Các cách hiểu về khái niệm Triết lí giáo dục

06/12/2018 06:11
PHẠM ANH TUẤN (dịch)
(GDVN) - Khi dịch cụm từ “Philosophy of Education” người ta đã bỏ qua chữ “về”, nên lẽ ra phải dịch đầy đủ không tĩnh lược đi là “Triết học về giáo dục”.

Lời người dịch: Cụm từ “Triết lí giáo dục” hiện nay đang bị hiểu sai lệch rất có thể là do lỗi… dịch thuật.

Khi dịch cụm từ “Philosophy of Education” người ta đã bỏ qua chữ “về”, nên lẽ ra phải dịch đầy đủ không tĩnh lược đi là “Triết học về giáo dục”.

Triết học về giáo dục (hoặc nói gọn, sau khi đã mặc nhiên hiểu là có chữ “về”) là một nhánh trổ ra của Triết học, theo hướng giáo dục.

Giống như Triết học về Tôn giáo, Triết học về Khoa học, Triết học về Đạo đức, Triết học về Cuộc sống (hay còn gọi là Triết lí sống hay Nhân sinh quan mà nhiều người nhầm lẫn với cái đang được gọi là “Triết lí giáo dục”).

Chúng tôi xin dịch Chương Dẫn nhập trong Cẩm nang Triết học về Giáo dục của Đại học Oxford.

Các cách hiểu về khái niệm Triết lí giáo dục ảnh 1Tôi muốn được bàn thêm, tranh luận về triết lí giáo dục

Có thể các nhà triết học được nhắc tới trong Cẩm nang này đều là người phương Tây, song những thành tựu của họ là kết quả của những suy tưởng, tranh luận, nghị trình triết học trải qua hàng ngàn năm, cho nên có thể coi là tri thức chung của loài người. Vì thế, chúng ta có thể yên tâm tham khảo.

Mục đích chính là để tránh những nhầm lẫn (đôi khi rất sơ đẳng) trong tranh luận Triết học về giáo dục và cả cách nghiên cứu “Triết lí giáo dục” không theo lối “nghiên cứu” mà theo lối “tổng kết” (có công trình cấp Bộ đã “tổng kết” cả “Triết lí giáo dục của Hồ Quí Li”. [1]

Triết học về giáo dục là gì?

Triết học về giáo dục education là nhánh trổ ra từ triết học khi triết học bàn đến những câu hỏi có tính triết học về bản chất, các mục tiêu và các vấn đề của giáo dục.

Xét như một nhánh (hay một ngành) của triết học mang tính thực tiễn, các nhà thực hành triết học về giáo dục phải biết nhìn hướng vào trong, tức nhìn vào môn Triết học là bậc cha mẹ của nó và đồng thời phải biết nhìn hướng ra ngoài, tức phải nhìn vào thực tiễn giáo dục cũng như phải nhìn vào môn tâm lí học phát triển, khoa học (liên ngành) về nhận thức ở người và nói rộng ra hơn là phải biết nhìn hướng tới môn xã hội học và các môn học khác có liên quan với xã hội học.

Vấn đề cơ bản nhất của Triết học về giáo dục là vấn đề liên quan đến các mục tiêu: các mục tiêu đúng nghĩa của giáo dục và những ý niệm dẫn đạo giáo dục là gì? 

Câu hỏi khác của Triết học về giáo dục là câu hỏi liên quan đến việc đánh giá: những tiêu chí thích hợp cho việc đánh giá những cố gắng, các định chế, những sự thực hành và những kết quả giáo dục là gì?

Còn có những câu hỏi quan trọng khác nữa, chúng liên quan tới thẩm quyền của Nhà nước và các giáo viên, các quyền của người học và các bậc phụ huynh, các ý niệm giáo dục được nói tới là có đặc điểm gì.

Chẳng hạn như ý niệm về tư duy phê phán, những hiện tượng không đáng mong muốn như sự nhồi sọ; cách nào là tốt nhất để hiểu và thực hiện giáo dục đạo đức; một loại các câu hỏi liên quan đến việc dạy, học và chương trình học.

Các cách hiểu về khái niệm Triết lí giáo dục ảnh 2Tác giả “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam” nói về triết lý giáo dục

Mối tương quan giữa Triết học về giáo dục và Triết học

Trong lịch sử của Triết học phương Tây, những câu hỏi của Triết học có liên quan đến vấn đề giáo dục đều được đề cao trong nghị trình của triết học.

Từ Socrates, Plato và Aristotle cho tới những triết gia ở thế kỉ XX như Bertrand Russell, John Dewey, R. S. Peters, và Israel Scheffler, họ là những nhà triết học hiểu theo nghĩa thông thường (tức họ là những nhà triết học đang làm việc trong các phân khoa của triết học, có các bài viết xuất bản trên các tạp chí triết học chủ lưu và những tiền bối của họ trong lịch sử).

Cả hai đều đã đề cập những câu hỏi về triết học về giáo dục, theo hướng họ giải quyết những vấn đề của tri thức luận (epistemology: khoa học về nhận thức, hỏi “Ta biết bằng cách nào? Cái biết ấy có đúng là biết đúng thật, đúng nghĩa hay không?...), siêu hình học, triết học về tinh thần và ngôn ngữ (philosophy of mind and language) và triết học về đạo đức, xã hội/chính trị.

Họ làm đúng những công việc như những nhân vật quan trọng của truyền thống triết học Tây phương như Augustine, Aquinas, Descartes, Locke, Hume, Rousseau, Kant, Hegel, Mill và nhiều người khác nữa.

