Những kỷ niệm về cuộc đời làm nghề giáo vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim 70 tuổi của cô Lương Quỳnh Khuê – Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đốt đuốc, “lội” bom đi vận động học trò
Cô Khuê vẫn nhớ rõ khoảng thời gian 7 năm “phần đời vô cùng tươi đẹp” mà cô công tác tại trường cấp hai ở xã Kim Chi, huyện Kim Bôi – một trong những vùng khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình.
Dạo ấy, năm 1966, bắt đầu vào thời kỳ chống Mỹ ác liệt. Cô gái 20 tuổi vừa mới tốt nghiệp trường sư phạm “mười cộng hai Nam Định”, lặn lội lên vùng núi khó khăn và nguy hiểm, đặt bước chân đầu tiên trên con đường giảng dạy của mình.
Các “mế” người Mường hai mắt sáng rỡ, reo lên khi nhìn thấy cô giáo đến: “Ô! Cô giáo à, cô giáo từ Hà Nội lên à. Trẻ quá trẻ quá!”.
Học sinh cấp hai của cô giáo Khuê thuở ấy có người bằng tuổi cô, thậm chí còn lớn hơn. Nhưng bước vào lớp với tâm thế của người giáo viên, cô không hề thấy lúng túng trước học trò hơn tuổi mình.
Trong ký ức của cô Khuê, các em học sinh người Mường “đáng yêu và học giỏi lắm”. Sớm trèo đèo lội suối đi học, chiều phải lên nương lên rẫy, tối mới có thời gian ôn bài ở nhà; nhưng sáng nào chúng cũng đi học đúng giờ, bất kể ngày mưa lũ hay trời đông giá rét.
Thương học trò, cô nghĩ cách cho các em đựng than vào một cái ống, xách đến lớp. Hoặc có khi phải đốt một đống củi ở cuối lớp học để giữ ấm.
Với những trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc bị đau ốm có ý định bỏ học, cô giáo Khuê đi vận động từng gia đình.
Ban đêm, cầm cây đuốc trên tay, một thân một mình men theo đường núi trập trùng, lội qua nhiều con suối tìm đến nhà học sinh, ấy vậy mà cô gái trẻ chẳng biết sợ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Quỳnh Khuê; Nguyên Trưởng khoa Văn hóa – Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trưởng ban Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học Môi trường và Xã hội. |
Trên đường đi, gặp những người đánh cá đêm, họ nhìn thấy cô giáo thì reo ầm lên. Có người thấy đuốc của cô giáo gần tắt, còn bó một cây đuốc khác để cô vác trên vai. “Tình cảm mộc mạc của bà con làm tôi cảm động lắm”, cô Khuê bồi hồi nhớ lại.
Bấy giờ, đi vận động học sinh, nhiều khi cô giáo còn phải qua mấy bãi có bom nổ chậm. Các anh bộ đội đứng bảo vệ từ xa, thấy cô lại gần thì bảo:
“Em ơi, nếu em có cặp ba lá hay bất cứ cái gì, phải để lại đây tất. Không được mang theo kim loại trên người. Đi qua đoạn có bom nổ chậm, nó có thể kích hoạt và gây nổ luôn đấy”.
Thế là, nhờ các chiến sĩ giữ hộ đồ, cô giáo trẻ tiếp tục lên đường kêu gọi các em đến trường. Giờ nghĩ lại, cô Khuê cười bảo: “Không hiểu sao mình trẻ như vậy mà dạo ấy không sợ chết”.
Hồi đó chiến tranh, các thầy các cô phải đào lớp chìm cho học sinh. Lớp học ở sâu dưới mặt đất một mét, sau lưng của các em là ngách hầm.
Dưới lòng hầm chữ A lát bương tre, ở bên trên là vỉ kèo làm bằng tre, bên ngoài cùng đắp đất.
“Khi có báo động một cái, học sinh ngay lập tức biến vào trong hầm luôn”, cô Khuê vừa kể vừa vẽ lại hình dáng của hầm trong trí nhớ.
Cực khổ là vậy, song cả thầy cả trò đều tích cực hăng say. Cô Khuê bảo, câu hát: “pháo anh trên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ, bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ” là hình ảnh rất thật mà cô không bao giờ quên.
