Trong 2 ngày 29-30/10, tại Thái Nguyên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khai thác và đề xuất giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tham dự Hội nghị có Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu; Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Đức; Phó vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hải Nam; đại diện lãnh đạo một số vụ, ban trực thuộc bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của bảo hiểm xã hội, Bưu điện các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã khu vực phía Bắc.
Theo Báo cáo của Ban Thu, tính đến 30/9/2018, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 189.502 người, đạt 57,2% so với kế hoạch giao. Trong đó, một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như: Điện Biên, Quảng Bình, Cao Bằng, Hải Dương, Thừa Thiên- Huế, Ninh Bình. Trong đó, tỉnh Hải Dương đang đứng đầu với 10.870 người tăng mới.…
Tuy nhiên, đến nay có tới 48 địa phương giảm đối tượng so với năm 2017, nguyên nhân chủ yếu một số đối tượng tham gia nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hoặc chuyển đối tượng theo quy định; người tham gia chưa hiểu đầy đủ về chính sách; có thu nhập thấp, không ổn định; chưa có thói quen tham gia bảo hiểm xã hội khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già; chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý thu.
Như vậy, từ nay đến hết năm 2018, số người còn phải phát triển là 141.730 người được xem là nhiệm vụ khá khó khăn đối với địa phương.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ có những thay đổi để nâng cao hơn nữa công tác phát triển đối tượng. |
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, mặc dù đã đầu tư nhiều công sức, tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp so với tiềm năng.
Những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, bên cạnh sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành bảo hiểm xã hội, là sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương trong đó có hệ thống Bưu điện…
Với kinh nghiệm của bảo hiểm xã hội, Bưu điện các tỉnh, thành phố nhất là bảo hiểm xã hội, Bưu điện các quận, huyện, thị xã, ông Trần Đình Liệu tin tưởng rằng, công tác mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ phát triển xứng đáng với tiềm năng.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ có những thay đổi để nâng cao hơn nữa công tác phát triển đối tượng như: Thay đổi cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển, mở rộng đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cũng gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng; đưa ra nhiều gói tỷ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển bền vững, tham gia lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ đại lý…
Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ những kinh nghiệm của cá nhân, tập thể trong việc khai thác và đề xuất giải pháp, từ đó, giải quyết triệt để bài toán về “Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Đức phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, việc phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện luôn là nhiệm vụ quan trọng của ngành Bưu điện.
Là một kênh đại lý lớn của ngành bảo hiểm xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thời gian qua, ngành Bưu điện đã tổ chức các Hội nghị tuyên truyền theo hình thức thương mại ở 20 tỉnh, thành phố.