Ngày 12/2/2018, luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội ký quyết định số 72/QĐ-BCNĐLS kỷ luật Luật sư Phan Thị Hương Thủy (đại diện Công ty luật Hoàng Long) với hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội với lý do vi phạm Quy tắc 3, 5, 7, 14.6,14.10 Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, khoản 2 Điều 5 Thông tư 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp, theo đơn tố cáo của Công ty cổ phần thương mại Lý Nhân và bà Vũ Thị Vi.
Luật sư Phan Thị Hương Thủy phản ánh vụ việc tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. |
Một trong những căn cứ để ban hành Quyết định số 72/QĐ-BCNĐLS là Nghị quyết số 34/NQ-BCN ngày 30/12/2017 của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội về việc xem xét đơn tố cáo của bà Vũ Thị Vi và đơn khiếu nại, tố cáo của Công ty Cổ phần Thương mại Lý Nhân đối với luật sư Phan Thị Hương Thủy.
Đây là hai khách hàng của Công ty Luật Hoàng Long, thực chất là một vụ tranh chấp phí dịch vụ pháp lý.
Trước đó, Luật sư Phan Thị Hương Thủy đại diện Công ty Luật Hoàng Long ký dịch vụ pháp lý bảo vệ quyền lợi cho Công ty Lý Nhân trong vụ án hành chính đòi hủy bỏ hai quyết định thu hồi đất của Ủy ban Nhân dân huyện Lý Nhân (Hà Nam).
Sau đó hai bên không thống nhất được các thỏa thuận và phía Công ty Lý Nhân khiếu nại, tố cáo (vào năm 2015) cho rằng luật sư Thủy nhận thêm 447 triệu đồng ngoài hợp đồng.
Công ty Lý Nhân đề nghị luật sư Phan Thị Hương Thủy trả lại tiền nhận ngoài hợp đồng và đề nghị Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội xử lý sai phạm này của luật sư.
Năm 2017, bà Vũ Thị Vi ở quận Long Biên, Hà Nội có đơn tố cáo luật sư Phan Thị Hương Thủy.
Bà Vi cho rằng luật sư Thủy đã lợi dụng nghề nghiệp để chiếm đoạt tài sản công dân.
Cụ thể, bà Vi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Công ty Luật Hoàng Long.
Bà Vi cũng có đưa thêm một khoản tiền ngoài hợp đồng cho luật sư Thủy.
Kết quả phiên tòa không đúng như mong đợi và như lời hứa của luật sư nên bà Vi đã làm đơn tố cáo.
Trong phiên họp Hội đồng kỷ luật (Đoàn luật sư Hà Nội) lần thứ 31 ngày 20/5/2017, các luật sư trong hội đồng đã biểu quyết nhất trí (9/13 luật sư) không áp dụng hình thức kỷ luật đối với luật sư Thủy.
4/13 thành viên biểu quyết áp dụng hình thức kỷ luật từ khiển trách đến xóa tên.
Ngày 29/7/2017, Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội thống nhất không đề nghị áp dụng kỷ luật đối với luật sư Phan Thị Hương Thủy.
Đối với tố cáo của bà Vũ Thị Vi, Hội đồng khen thưởng kỷ luật cũng nhất trí không xét kỷ luật vì đã quá thời hiệu (giữ nguyên như Nghị quyết 31 ngày 20/5/2017 của Hội đồng khen thưởng kỷ luật: Áp dụng biện pháp nhắc nhở nghiêm khắc bằng văn bản đối với luật sư Thủy vì còn sơ suất trong thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với khách hàng).
Bất ngờ là vào ngày 10/8/2017, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đã có Nghị quyết số 386 phiên họp lần thứ 43, giao lại hồ sơ cho Hội đồng khen thưởng kỷ luật tiến hành thực hiện quy trình xét kỷ luật luật sư theo thủ tục chung.
Đến ngày 12/2/2018, luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội ký quyết định kỷ luật Luật sư Phan Thị Hương Thủy với hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Sau khi có quyết định kỷ luật, luật sư Phan Thị Hương Thủy đã gửi đơn kiện vụ án hành chính đến Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị tòa hủy quyết định kỷ luật của Đoàn Luật sư Hà Nội. Đây có thể coi là một sự kiện hy hữu trong giới luật sư.
