Hiểu nhầm về thực phẩm chức năng khiến bệnh nhân bỏ qua thời gian vàng chữa bệnh

24/11/2018 06:00
Trần Phương
(GDVN) - Tình trạng nhập nhèm trong thông tin quảng cáo thực phẩm chứng năng gây hiểu lầm, tốn kém và khiến người bệnh bỏ qua thời gian vàng chữa bệnh.

Ngày càng nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng

Ngày 22/11/2018, tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAF) tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần thứ 2.

Tham dự Hội nghị có ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế và hơn 300 đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội, cùng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế khu vực và ngành công nghiệp thực phẩm cũng không nằm ngoài đóng góp này.

Trong thời gian vừa qua, sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm thực phẩm chức năng đã góp phần làm cho thị trường này ngày càng phong phú, đa dạng góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: LC)

Thứ trưởng Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: LC)

Với thực tế thực phẩm chức năng đang bày bán phổ biến khắp nơi từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc tới các shop online trên website, mạng xã hội Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho rằng ngành công nghiệp thực phẩm chức năng đang ở giai đoạn rất phát triển.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến các vi phạm, lạm dụng trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo các mặt hàng này như quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật; Sản xuất không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; Ghi nhãn không đúng với các quy định của pháp luật; Sản xuất khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; hoặc sản xuất ở nơi không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm…

Hiểu nhầm về thực phẩm chức năng khiến bệnh nhân bỏ qua thời gian vàng chữa bệnh ảnh 2Cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quảng cáo

Nói về khía cạnh quản lý, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, thực phẩm chức năng là một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam và được bắt đầu quản lý chính thức bằng văn bản từ năm 2000.

Đến năm 2004, khái niệm thực phẩm chức năng mới lần đầu được xuất hiện trong một văn bản quản lý của Bộ Y tế. Và đến năm 2010, thực phẩm chức năng chính thức được quản lý bởi Luật an toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, dưới đó là các Thông tư của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn việc đăng ký sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo... đối với thực phẩm chức năng và gần đây nhất là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Có tình trạng hiểu nhầm về thực phẩm chức năng

Về cách hiểu thế nào là thực phẩm chức năng, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có định nghĩa thống nhất.

“Tại Việt Nam, thuật ngữ này đã được quy định tại Luật an toàn thực phẩm tuy nhiên, thuật ngữ được nhận định là khá rộng và có khả năng một số nhà sản xuất sẽ lợi dụng điều này để công bố công dụng sản phẩm vượt quá tác dụng thực tế, gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Theo đó, một số nhà sản xuất đã lợi dụng để sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng không đạt chất lượng, nhập nhèm trong thông tin quảng cáo gây hiểu lầm, tốn kém cho người tiêu dùng, khiến người bệnh bỏ qua thời gian vàng trong chữa trị…

Do đó, để định hướng người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa đã quy định phải ghi rõ cụm từ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” lên nhãn sản phẩm”, Thứ trưởng Cường phát biểu tại Hội nghị.

Thứ Trưởng Trương Quốc Cường cho biết, năm Luật dược 2016 cũng đã quy định hành vi cấm “Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, Điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, Điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc”.

Về mặt căn cứ pháp lý để quản lý, điều chỉnh cho nhóm sản phẩm này hiện cũng đã có căn bản, tuy nhiên cái khó là việc triển khai công tác này trong thực tế do có quá nhiều sản phẩm, nhiều sản phẩm lại có sự giao thoa trong công tác quản lý và ý thức chấp hành của một bộ phận doanh nghiệp chưa tốt.

Đang có tình trạng hiểu nhầm thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh. (Ảnh minh họa: TPCN)
Đang có tình trạng hiểu nhầm thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh. (Ảnh minh họa: TPCN)

Việc ban hành kịp thời các văn bản quản lý và tăng cường các hoạt động kiểm tra, hậu kiểm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng như đã đề cập ở trên thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ Y tế trong nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo an toàn thị trường thực phẩm chức năng, bảo vệ các cơ sở sản xuất chân chính.

Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng phát triển trên cơ sở kiến tạo một hành lang pháp lý thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng cũng hài hòa với các quy định quốc tế, đặc biệt là quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

 Và trong thời gian tới, công tác quản lý cũng cần hướng tới mục tiêu xây dựng ngành thực phẩm chức năng Việt Nam trở thành ngành kinh tế - y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cũng tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ thêm các kiến thức và kinh nghiệm để làm sao có những sản phẩm thực phẩm chức năng tốt, thực sự hữu ích, cùng hướng tới phát triển thực phẩm chức năng bền vững vì sức khỏe cộng đồng.

Tham dự Hội nghị có hơn 300 đại biểu đến từ các ban ngành, cơ quan Quốc hội và Chính phủ (Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường, Ủy ban Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và một số bộ ngành liên quan), các viện nghiên cứu trong nước, quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Singapore) và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trong và ngoài nước.
Trần Phương