Bảo hiểm xã hội Việt Nam phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015

11/05/2018 14:00
Vũ Phương
(GDVN) - Điểm mới đáng chú ý trong Bộ luật Hình sự 2015 có liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội là việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Sáng 11/5, tại Hà Nội, Cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015, nhằm giới thiệu và quán triệt tới toàn thể cán bộ công chức viên chức và người lao động trong cơ quan về những điểm mới của Bộ luật, trong đó có quy định xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh dự và chủ trì hội nghị.

Ông Đào Việt Ánh yêu cầu toàn thể cán bộ công chức viên chức, người lao động của bảo hiểm xã hội Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động nghiên cứu, quán triệt Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Đào Việt Ánh yêu cầu toàn thể cán bộ công chức viên chức, người lao động của bảo hiểm xã hội Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động nghiên cứu, quán triệt Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã được Tiến sĩ Trần Văn Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp) phổ biến về các quy định của Bộ luật; đồng thời phân tích, nhận định về các tội danh trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp.

Cụ thể như: Những điểm mới cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017; một số tội phạm cụ thể; những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 41/2017/QH14 về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Dũng, Bộ luật Hình sự 2015 có rất nhiều đổi mới quan trọng, trong đó có những vấn đề liên quan đến ngành bảo hiểm xã hội như: Xác định, nhận diện các dấu hiệu phạm tội và cách xử lý khi phát hiện hành vi phạm tội.

Theo đó, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện (cố ý hoặc vô ý), vi phạm quy định pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Chính vì vậy, Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ và cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự, thông qua 3 điều: Điều 214- Tội gian lận bảo hiểm xã hội, BH thất nghiệp; Điều 215- Tội gian lận bảo hiểm y tế; Điều 216- Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp cho người lao động.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Điểm mới đáng chú ý trong Bộ luật Hình sự 2015 có liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội là việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Bản chất của việc này là nhằm buộc người vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho đối tượng bị họ gây thiệt hại.

Nếu như trước đây, khi xảy ra vi phạm, các hình thức xử phạt chỉ quy trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp, thì với điểm mới này, buộc doanh nghiệp phải sử dụng năng lực tài chính của mình để khắc phục các hậu quả dưới góc độ của một bản án hình sự.

Tuy nhiên, quy định này cũng không loại bỏ việc cá nhân có hành vi vi phạm trong pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều này có nghĩa, đồng thời với việc pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội cụ thể, thì những cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân đó cũng phải chịu trách nhiệm hình sự (theo Khoản 2, Điều 75, Bộ luật Hình sự 2015 quy định “việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”).

Việc xử lý các vi phạm có thể thông qua các hình phạt về kinh tế với mức phạt cao, đồng thời pháp nhân phải có trách nhiệm đền bù mọi thiệt hại gây ra. Tránh trường hợp dẫn đến đóng cửa doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến đời sống của người lao động…

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu toàn thể cán bộ công chức viên chức, người lao động của bảo hiểm xã hội Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động nghiên cứu, quán triệt Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó tập trung vào các Điều 214, Điều 215, Điều 216 để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Vũ Phương