Tuy nhiên, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông báo trả lại đơn khởi kiện cho bà Thủy với lý do quyết định kỷ luật chỉ mang tính chất nội bộ, không phải là đối tượng của vụ án hành chính.
Bà Thủy cho rằng việc Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội trả đơn khởi kiện là sai vì Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp có chức năng quản lý nhà nước đối với các luật sư, do đó quyết định kỷ luật xóa tên bà không phải là quyết định có tính chất nội bộ trong cơ quan, tổ chức.
Cô giáo ở Cà Mau kiện đòi bồi thường danh dự đã bị thiệt hại tinh thần |
Luật sư Phan Thị Hương Thủy cũng nêu trong đơn gửi các cơ quan chức năng rằng số tiền nhận thêm của Công ty Lý Nhân là do 2 bên đã thỏa thuận để luật sư tư vấn cho Công ty Lý Nhân hoàn thiện hồ sơ khởi kiện ra Tòa án.
Ngoài ra, Công ty Lý Nhân còn phải trả cho luật sư Thủy 300 triệu đồng nữa cho những chi phí của luật sư trong khi thực hiện hợp đồng.
Vì vậy luật sư Thủy đã kiện Công ty Lý Nhân ra Tòa án nhân dân huyện Lý Nhân, Hà Nam để đòi lại 300 triệu đồng. Bản án số 01/2017/KDTM-ST ngày 10-5-2017 của Tòa án nhân dân huyện Lý Nhân chấp nhận một phần yêu cầu của luật sư Thủy, yêu cầu Công ty Lý Nhân trả thêm cho luật sư Thủy 100 triệu đồng.
Luật sư Phan Thị Hương Thủy khẳng định, quyết định của Đoàn Luật sư Hà Nội là trái pháp luật, trái với Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trái với Quy định về xử lý kỷ luật luật sư, đi ngược với Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư…
Cụ thể, tại Điều 1 của Quyết định số 72 không ghi áp dụng điều luật nào mà luật sư Thủy phải chịu hình thức kỷ luật xóa tên.
Những vi phạm của luật sư Thủy được nêu trong quyết định 72 không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Luật sư (quy định các trường hợp xem xét kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Đoàn luật sư).
Đối với tố cáo của bà Vi, luật sư Thủy cũng cho rằng, việc Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội thụ lý đơn tố cáo của bà Vi là không đúng thẩm quyền mà theo Luật Tố cáo, đơn này phải được chuyển đến cơ quan Công an.
Khiếu nại quyết định của liên đoàn luật sư Việt Nam
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Phan Thị Hương Thủy cũng đã có đơn gửi tới Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nơi ông Nguyễn Chiến đang là Phó Chủ tịch.
Tuy nhiên vào ngày 23/10/2018, Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định số 113/QĐ-BTV không chấp nhận nội dung khiếu nại của tôi, giữ nguyên hình thức kỷ luật “xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư” đối với bà Phan Thị Hương Thủy theo nội dung Quyết định kỷ luật luật sư số 72/QĐ-BCNĐLS ngày 12/02/2018 của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, đồng thời thu hồi thẻ luật sư đã cấp cho tôi và giao Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội làm thủ tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư Thủy.
Bà Thủy cho biết, ngày nhận được Quyết định số 113 là ngày 06/11/2018.
Luật sư Phan Thị Hương Thủy cho rằng, Quyết định 113 sai vì theo Khoản 2 Điều 18 Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi bổ sung 2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư và phải bằng quyết định. Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư thì thông báo cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam để thu hồi thẻ luật sư.
Đồng thời, theo Khoản 3 Điều 85 về xử lý kỷ luật đối với luật sư: Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư thì Đoàn luật sư phải có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư và đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi thẻ luật sư.
Theo quy định của Luật Luật sư (khoản 2 Điều 86) không đồng ý với quyết định giải quyết của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ngày 13/11, bà Thủy đã gửi đơn khiếu nại tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp đơn khiếu nại đối với Quyết định số 113/QĐ-BTV ngày 23/10/2018 của Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam. Theo quy định thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên đã liên lạc với Luật sư Nguyễn Chiến, nhưng ông từ chối trả lời.
Đây là vụ việc đã kéo dài gần một năm qua, vì vậy rất cần Bộ Tư pháp sớm vào cuộc để xử lý vụ việc đúng các quy định của pháp luật, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài.