Vào thời điểm này các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.
Đây là công việc đặt biệt quan trọng và nhiều người hy vọng trong nhiệm kỳ tới sẽ không có tình trạng cá nhân được giới thiệu vào Ban chấp hành Trung ương nhưng sau đó lại bị phát hiện vi phạm pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 3/12, tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành xây dựng Đảng, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, một nhiệm vụ quan trọng của Ban Tổ chức Trung ương là xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, tập trung tham mưu quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 trình hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) sẽ diễn ra trong tháng 12.
Ông Phạm Minh Chính còn cho rằng: “Phải chống chạy chức, chạy quyền, phiền hà, sách nhiễu trong công tác cán bộ, đảm bảo chất lượng, thực hiện các công việc liên quan đúng quy trình, dân chủ, công khai, khách quan.
Quy trình chặt chẽ rồi nhưng phải làm sao tránh những sai sót như vừa rồi chúng ta vấp phải".
Bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khóa 13 (ảnh quochoi.vn). |
Để tránh trường hợp, có đồng chí được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhưng sau này có những vụ việc phát hiện sai phạm rất là nghiêm trọng, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 13, bà Bùi Thị An cho rằng: “Cần phải buộc trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự.
Trước đây, khi còn là đại biểu Quốc hội tôi đã có ý kiến không chỉ ràng buộc trách nhiệm người phê duyệt mà còn đối với người giới thiệu. Người tiến cử thì phải đảm bảo tiến cử đúng còn tiến cử sai thì buộc phải xử lý”.
Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị sẽ làm cho Đảng tốt lên |
Bà An nhấn mạnh: “Phải cần cơ chế để ràng buộc trách nhiệm người tiến cử và người được tiến cử để tránh trường hợp có lợi ích nhóm, bè cánh, bè phái”.
Chia sẻ thêm về công tác cán bộ, theo bà An: “Việc quy hoạch cán bộ tầm dài, tầm trung cũng như tầm ngắn là chuyện rất cần thiết.
Quá trình quy hoạch cần phải linh động và có sự xuất hiện mới, những tình tiết mới mà trong quá trình quy hoạch chưa phát hiện ra.
Bây giờ, đề nghị công khai danh tính những người giới thiệu những đồng chí vào quy hoạch để minh bạch”.
Nếu làm được như vậy, bà An cho rằng: “Không có gì là ngại vì nếu vì dân, vì cái chung, vì Đảng. Nếu không có tư lợi thì không có gì phải ngại.
Công khai là để mọi người giám sát việc giới thiệu có đúng không hay vì mục đích nào đó giới thiệu. Việc này cần để kiểm chứng qua thực tiễn.
Điều này vô cùng quan trọng vì công tác cán bộ là công tác quan trọng số một, cho nên không có gì phải lo lắng mà nên minh bạch người giới thiệu”.
Bà An, phân tích thêm, việc vô tư trong sáng giới thiệu đồng chí nào đó vào quy hoạch thì điều đấy chỉ được kiểm chứng qua thực tế và để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị giám sát.
Lấy phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá được uy tín Ủy viên Bộ Chính trị trước Đại hội |
Có phải vì các đồng chí có lợi ích nhóm không, có vì con cái, họ hàng, con bạn bè gì đó không, người đó có đủ tài, đủ đức hay vì chuyện dây dợ gì không?
Đề nghị Bộ Chính trị làm được việc này, trung ương làm được việc này thì tôi cho là bước đột phá trong công tác cán bộ”.
Sở dĩ bà An đề nghị công khai vì theo bà: “Trước đây có những người được giới thiệu nhưng sau khi truy lại chỉ là do dây dợ đưa vào các vị trí leo cao, chui sâu, nên đã làm hại đất nước.
Cái này đề nghị phải rõ ràng, công khai ra, không có gì phải bí mật. Trường hợp này chỉ có tốt hơn cho công tác cán bộ”.
Cuối cùng bà An kiến nghị: “Bộ Chính trị nên xem chuyện công khai minh bạch để mọi người giám sát.
Và chuyện đó sẽ ngăn cản chui lọt của những kẻ cơ hội, những kẻ vi phạm các điều quy định… để vào quy hoạch và thực tế đã xảy ra. Để ngăn chặn những kẻ cơ hội tôi đề nghị như thế”.