Phạm nhân lao động ngoài trại giam, quản lý như thế nào?

19/11/2018 16:04
Đỗ Thơm
(GDVN) - Cần có bao nhiêu cán bộ chiến sĩ công an, người hỗ trợ, nhân viên y tế để tham gia vào công tác quản lý một số lượng lớn phạm nhân ra bên ngoài lao động?

Ngày 19/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Vấn đề lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam cho phạm nhân được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – đoàn Nam Định nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy bên cạnh việc giáo dục cải tạo thì lao động dạy nghề cho phạm nhân là một việc rất quan trọng.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Lao động của phạm nhân không phải hình phạt, càng không phải là sự trả giá cho hành vi phạm tội của người đó mà lao động giúp cho phạm nhân nhận thức được lỗi lầm của mình, coi trọng giá trị lao động.

Đồng thời việc này còn giúp cho phạm nhân có được một nghề nghiệp sau khi mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng và sử dụng nghề nghiệp đó để nuôi sống chính bản thân mình, gia đình và ngăn ngừa họ phạm tội mới.

Theo đại biểu, thời gian qua, nhiều trại giam đã tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân khá tốt.

Tuy nhiên việc tổ chức lao động sản xuất thường ở ngay trong trại giam, chủ yếu gia công sản xuất những sản phẩm có giá trị không cao, làm những công việc đơn giản không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao nên tạo ra hiệu suất không lớn. Việc học nghề cũng đạt kết quả chừng mực.

Đại biểu nhận định, việc tổ chức cho phạm nhân lao động sản xuất bên ngoài trại giam thời điểm này là cần thiết.

Tuy nhiên, theo đại biểu để thực hiện tốt chế định mới này cần lưu ý các điểm sau:

Một, chúng ta không nên áp dụng đại trà mà chỉ nên áp dụng với phạm nhân sắp mãn hạn tù và có ý thức cải tạo tốt, còn trong độ tuổi lao động và có sức khỏe.

Phạm nhân lao động ngoài trại giam, quản lý như thế nào? ảnh 2Tranh luận chưa hồi kết về "tâm tư phong tướng" trong Công an nhân dân

Hai, không áp dụng với phạm nhân phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và thuộc tội như buôn bán ma túy, giết người, cướp tài sản và phạm nhân cải tạo kém.

Ba, cơ cở giam giữ phải chịu trách nhiệm trong tổ chức phối hợp doanh nghiệp khi đưa phạm nhân ra lao động bên ngoài nếu không bảo đảm các điều kiện và không đủ khả năng kiểm soát phạm nhân thì không được tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động.

Bốn, phạm nhân phải được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động và bảo đảm an toàn, có sự quản lý giám sát chặt của cán bộ quản giáo theo quy định của công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên.

Phải làm ở những khu lao động tập trung và dành riêng cho phạm nhân.

Đại biểu đề nghị cần quy định ngay trong luật này những nguyên tắc, điều kiện cơ bản nêu trên để làm cơ sở cho việc hướng dẫn chi tiết thi hành sau này.  

Cũng liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – đoàn Long An nêu quan điểm, về sự trích xuất với phạm nhân là lao động, đối chiếu với Điều 40 về trích xuất phạm nhân thì dự luật không hề có quy định về việc trích xuất phạm nhân đi lao động bên ngoài với một số lượng lớn phạm nhân, quy định trích xuất trong ngày, hàng ngày như thế nào.

Hơn nữa, chúng ta cũng chưa đánh giá đến việc cần phải có một lực lượng cán bộ chiến sĩ công an, người hỗ trợ, nhân viên y tế để tham gia vào công tác quản lý một số lượng lớn phạm nhân ra bên ngoài lao động.

Bên cạnh đó, dự luật quy định là áp dụng pháp luật lao động cho phạm nhân lao động như lao động thông thường là thiếu khả thi khi liên quan đến các quyền, như quyền lựa chọn về việc làm, hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận lao động, chế độ bảo hộ lao động, an toàn lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tham gia tổ chức công đoàn v.v....

“Theo đó, phạm nhân ra ngoài lao động theo ký kết giữa trại giam, trại tạm giam và các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sử dụng lao động thì có được các quyền như thế hay không?”, đại biểu Mỹ Dung đặt câu hỏi.

Chính vì còn nhiều điểm dự án Luật cần làm rõ nên đa số ý kiến đại biểu đề nghị thông qua dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) theo quy trình tại 3 kỳ họp.

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, trong phần báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Luật nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và đặc biệt đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật tư pháp đã được ban hành, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Nếu dự án luật này không được thông qua sớm thì một số quy định đã có hiệu lực trong các đạo luật này không được thực hiện cụ thể như việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, việc thi hành việc cải tạo không giam giữ, thực hiện án treo v.v...

“Vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thể hiện tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, chúng tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua luật này trong 2 kỳ họp theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 tại Nghị quyết số 34 ngày 08/06/2017 của Quốc hội”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an nói thêm: “Chính vì có việc sửa đổi, bổ sung phạm vi của luật mà chúng tôi vẫn đề nghị 2 kỳ vì luật này rất quan trọng.

Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự có giá trị thực tiễn thì khâu cuối là thi hành án hình sự là khâu quan trọng, có giá trị thực tiễn.

Quan trọng hơn, đây là điểm tiến bộ thực hiện quyền công dân trong Hiến pháp đã quy định, những quyền công dân càng được thi hành nguyên tắc càng được áp dụng sớm, càng được thực hiện tốt thì càng thuận lợi, đúng các quy định.

Chúng tôi biết, việc thông qua hai kỳ họp, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định sẽ rất vất vả, nhưng tôi thấy những cái vất vả đó có thể khắc phục được, còn nếu trong 3 kỳ họp thì mất khoảng 2 năm thì cuối năm 2020, thậm chí năm 2021 luật này có hiệu lực thì thời gian bị kéo dài”.

Trước ý kiến còn khác nhau về thời gian thông qua dự án Luật, Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án.

Quốc hội sẽ thu lại phiếu thăm dò và sáng 20/11 sẽ có kết quả cụ thể.

Đỗ Thơm