhiều đại biểu đã nêu, chúng tôi cho cái được của Luật Đầu tư công hết sức lớn. Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện thì có những vướng mắc và yếu kém về tổ chức thực hiện, cũng có những vướng mắc về quy định của pháp luật.
Để khắc phục những yếu kém và hạn chế trong tổ chức thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 năm 2017, Nghị quyết 70 năm 2018 để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh và triển khai luật này và đặc biệt là giải ngân đầu tư công.
Trong phạm vi thẩm quyền của mình thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 120 sửa đổi 3 nghị định liên quan đến đầu tư công, đó là Nghị định 77, Nghị định 161 và Nghị định 136. Với trách nhiệm của mình, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tổng hợp lấy ý kiến nhiều vòng, nhiều cơ quan, địa phương, tổ chức nhiều hội thảo để trình Quốc hội trong lần sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư công.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Quốc hội. ảnh: VGP. |
Thứ hai, về phạm vi sửa đổi và tên gọi, quá trình lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương tập hợp được 597 ý kiến của hầu hết các cơ quan trung ương và địa phương. Do đó, có thiết kế 3 nhóm chính sách liên quan đến 18 nhóm vấn đề lớn, trực tiếp liên quan đến 69 đến 108 điều.
Vì vậy, Chính phủ trình với Quốc hội cho phép đổi tên Luật Đầu tư công sửa đổi. Quan điểm của Chính phủ cũng như nhiều đồng chí đại biểu đã nêu, tên gọi cũng không phải quá quan trọng, quan trọng là chúng ta sẽ sửa cái gì và sửa như thế nào.
Đề nghị căn cứ vào kết quả thảo luận và Quốc hội quyết định mức độ đến đâu thì Quốc hội sẽ cân nhắc để xem xét tên gọi cho phù hợp. Nếu phạm vi sửa rộng, vẫn tác động đến nhiều thì có thể cân nhắc chấp nhận đề nghị của Chính phủ.
Về quan điểm sửa đổi luật lần này, chúng tôi thống nhất với đại biểu Quốc hội cần phải thể chế hóa cho được các chủ trương, đường lối của Đảng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công, đảm bảo gắn tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu về thu, chi ngân sách; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan có liên quan đặc biệt đối với địa phương và các bộ, ngành, cố gắng đơn giản nhất các thủ tục, không làm phát sinh những thủ tục mới.
Như nhiều đại biểu nói, có những thiết kế mới còn phức tạp hơn, chúng tôi sẽ rà soát lại rất kỹ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về ngân sách, tăng cường công tác hậu kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
“Cấp trên hãy dũng cảm thôi ôm, không ôm và đoạn tuyệt cái ôm" |
Ngay cả những khâu bắt buộc tiền kiểm thì Chính phủ cũng chủ trương quy định rõ ràng trách nhiệm thẩm quyền của từng cấp thế nào và thời hạn để thực hiện, chứ không phải tiền kiểm là cứ tạo điều kiện để ôm hồ sơ, ngâm hồ sơ, nhũng nhiễu làm chậm trễ quá trình này.
Đảm bảo tính đồng bộ trong luật này với hệ thống pháp luật hiện hành, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo, rà soát, đánh giá kỹ một cách công bằng như đại biểu Hoàng Quang Hàm đã nêu, cả những mặt tích cực và tiêu cực trong 18 nhóm chính sách.
Cân nhắc để lựa chọn kỹ lưỡng những nội hàm, nội dung cần phải sửa đổi, có lý lẽ và có cơ sở thuyết phục để trình với Quốc hội trong kỳ họp lần sau.
Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng hơn chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong từng khâu của quá trình thực hiện các dự án đầu tư công.
Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát các điều khoản để tiếp cận thông lệ quốc tế tốt nhất đối với đầu tư công. Đặc biệt nghiên cứu để xây dựng các tiêu chí, lựa chọn các dự án đầu tư hay việc đánh giá hiệu quả đầu tư. Trong phát biểu ở tổ cũng như hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập hết sức hợp lý.
Về một số vấn đề cụ thể, tôi chỉ xin nếu gắn gọn mấy vấn đề lớn:
Một, phạm vi quy định trong luật này là những loại vốn nào. Về nguyên tắc, Luật Đầu tư công quy định chi tiết việc sử dụng chi phí đầu tư phát triển trong ngân sách Nhà nước, ngân sách có chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, các khoản chi của các cơ quan, đơn vị, nhất là của các đơn vị sự nghiệp không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn bị nêu tên tại nghị trường Quốc hội |
Ở đây có chữ "chưa" là không đúng. Trong 2 triệu tỷ chúng ta đưa vào kế hoạch đầu tư công không hề có vốn đầu tư, vốn ở đây là vốn của các đơn vị sự nghiệp được để lại chi tiêu theo quy chế tự chủ về tài chính. Những luật hiện hành chúng ta đưa điều này vào và chúng ta ràng buộc nó như là đầu tư công.
Như nhiều đại biểu nói, việc này rất bất cập, có nhiều khoản rất nhỏ, một vài trăm triệu, mấy chục triệu, sửa chữa một phòng học, một phòng máy tính, một công trình vệ sinh nhưng phải làm theo tất cả các thủ tục đầu tư công thì không hợp lý.
