Chiều 29/11, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa XV diễn ra từ ngày 4 – 6/12
Tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân Thành phố sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng.
Đặc biệt, Hội đồng Nhân dân Thành phố sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 36 chức danh do Hội đồng Nhân dân bầu.
Ông Trần Thế Cương trả lời tại họp báo. Ảnh: T.Q |
Tại cuộc họp báo, phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi liên quan đến đề án Sữa học đường của Hà Nội.
Câu hỏi thứ nhất là, đề án Sữa học đường được Hà Nội hỗ trợ hơn 1000 tỉ đồng từ ngân sách, nhưng bài thầu Hà Nội lại không có tiêu chí nào kiểm soát năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu của nhà thầu.
Vậy Hội đồng Nhân dân dựa vào đâu để giám sát được chất lượng ly sữa học đường đến tay các cháu có phải là sữa tươi đúng quy chuẩn của Bộ Y tế?
Câu hỏi thứ hai, một số ý kiến cho rằng, bài thầu của Hà Nội có dấu hiệu nhắm tới một doanh nghiệp như không kiểm soát năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu, yêu cầu kĩ thuật không có tỉ lệ % thành phần sữa tươi và để dấu..., tạo kẽ hở lớn dễ đưa sữa tiệt trùng vào thay thế sữa tươi, Hội đồng Nhân dân có nhận thấy vấn đề này không và có giải pháp nào khắc phục?
Ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã trả lời các câu hỏi này.
Ông Cương cho biết:
"Thời gian vừa qua các cơ quan thông tấn báo chí đều quan tâm đến vấn đề này.
Chúng tôi thấy rằng đây là chủ trương nhân văn của Đảng, Chính phủ nhằm nâng cao tầm vóc, thể trạng, thể lực, trí tuệ của người dân Việt Nam trong đó có trẻ em.
Vấn đề thể trạng, thể lực của trẻ em so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn hạn chế, minh chứng là mong muốn chạm tay vào huy chương vàng bóng đá nhưng thời gian vừa qua khó.
Chúng tôi hy vọng AFF Cup tới chúng ta sẽ làm được điều này”, ông Cương nói.
Thành phố cũng thực hiện theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình sữa học đường, tập trung liên quan đến nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Hà Nội thực hiện giai đoạn 2018 -2020.
Theo chỉ tiêu, tiêu chuẩn của Bộ y tế và Viện Dinh dưỡng, Hà Nội đã xây dựng đề bài.
"Về việc đấu thầu có vấn đề gì không? Với vai trò chức năng giám sát của Hội đồng Nhân dân, đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận thấy vấn đề gì xảy ra cả", ông Cương khẳng định.
Theo vị Trưởng ban Văn hóa Xã hội, tất cả nội dung liên quan, Hội đồng Nhân dân đã có nghị quyết giao cho Ủy ban Nhân dân Thành phố, Thành phố giao cho Sở, Ban ngành thực hiện theo Luật Đấu thầu.
Ngày 23/11, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chấm thầu và mở thầu, kết quả doanh nghiệp Vinamilk đã trúng thầu.
Ngân sách hỗ trợ hơn hơn 1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ là ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp trúng thầu 20% và gia đình đóng góp 50%. Các cháu thuộc diện gia đình nghèo, cận nghèo, diện chính sách được miễn phí.
Chương trình sữa học đường quốc gia: Học sinh và gia đình sẽ được lợi ích gì? |
"Theo tổng hợp của ngành giáo dục Hà Nội, phụ huynh không ăn 2 phát phở thì con em họ sẽ được uống sữa trong 1 tháng", ông Cương dẫn lại tính toán của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Ông Cương trả lời tiếp, theo quy chuẩn đưa ra, Hà Nội đã giao cho Sở Giáo dục phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã xin ý kiến Bộ Y tế và các đơn vị kiểm định, các đồng chí có nói là một tuần theo quy định sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học. Mỗi ngày một hộp sữa tươi là 180ml
Thành phố chủ trương uống sớm nhưng theo quy định Luật Đấu thầu, các quy định của pháp luật nên từ 1/1/2019 các cháu sẽ được uống sữa.
"Về việc có ưu ái gì cho doanh nghiệp không? Tôi xin trả lời là theo quy định Luật Đấu thầu, ngành giáo dục, tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng luật.
Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được thông tin gì.
Trong kế hoạch, chúng tôi sẽ giám sát. Sữa học đường là vấn đề nhạy cảm liên quan đến an toàn thực phẩm, chất lượng sữa, công tác bảo quản, phát hành sữa đến các em, chúng tôi sẽ cũng phụ huynh giám sát", ông Cương khẳng định.