LTS: Trước băn khoăn về triết lý giáo dục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán, trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội để tìm hiểu quan điểm của một giáo viên về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Phóng viên: Đã có nhiều ý kiến bàn luận về triết lý giáo dục. Là người trong ngành, thầy có mong chờ một định hướng chung cho cả hệ thống giáo dục nước nhà?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Triết lí giáo dục là vấn đề cốt lõi của mọi nền giáo dục trên thế giới, nó xác định hướng đi, nội dung và phương pháp giáo dục; quan trọng hơn là xác định sản phẩm của giáo dục.
Ở Việt Nam, người ta nhắc đến nhiều về triết lí giáo dục trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hầu hết những sự quan tâm vẫn chỉ là những câu hỏi mà chưa có câu trả lời; thậm chí, với nhiều người trong ngành thì đó vẫn là vấn đề xa lạ.
Mong chờ một định hướng chung, khát khao một triết lí giáo dục tường minh là mong ước chính đáng của gần 100 triệu dân, là trăn trở ngày đêm của giới giáo viên.
"Tôi mơ về một “Nền giáo dục khai phóng”". Đó là mong muốn của thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán, trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội. (Ảnh: Thầy Tùng cung cấp) |
Đáng tiếc, ngay cả trước thềm của công cuộc đổi mới giáo dục lần này, vấn đề triết lí giáo dục cũng chưa được coi trọng.
Theo quan điểm của tôi, chừng nào vấn đề này chưa rõ ràng thì khó mà lạc quan vào kết quả tốt đẹp mà lần đổi mới này mang lại.
Giáo dục Việt Nam hiện nay đã có triết lý hay chưa vẫn là câu chuyện gây tranh cãi. Thầy nhận định ra sao về vấn đề này cũng như ảnh hưởng của việc có hay chưa có triết lý tới hệ thống và các hoạt động giáo dục hiện nay?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Đúng là lâu nay chúng ta vẫn loay hoay với câu hỏi này, ngay cả trong nghị trường Quốc hội.
Người nói có, người nói không. Nhiều từ ngữ chúng ta vẫn nghe như “Giáo dục toàn diện”, “Đức, trí, thể, mỹ” thực ra chỉ nặng về khẩu hiệu, thực tế chưa làm được hoặc mỗi nơi làm một kiểu.
Hay như tôn chỉ của UNESCO “Học để biết, học để làm, học để khẳng định mình, học để cùng chung sống” (“Learn to know, learn to do, learn to be, learn to live together”) thì ngay cả giới giáo viên cũng chưa rõ nội hàm, chương trình, phương pháp giảng dạy càng chẳng có liên quan gì.
Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia về triết lý giáo dục lên tiếng |
Thật đáng buồn phải xác nhận rằng, triết lí giáo dục của Việt Nam là “HỌC ĐỂ THI”.
Tôi đoán rằng nhiều người đều biết nhưng né tránh hoặc không thừa nhận. Điều này đã tồn tại gần 1 nghìn năm, tính từ khoa thi đầu tiên thời nhà Lý (năm 1075).
Học để thi tạo nên một nền giáo dục ứng thí bám rễ thâm canh cố đế, có ở tất cả các cấp học, từ việc thi để vào lớp 1, thi vào lớp chọn,… đến thi công chức, thi nâng ngạch,…
Cả xã hội học để thi. Gần đây có việc học để nâng hạng giáo viên, đồng nghiệp của tôi kể rằng, trong thang máy còn thấy các thầy cô bàn bạc về chuyện … mang phao để đi thi.
Các hoạt động dạy và học của thầy và trò chủ yếu hướng tới các kì thi. Chương trình nặng về lý thuyết, hàn lâm, thiếu tính ứng dụng, tính thực tiễn. Nội dung nào thi nhiều thì học nhiều, không thi thì không học (rõ nét nhất là thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia).