Thoạt nhìn thì điều này không gây ngạc nhiên gì cả. Thứ nhất, việc theo đuổi những câu hỏi của triết học mà chúng có dính dáng đến giáo dục là phần nào phụ thuộc vào những nghiên cứu của các lĩnh vực cốt lỗi quen thuộc hơn của Triết học.

Ví dụ các câu hỏi liên quan đến chương trình học phụ thuộc vào tri thức luận và các chủ đề nằm trong chương trình học mà Triết học có quan tâm tới (ví dụ, “Liệu học môn Khoa học có nên nhấn mạnh sự tinh thông về lí thuyết hiện hành hay là nên dạy nhấn mạnh vào “thực hành” tri thức khoa học?

“Môn Nghệ thuật có vị trí gì trong chương trình học? Nội dung cụ thể của chương trình được lựa chọn theo những tiêu chí nào? Có nên dạy cho tất cả học sinh cùng nội dung như nhau hay không?).

Những câu hỏi liên quan đến học, tư duy, lập luận, niềm tin và sự thay đổi niềm tin tất thảy đều thay đổi theo cách đặc thù tùy thuộc vào tri thức luận, đạo đức học hoặc triết học về tinh thần.

Các cách hiểu về khái niệm Triết lí giáo dục ảnh 3Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia về triết lý giáo dục lên tiếng

Ví dụ: Trong những điều kiện nào thì đáng để hoặc được phép tìm cách thay đổi những niềm tin căn bản của người học? Dạy nên hướng tới mục đích gì, nếu hướng tới mục đích nào đó thì là vì lí do gì? Liệu có thể khuyến khích khả năng lập luận một cách độc lập với sự nhồi sọ những niềm tin cụ thể nào đó?

Những câu hỏi liên quan đến bản chất của những “ước chế” ràng buộc và chi phối việc dạy học, chúng thường phụ thuộc vào đạo đức học, tri thức luận hoặc triết học về tinh thần và triết học về ngôn ngữ.

Những câu hỏi liên quan đến nhà trường cũng thường phụ thuộc vào đạo đức học, triết học về xã hội và tri thức luận về xã hội (ví dụ: Nhà trường nên tập trung vào phát triển nhân cách hay tập trung vào tính đúng sai của những hành động cụ thể? Nhà trường có được phép làm công việc đào tạo tính cách của người học, bởi lẽ “khai phóng” tức là nên thận trọng với việc tán thành những quan niệm quá cụ thể về điều tốt?).

Còn có lí do khác nữa, nó có liên quan đến việc truyền thống triết học xưa nay đều coi các vấn đề của giáo dục là địa điểm để họ tìm hiểu những vấn đề có tính căn bản liên quan đến giáo dục – ví dụ các mục tiêu của giáo dục, giáo dục khai phóng, trí tưởng tượng và những vấn đề quan tâm độc lập khác của triết học song có đan quyện các vấn đề cốt lõi của giáo dục

Ngoài ra, việc theo đuổi những câu hỏi căn bản, chúng ít nhiều là những lĩnh vực cốt lõi của Triết học vẫn thường tự nhiên dẫn đến và đôi khi được nâng cao bởi việc kiên trì chú ý tới những câu hỏi về giáo dục (ví dụ: các nhà triết học tri thức luận bất đồng với việc đồng nhất cái giá trị tối cao, căn bản nhất của tri thức với một cách nhìn nhất phiến nào đó về khái niệm đúng/đúng thật, niềm tin đúng/niềm tin đúng thật... Tranh luận này được làm sáng tỏ nếu triết học quan tâm tới bối cảnh của giáo dục).

Vì những lí do trên cho nên không ngạc nhiên khi thấy truyền thống của triết học nói chung đã coi giáo dục như một mục tiêu quan trọng xứng đáng để triết học suy tư về nó.

Vì thế thật không may là việc theo đuổi triết học về giáo dục xét như một lĩnh vực của nghiên cứu triết học đã hầu như bị các nhà triết học bỏ quên trong nhưng thập niên cuối của thế kỉ XX, đặc biệt là ở Hoa Kì.

 Những năm 1950, 1960 và 1970 chỉ có một vài nhà triết học có đóng góp quan trọng cho triết học về giáo dục trong đó nổi bật là Kurt Baier, Max Black, Brand Blanshard, Richard Brandt, Abraham Edel, Joel Feinberg, William Frankena, Alan Gewirth, D. W. Hamlyn, R. M. Hare, Alasdaire MacIntyre, A. I. Melden, Frederick Olafson, Ralph Barton Perry, R. S. Peters, Edmund Pincoffs, Kingsley Price, Gilbert Ryle, Israel Scheffler, và Morton White.

“Giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành luận bàn về triết lý giáo dục

Chủ đề “giáo dục” gần đây còn gần như biến mất, hầu hết các nhà triết học và cả những học viên cao học về triết học đều không còn nhận ra giáo dục là một phần của danh sách các vấn đề của Triết học.

Có nhiều lí do phức tạp và chúng chủ yếu phụ thuộc vào giai đoạn lịch sử. Hiện tình này là không may mắn cho sức khỏe của triết lí về giáo dục xét như một lĩnh vực của triết học đối với các nhà triết học nói chung.

Triết học về giáo dục là một lĩnh vực có tính trung tâm kể từ thời của Socrates và Plato, việc sao lãng nó không chỉ làm mất đi nhiều tài năng tiềm tàng trong lĩnh vực này, nó còn các nhà triết học và những người nghiên cứu triết học không đánh giá đúng đây là một nhánh quan trọng của môn học của mình.

Cuốn Cẩm nang này có một mục đích là sửa lại tình hình này.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.oxfordhandbooks.com/view/10.1093/oxfordhb/9780195312881.001.0001/oxfordhb-9780195312881

PHẠM ANH TUẤN (dịch)