LTS: Sau sự việc cô giáo Trường Mầm non B Trực Đại dùng dây cột người bé trai 4 tuổi vào cửa sổ lớp học, nhà giáo Phan Tuyết cho rằng, chúng ta chỉ lên án mình giáo viên liệu có công bằng?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu chuyện 231 cái tát chưa kết thúc lại đến chuyện cô giáo Trường Mầm non B Trực Đại, huyện Trực Ninh dùng dây cột người bé trai 4 tuổi vào cửa sổ lớp học khiến nhiều người cảm thấy sốc và bức xúc.
Hành động của hai cô giáo đối với một học sinh mắc chứng tự kỷ tăng động, câm điếc bẩm sinh như thế là hoàn toàn đáng trách, đáng lên án.
Thế nhưng để xảy ra chuyện đau lòng trên, chúng ta chỉ lên án mình giáo viên liệu có công bằng?
Cột dây vào cổ trẻ tự kỷ lỗi không thuộc về mình cô giáo (Ảnh: Chụp từ màn hình) |
Ai đã buộc những đứa trẻ tự kỷ, tăng động vào môi trường học tập chung như thế? Đây chính là chủ trương chung của ngành giáo dục gọi là giáo dục hòa nhập đưa trẻ khuyết tật vào học chung trong một chương trình giáo dục với trẻ bình thường.
Điều mà nhiều người đang ca tụng là nhân văn ấy không chỉ khiến những học sinh tự kỷ chịu thiệt thòi khi không được những người thầy giàu chuyên môn dạy trẻ tư kỷ hướng dẫn, giáo dục, làm cho giáo viên khó thực hiện việc giảng dạy (chỉ thiên về trông giữ) mà còn bắt những đứa trẻ bình thường phải chịu sự tăng động bất thường từ bạn.
Nếu trong chúng ta ai đã trải qua cảnh vừa dạy vừa giữ, vừa trông chừng những đứa trẻ tự kỷ, tăng động sẽ có sự cảm thông với việc làm của hai cô giáo.
Bài viết này, chúng tôi sẽ kể bạn đọc nghe những vất vả, khốn khổ của cả thầy và trò khi trong lớp có học sinh tự kỷ, tăng động.
Chúng tôi đã khốn khổ thế nào khi dạy hòa nhập
Trường chúng tôi có khá nhiều trẻ em khuyết tật, tự kỷ học hòa nhập. Do có em mắc bệnh ở thể trạng nhẹ nên nhà trường đã giảm yêu cầu dạy. Nhờ đó, một số học sinh tự kỷ cũng đáp ứng được.
Công đoàn Giáo dục đề nghị không thi hành kỷ luật cô giáo buộc dây vào áo trẻ |
Riêng lớp tôi có 2 em học sinh mắc chứng tự kỷ khá nặng. Hầu như không học được gì vì có hướng dẫn các em cũng chẳng chịu nghe bao giờ.
Vào lớp, tôi vừa dạy vừa canh chừng. Thế nhưng bất thình lình một học sinh ngồi bên hét lên vì bị bạn đâm bút vào tay, bạn lại bị phun cả bãi nước miếng vào mặt. Lúc thì hai bạn hú hét vang lớp.
Những lúc ấy, lớp học cứ náo loạn hết lên. Phải cố gắng lắm mới ổn định nổi. Có lần, các em còn xô bàn đè chân cô đến sưng phồng.
Có khi đang học, một em đi vệ sinh ngay tại chỗ, có hôm đại tiện luôn chẳng biết gì. Lớp học phải ngưng giữa chừng để dọn dẹp.
Những lúc cho học sinh cả lớp làm bài, tôi xuống chỗ 2 em (hai em ngồi hai bàn khác nhau) để trò chuyện, cho kẹo và dỗ dành. Chẳng biết chúng có nghe, có hiểu nhưng chỉ bình yên được một lúc.
Giờ ra chơi, giờ học Thể dục, 2 em còn vác cả cục đá to choảng vào đầu bạn. Ném cát, ném đất vào mặt bạn.
Hôm nào tôi cũng phải nghe điện thoại, hoặc tiếp phụ huynh lên phản ánh việc con họ bị đánh.
Tôi không thể xếp 2 em ngồi chung nhóm với các bạn bình thường mà kê thêm 2 cái bàn ở cuối lớp cho các em ngồi để dễ bề kiểm soát.
Làm thế, nếu ai chụp hình hay quay tung lên mạng chắc chắn tôi cũng dính tội “bạc đãi, phân biệt trẻ tự kỷ”. Nhưng không thế, học trò khác của tôi sẽ chẳng thể học yên ổn, chưa nói đến việc còn bị gây thương tích.
Xã hội nên có cái nhìn toàn diện hơn về vụ việc cô giáo buộc trẻ ở Trực Ninh |
Chúng tôi có ý kiến nếu để các em học chung như thế sẽ khổ cho cả ba bên. Bức xúc thì có ý kiến như vậy chứ chúng tôi biết đã là chủ trương của ngành thì nhà trường cũng không thể làm khác.
Nhiều đồng nghiệp của tôi dạy trẻ hòa nhập cũng cho biết, khi học trò tự kỷ tăng động rất khó kiểm soát. Có học sinh bị đánh chảy máu đầu, bị cắn đến rách thịt, bị ném đến u trán…
Cần xem lại chủ trương dạy trẻ hòa nhập
Một lớp học có vài chục em, có lớp đến năm sáu chục em, giáo viên dạy đã đuối nay có thêm vài em tự kỷ, tăng động chẳng biết các cô phải quản lý thế nào.
Chuyện hai cô mẫu giáo phải làm thế với học trò tự kỷ nghĩ cũng là bất đắc dĩ. Bởi theo lời hai cô, em N.T.P bị tăng động nên hay quậy phá và đánh bạn bè.
Khi không thể trông giữ và bảo vệ an toàn cho những học sinh khác, các cô đành chọn hạ sách cột trẻ lại.
Dù không ai đồng tình với việc làm này, nhưng thông qua câu chuyện trên, các cơ quan chức năng cần xem xét kĩ việc nên hay không dạy trẻ hòa nhập như thế?