LTS: Những cái tát mà học sinh ở Quảng Bình phải chịu mới đây nhất và nhiều điều xảy ra trong giáo dục đặt ra vấn đề với các phong trào có tên “thi đua khen thưởng”.
Những phong trào này đang gây ra vô số căng thẳng và là nguồn cơn của nhiều vấn đề, nhiều bất hạnh trong giáo dục mà trong bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung - Tổ chức Giáo Dục Emile Việt và cũng là người nghiên cứu nhiều về giáo dục các nước hiện đại như Pháp, Phần Lan xin nói đến khía cạnh động lực trong học tập.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả quan điểm của vị này.
Động lực trong học tập
Khi ta muốn biết, muốn khám phá hay muốn học một điều gì, thì đó là động lực. Động lực là lực thúc đẩy từ bên trong.
Khi có động lực thì làm gì, học gì cũng dễ dàng, có thử thách khó đến đâu cũng có thể vượt qua.
Ngược lại, thiếu động lực là chúng ta rơi vào tình trạng “mất lửa”, chán nản, mệt mỏi. Học hành không có động lực là cả một gánh nặng, khổ sở và thậm chí là bất hạnh và không thể đi xa.
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung thông tin, người Phần Lan vì muốn tạo ra một môi trường sư phạm lành mạnh để làm cho học sinh hạnh phúc và phát triển, nên đã nói không hoàn toàn với các hình thức thi đua, khen thưởng và thành tích trong nhà trường và họ đã thành công. Tại sao chúng ta không học hỏi họ nhỉ? (Ảnh: Sông Hồng) |
Ngày xưa, các nhà bác học lừng danh như Einstein hay Edison cũng đã từng không có động lực trong việc học ở trường. Nhà trường không hiểu họ, chê họ và đuổi họ.
Thế nhưng, nhờ có mẹ kiên trì dạy dỗ và truyền động lực và sự đam mê mạnh mẽ nên, nhờ vậy mà chúng ta hưởng nhờ được những thành quả do những phát minh vĩ đại của Thomas Edison đem lại.
Nếu không có sự đam mê và động lực thúc đẩy, thì Edison không thể kiên trì thử nghiệm tới 10.000 lần để phát minh ra bóng điện.
Vậy nên dạy học phải là một nghệ thuật tạo ra sự hứng thú và động lực cho học sinh. Khi đã có động lực, sự đam mê và nắm bắt được phương pháp, học sinh sẽ có đủ khả năng để tự tìm kiếm cho mình những tri thức cần thiết.
Thi đua khen thưởng
Nhưng động lực đó phải từ bên trong và mang tính lâu dài, chứ không phải mang tính nhất thời và đến từ bên ngoài như từ các phong trào thi đua khen thưởng hay roi đòn, ép buộc của người lớn.
Thi đua khen thưởng cũng có thể thúc đẩy học sinh cố gắng, nhưng đó chỉ là những lực chóng qua, khi qua đợt thi đua, khi đã có phần thưởng thì đâu lại vào đó.
Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục |
Nếu sử dụng phần thưởng một cách liên tục, sẽ làm cho trẻ lệ thuộc vào các phần thưởng, trẻ sẽ hành động, học hành có điều kiện, có thưởng thì học, không thưởng thì thôi.
Roi đòn, đe nẹt cũng có thể biến trẻ thành “ngoan”, nhưng đó là một áp lực từ bên ngoài. Trẻ vì sợ, vì không có lựa chọn nên phải chấp nhận. Một sự học như vậy chắc chắn không phải vì sự hiếu tri, vì tính tò mò muốn biết, muốn khám phá. Học như vậy sẽ không có độ bền, khó có thể tiến xa vì không mang động lực chắc chắn từ bên trong.
Hậu quả sẽ là làm cho học sinh mất tự tin, căng thẳng, biến học sinh thành những đứa trẻ lệ thuộc, thiếu tự chủ, không có khả năng tự đưa ra quyết định vì đã quen lệ thuộc và thụ động. Bằng cách này, người lớn đang ‘‘dập tắt linh hồn của trẻ và cản trở sự phát triển về tinh thần của nó’’ (Montessori).
Những điều mang lại động lực
Muốn tạo ra động lực thì trước hết cần hiểu biết về trẻ, cũng như cần giúp trẻ nhận diện chính mình, biết những điểm mạnh và điểm yếu, biết khuynh hướng, loại hình thông minh nổi trội để trẻ biết chọn cách học một cách tốt nhất cho mình.
Khi trẻ học theo cách thuận lợi nhất với bản thân thì sự học trở nên dễ dàng và mang lại cho trẻ động lực.
Ngược lại, sự áp đặt đồng loạt trong việc giảng dạy sẽ san bằng sự khác biệt và vì vậy cũng làm mất động lực nơi trẻ.
Muốn trẻ có động lực, cần giúp trẻ hiểu biết về sự học, nhận thấy lợi ích của việc học trước hết là cho chính bản thân mình, phục vụ cuộc sống của mình.
Còn khi học để phục vụ một cái gì đó từ bên ngoài như những phong trào thi đua được đặt ra bởi người lớn, chẳng liên quan gì đến bản thân trẻ thì trẻ sẽ không thể có động lực.
Việc học hành sẽ thành công khi trẻ có mục tiêu, có kế hoạch, nhưng nếu những mục tiêu và kế hoạch đó là của cha của mẹ, của thầy cô hay của nhà trường, thì trẻ sẽ không thể có động lực từ bên trong.
Do vậy, mục tiêu và kế hoạch học tập phải là của trẻ và vì trẻ, trẻ là tác giả, là người trực tiếp tham gia hoạch định cùng với cha mẹ hay thầy cô. Mục tiêu đó phải gần gũi, khả thi, thì sẽ mang lại động lực cho trẻ.
Tất cả các phong trào thi đua khen thưởng, đòn roi, đe nẹt trong giáo dục là lợi bất cập hại, vì nó không mang lại động lực bên trong cho trẻ, ngược lại nó là nguyên nhân gây ra sự căng thẳng cho thầy và trò, ảnh hưởng xấu đến môi trường sư phạm nên cần sớm dẹp bỏ.
Người Phần Lan vì muốn tạo ra một môi trường sư phạm lành mạnh để làm cho học sinh hạnh phúc và phát triển, nên đã nói không hoàn toàn với các hình thức thi đua, khen thưởng và thành tích trong nhà trường và họ đã thành công. Tại sao chúng ta không học hỏi họ nhỉ?