Là thầy cô phải hết lòng, hết mình vì học sinh
Theo năm tháng, nghề dạy con chữ của cô giáo Khuê lại dày hơn những kỷ niệm.
Ngày 20/11 của những năm bom đạn ấy, chẳng có hoa hồng hay nhiều loại hoa như bây giờ.
Món quà quý nhất mà các học trò người Mường dành tặng cho cô giáo Khuê là những bó hoa rừng cắm đầy trong phòng, bất kể ngày thường hay ngày đặc biệt.
Có lần, cô giáo đang ngồi soạn giáo án trong ánh đèn dầu tù mù, bên ngoài gió mùa đông bắc ào ào lạnh, tự nhiên cứ có tiếng gọi “cô giáo ơi, cô giáo ơi”.
Mở cửa ra, cô thấy một mế lôi từ trong vạt áo ra một khúc sắn nóng hổi, được lùi trong bếp than của nhà. Chính lúc ấy, cô giáo Khuê quyết định gắn bó suốt đời với nghề dạy học. Nhớ đến đây, người giáo viên 70 tuổi lại lặng lẽ lau nước mắt.
Cô nói trong xúc động:“Những kỷ niệm ở miền núi của tôi chỉ có 7 năm, nhưng là phần đời vô cùng tươi đẹp mà tôi không bao giờ quên. Gắn với miền núi, gắn với những gì khó khăn nhất, gian khổ nhất”.
Sau khi thôi công tác giảng dạy cô Khuê dành trọn thời gian cho công tác nghiên cứu văn hóa dân tộc. |
Sau 7 năm dạy học ở Hòa Bình, cô Khuê trở về đi học tại Đại học Sư phạm Hà Nội trong 4 năm. Sau đó, cô được tuyển vào giảng dạy tại Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Cách đây vài năm, cô Khuê trở lại nơi bắt đầu sự nghiệp của mình để nghiên cứu về một dự án văn hóa. Ngày trở về, cả chi bộ xã ra đón cô. Trong số đó, nhiều người là học trò cũ của cô, là dân làng thuở ấy.
Cô giáo Khuê chưa bao giờ nghĩ rằng, ngày ra đi cô chỉ là một cô giáo bình thường, sau mấy chục năm quay về, cô lại nhận được buổi tiếp đón cô giáo cũ trở về bản làng xúc động đến như vậy. “Hôm ấy, tôi hát lại cho học sinh cũ của mình nghe bài hát Cô giáo vùng cao” kể.
Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề dạy học, cô Lương Quỳnh Khuê không nhớ nổi mình đã dạy qua bao lứa học sinh, sinh viên.
Cô tâm sự: “Có thời kỳ tôi nghĩ đi đâu cũng có người nhận ra mình, lúc nào cũng có thể bắt gặp học trò của mình. Bàn chân tôi đi khắp từ Bắc vào Nam, lên Cao Bằng, Lạng Sơn,… dạy biết bao nhiêu sinh viên”.
Với cô, món quà to nhất trong cuộc đời làm nghề giáo chính là tình cảm của các thế hệ học trò dành cho mình.
Có khi chỉ là một lời chúc mừng qua điện thoại, có thể là một bó hoa, một chiếc bưu thiếp,… cũng khiến cô vui.
Cô Khuê chia sẻ: "Cái mà tôi thấy mình giàu có nhất chính là tình cảm, là được sống trong môi trường ăm ắp tình thầy trò.
Là thầy cô, nếu mình hết mình vì học trò, thì dù đứa nào hư nhất trong lớp, sau này nó vẫn yêu mình, vẫn nhớ thầy cô”.
Cho đến bây giờ, những thế hệ học sinh, sinh viên cô Khuê dạy vẫn nhớ đến và về thăm cô. Nghề dạy học gắn với con người, gắn với tuổi trẻ, gắn với tương lai đã mang lại cho giáo Khuê ba điều mà cô tâm đắc nhất. “Một là đúng giờ, hai là ăn mặc chỉn chu, ba là biết nén cảm xúc”, cô cười.