Nội dung, chương trình dù có hay đến mấy nhưng nếu không thi thì cũng coi như … bỏ đi. Đến cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng coi đổi mới thi cử là khâu … đột phá của đổi mới giáo dục.
Một nền giáo dục vận hành như vậy sẽ tạo ra những con người “khiếm khuyết”, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay. Hầu hết các sản phẩm giáo dục của chúng ta thiếu tính độc lập, tự giác, không có tính phản biện, tự chủ, khó hòa nhập với cuộc sống và quan trọng là thiếu các kĩ năng thực tế.
Theo thầy, triết lý giáo dục Việt Nam nên như thế nào để phù hợp với yêu cầu của thời đại hiện nay cũng như xã hội tương lai?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Tôi mơ về một “Nền giáo dục khai phóng”. Từ khai phóng đã được nói đến từ lâu, với nhiều nghĩa khác nhau.
Theo quan điểm của tôi, ta hiểu đơn giản là: Một nền giáo dục mà giáo viên được tự do sáng tạo để hình thành nên sản phẩm tốt nhất; học sinh được phát triển đúng thế mạnh và niềm đam mê của mình.
Thực ra, điều này đã được nói đến từ 40 năm trước (năm 1978) với khẩu hiệu “Học sinh là trung tâm”. Tuy nhiên, khi vận hành lại thành ra “giáo viên là trung tâm”, “Ông hiệu trưởng là vũ trụ”,…
Bởi thế, học sinh bị đánh giá cào bằng, dạy học đại trà, tập trung,… không được lắng nghe, thấu hiểu và phát triển đúng năng lực bản thân.
Do vai trò bị đặt nhầm nên mới có nhiều mâu thuẫn, tiêu cực xảy ra như chạy chọt để vào trường, để nâng điểm, ép buộc học thêm, thầy đánh trò, trò áp lực,…
Cách dạy học và đánh giá như vậy làm thui chột tài năng, làm đất nước đi chậm lại.
Triết lý giáo dục như vậy sẽ định hướng cho những người tham gia hoạt động giáo dục và cả hệ thống theo đuổi mục tiêu này ra sao, thưa thầy?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Lâu nay, ngành giáo dục đã có rất nhiều thay đổi nhưng chúng ta vẫn chưa trả lời được các câu hỏi cơ bản: Nền giáo dục của chúng ta đang ở đâu? Đi trên con đường nào? Sẽ đi đến đâu?... Điều đó chứng tỏ, riêng ngành giáo dục không giải quyết được bài toán này.
Để xây dựng nền giáo dục khai phóng, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm mạnh mẽ, thực chất; chấp nhận hi sinh, tốn kém.
Trước hết, cần thay đổi nhận thức của toàn xã hội theo hướng đặt học sinh vào trung tâm, bắt đầu từ giáo dục gia đình.
Theo đó, trẻ em cần được lắng nghe, tôn trọng và được phát triển đúng với tâm sinh lí lứa tuổi và năng lực của bản thân.
Tiếp theo, Quốc hội cần có nghị quyết rõ ràng về vấn đề này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết kế chương trình mới phù hợp với tôn chỉ giáo dục khai phóng: Tạo độ mở cho giáo viên, tạo nên nhiều sự lựa chọn cho học sinh. Nội dung khoa học, hiện đại, phù hợp với thực tiễn.
Cùng với đó, toàn bộ đội ngũ quản lí giáo dục, đội ngũ giáo viên phải được nhận thức lại, đào tạo lại để đáp ứng được yêu cầu của nền giáo dục mới.
Đây là công cuộc của toàn dân, cần được làm một cách quyết liệt, thực chất mới mong chấn hưng được nền giáo dục nước nhà, xây dựng con người phù hợp với thời đại mới.
Làm được việc này, đất nước cần những người có tài, có tầm và đặc biệt, rất cần sự dũng cảm.
Trân trọng cảm ơn thầy.