Có ý kiến cho rằng loại này phải loại ra khỏi luật và thực hiện theo pháp luật về đầu tư, về đấu thầu, về xây dựng cơ bản nhưng Chính phủ cân nhắc, dù điều này không nằm trong cân đối ngân sách nhưng cũng là chi tiêu công.
Do đó, Chính phủ lựa chọn phương án vẫn đưa vào điều chỉnh trong dự án luật này nhưng giao cho Chính phủ có một quy định chi tiết. Trên cơ sở nguyên tắc chung quy định chi tiết việc sử dụng, để vừa chặt chẽ về mặt sử dụng nhưng tạo thuận lợi cho các đơn vị. Do đó, đề nghị đại biểu Quốc hội ủng hộ và thảo luận thêm việc này.
Các vấn đề liên quan đến PPP, nếu Nhà nước có một đồng trong dự án PPP cũng phải theo luật về PPP. Hoặc những vấn đề đầu tư của tập đoàn tổng công ty nhà nước theo quy định của Luật 69, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Trừ trường hợp nhà nước dùng vốn của mình đầu tư một số dự án có tính chất đầu tư công nằm trong các cơ quan này.
Thứ hai, về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Nghị quyết 05 năm 1997 Quốc hội khóa X quy định là 10.000 tỷ đồng, bằng 3,2% GDP. Nghị quyết 66 năm 2006 Quốc hội XI quy định là 20.000 tỷ đồng, bằng 1,9% GDP. Nghị quyết 49 năm 2010 Quốc hội khóa XII quy định là 35.000 tỷ đồng, bằng 1,6% GDP.
Quá trình thảo luật dự án này có ý kiến cho rằng nếu bây giờ vẫn lấy lại tiêu chuẩn, tiêu chí của năm 1997 là 10.000 tỷ đồng như Luật Đầu tư công năm 2014 là không hợp lý nữa. Vấn đề ở đây là tổng mức đầu tư chứ không phải là vốn nhà nước nằm trong dự án này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu vấn đề này, tiêu chí thế nào, cụ thể là bao nhiêu, có một căn cứ thuyết phục để báo cáo với Quốc hội.
Tổng mức của từng dự án Quốc hội quyết định là bao nhiêu, trong đó vốn của nhà nước là bao nhiêu để cho Quốc hội xem xét là quyết định đảm bảo thể hiện được thẩm quyền của Quốc hội vừa linh động trong quá trình tổ chức thực hiện.
Còn những dự án trên 10.000 tỉ của các địa phương có một phần vốn nhà nước bây giờ cũng ngày càng nhiều lên. Dự án luật này đã sửa trong một thời gian rất dài chứ không chỉ cho 5 hay 3 năm.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Chúng tôi cũng sẽ tiếp thu, chỉ đạo cơ quan soạn thảo rà soát lại cho tỉnh, huyện và xã, trường hợp không đủ năng lực thì giải quyết vấn đề này như thế nào? Những công trình có vốn hỗn hợp của cả cấp tỉnh, huyện, xã thì nên quy định ra làm sao cho đúng thẩm quyền.
Thứ tư, quy định thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân. Trong kỳ họp lần trước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm có phê bình Chính phủ quy định vấn đề này trong nghị định. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng như nhiều đại biểu khác, căn cứ văn bản của Ủy ban Dân nguyện, khi sửa đổi Nghị định 120 thì Chính phủ đã bỏ nội dung này vì nguyên tắc là luật không quy định thì Chính phủ không được phép quy định.
Tại cuộc họp lần này, Chính phủ trình ra để Quốc hội xem xét, chúng tôi thấy có 2 căn cứ tại khoản 3 Điều 6 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: "Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân", có quy định như vậy và Thường trực bây giờ khác trước, bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chánh văn phòng, trưởng các Ban của Hội đồng và cũng đã được luật định trong này.
Thứ hai, về nguyên tắc khi có những công trình quan trọng, đột xuất thì có quyền họp đột xuất để quyết định, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể triệu tập Hội đồng nhân dân. Hầu hết các địa phương đề nghị giao thẩm quyền này cho Thường trực Hội đồng nhân dân và chúng tôi đề nghị chỉ có một vài công trình đột xuất và quan trọng cấp bách, chứ không phải là thường xuyên. Đề nghị Quốc hội xem xét cân nhắc thêm đề nghị này của Chính phủ.
Vấn đề cuối cùng, về sửa đổi vướng mắc một số vấn đề liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường. Tại điểm a khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường quy định về thời điểm phê duyệt báo cáo tác động môi trường, theo đó yêu cầu tại giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư dự án phải có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Quy định này gây khó khăn cho việc quyết định chủ trương đầu tư dự án vì tại giai đoạn này chưa có căn cứ vốn đầu tư để lập, phê duyệt, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường gây ách tắc việc quyết định chủ trương đầu tư.
Vì vậy, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 7/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ bổ sung quy định để xử lý vướng mắc về thời điểm phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay tại dự án luật này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án luật này quy định theo hướng tại giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư chỉ cần đánh giá sơ bộ tác động môi trường, còn báo cáo đánh giá tác động môi trường được lập tại giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư dự án, chứ không phải là bỏ quy định này và đồng thời giao cho Chính phủ hướng dẫn nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường này vì nó vừa tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, không phải là điểm lùi và nó thuận lợi hơn trong quá trình quyết định đầu tư.
Còn những nội dung khác, Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo rà soát về diễn đạt câu chữ cũng như tất cả nội dung.