Sau 2 năm thực hiện Chương trình sữa học đường quốc gia theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước hiện có 10 tỉnh thành triển khai chương trình này rất hiệu quả. ‘
Nhìn ở góc độ xã hội và gia đình, chương trình này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn đem lại nhiều lợi ích cho học sinh và gia đình…
Ý nghĩa nhân văn, tầm nhìn chiến lược
Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ…, Chương trình sữa học đường được thực hiện từ rất sớm.
Hình ảnh cổ động cho Ngày hội sữa học đường thế giới tại Anh (được FAO và Liên hợp quốc phát động từ năm 2000, được tổ chức vào thứ 4 cuối cùng của tháng 9 hàng năm). |
Hình ảnh học sinh dùng bữa tại trường học Canada vào năm 1943 (nguồn: wikipedia). |
Nhật là một trong những quốc gia coi chương trình này như một chiến lược để cải thiện thể lực giống nói.
Ngay sau chiến tranh thế giới thứ II và nối tiếp những năm sau đó, bữa trưa của học sinh Nhật được cung cấp sữa. Sau 1970, bữa ăn của học sinh Nhật dần hình thành và ổn định cho tới ngày nay.
Hình ảnh học sinh dùng bữa tại trường học Nhật Bản (nguồn: internet). |
Tại Mỹ, chương trình còn được thực hiện sớm hơn, từ năm 1940 bắt đầu từ Chicago, New York…Tới năm 1946 trở thành chương trình Bữa trưa quốc gia cho học sinh.
Một nước Đông Nam Á là Thái Lan cũng thực hiện chương trình sữa học đường quốc gia từ năm 1985.
Còn tại Trung Quốc, đất nước đông dân số 1 thế giới này cũng triển khai chương trình sữa học đường quốc gia được 18 năm, từ năm 2000.
Thống kê tại Trung Quốc cho thấy, học sinh uống 2 hộp sữa/ngày tăng trưởng chiều cao rõ nét. Các em tăng 0.72cm (lứa 7 tuổi) và 0.46cm (lứa 9 tuổi) so với các nhóm khác.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) năm 2015, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân, thiếu máu,… vẫn ở mức rất cao so với thế giới, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%.
Với tình trạng như vậy, việc mỗi ngày được bổ sung ít nhất 1 hộp sữa trong bữa ăn học đường thông qua chương trình sữa học đường là điều cần thiết và nên làm.
Nhận thức được vấn đề này, Chương trình sữa học đường quốc gia đã ra đời nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016.
Quyết định nêu rõ mục tiêu chương trình: "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai".
Tính nhân văn của chương trình thể hiện rõ ở việc tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non và tiểu học đều được uống sữa để phát triển.
Chương trình được xã hội hóa, với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và gia đình phụ huynh học sinh.
Như vậy tất cả trẻ em trong lớp, trường học đều được uống sữa, không có trường hợp em được uống, không uống.
Các em học sinh Việt Nam hào hứng với ly sữa trên tay trong một buổi sinh hoạt tập thể. |
Rộng hơn, chương trình hướng đến các mục tiêu: Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các em thông qua khẩu phần ăn hàng ngày của các em học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các trường; đáp ứng 90-95% nhu cầu năng lượng của trẻ vào năm 2020.
90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn phải được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.
Ngoài ra, mục tiêu cuối cùng của chương trình sữa học đường là chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010…
Việt Nam là đất nước đang phát triển, nhiều gia đình chưa có điều kiện sử dụng sữa mỗi ngày, trong khi trẻ em độ tuổi mẫu giáo và tiểu học rất cần chăm sóc dinh dưỡng cho sự phát triển trong tương lai vì đây là độ tuổi đang trưởng thành và phát triển nhanh cả về thể chất và trí tuệ.
Vì vậy, Chương trình Sữa học đường được triển khai gắn với an sinh xã hội trên toàn quốc với sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước theo Quyết định 641/QĐ-TTg; Quyết định 1340/QĐ-TTg của Chính phủ.
Chương trình giúp đảm bảo công bằng xã hội, cơ hội tiếp cận dinh dưỡng công bằng đối với mọi trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
Giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em; nâng cao thể lực, tầm vóc trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, tiến tới cải thiện chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi bò sữa nói riêng. Thực hiện đầy đủ và trọn vẹn Công ước Quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Học sinh và gia đình được hưởng lợi những gì?
Chính vì những mục tiêu và ý nghĩa trên, những sản phẩm được sử dụng trong chương trình Sữa học đường đều phải là các sản phẩm được nghiên cứu lâm sàng, từ đó bổ sung các vi chất đang bị thiếu hụt của các trẻ em lứa tuổi học đường.
Theo quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chương trình sữa học đường tại Việt Nam sẽ được tiến hành theo hình thức xã hội hóa, với sự tham gia đóng góp của 3 bên: Nhà nước, gia đình và doanh nghiệp hỗ trợ.
Để chương trình có thể diễn ra, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, đầy tâm huyết của cả hệ thống chính trị từ Trung uong đến địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp và sự đóng góp của Phụ huynh học sinh.
Trên cả nước hiện nay, đã có 10 tỉnh/thành triển khai chương trình này và đạt được những kết quả khả quan trọng việc cải thiện tình trạng thể chất của các em học sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân của các địa phương.
Chương trình sữa học đường được triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích từ nhiều phía. Đối với gia đình: Các gia đình sẽ yên tâm 100% con em mình sẽ được uống sữa tại lớp dưới sự giám sát và hướng dẫn của giáo viên. Chi phí mua sữa bỏ ra sẽ chỉ bằng 1/2 chi phí mua sữa ở ngoài hoặc thấp hơn.
Đặc biệt đối với các trường hợp gia đình chính sách, hộ nghèo sẽ được nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ 100% chi phí theo qui định của chương trình.
Đối với một số địa phương ở vùng sâu vùng xa, nơi kinh tế các hộ gia đình còn nhiều khó khăn thì đây sẽ là động lực cho các em ham thích đến trường, tạo điều kiện cho các em học sinh phát triển về thể chất và trí tuệ để có thể xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp hơn.
Đối với chính quyền: Chương trình giúp cải thiện được tình trạng thể chất, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi của trẻ em trong độ tuổi đến trường của các tỉnh. Hỗ trợ các tỉnh thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục bậc tiểu học.
Phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tại các tỉnh, tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ chăn nuôi bò sữa và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Ổn định nguồn thu ngân sách của các địa phương.
Chuẩn bị được nguồn nhân lực cho tương lai có khả năng cạnh tranh được với thế giới về tầm vóc và trí tuệ.
Đối với doanh nghiệp sản xuất sữa: Chương trình giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội cộng đồng, bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khi tham gia.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh sản xuất, đóng góp ngân sách cho nhà nước để nhà nước có thể sử dụng, đầu tư vào các mục tiêu phát triển an sinh xã hội...
Chiều cao trung bình của thanh niên |
Nam |
Nữ |
Thái Lan |
170.3 cm |
159 cm |
Nhật Bản |
172.0 cm |
158.70 cm |
Mỹ |
175.9 cm |
162.1 cm |
Trung Quốc (lục địa) |
172.1 cm |
160.1 cm |
Việt Nam |
163.9 cm |
153.7 cm |