Ký khống sổ đầu bài
Gửi đơn kêu cứu đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Bích Nhung, giáo viên âm nhạc Trường trung học cơ sở Yên Sơn (huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội) vì nhiều năm phản ánh tiêu cực bị hiệu trưởng trù dập, cô lập.
Gần đây nhất, ngày 1/8/2018, cô Nguyễn Thị Bích Nhung bị buộc chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết thôi việc đối với viên chức hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.
Quá bức xúc trước cách trù dập, lạm quyền của hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Bích Nhung đã làm đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai về quyết định của Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Sơn - Phan Thị Thanh Hương.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Bích Nhung bày tỏ sự thất vọng và bức xúc trước quyết định ngày 1/8/2018 do bà Phan Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Sơn không thông qua hội đồng kỷ luật.
Điều này có nghĩa sau 15 năm công tác (2003), cô Nhung chỉ vì dám đứng lên đấu tranh, vạch trần những dấu hiệu sai phạm, tiêu cực của trường, nay có nguy cơ phải ra khỏi ngành.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhung thẳng thắn cho biết: “Trước những tiêu cực, sự gian dối trong môi trường giáo dục, bản thân tôi nhiều năm liên đứng lên trước các cuộc họp góp ý, phát biểu, nhưng không được hiệu trưởng tiếp thu mà tôi còn bị trù dập.
Không chấp nhận trong môi trường giáo dục những bất công, tiêu cực, tôi đã gửi đơn phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan chức năng huyện Quốc Oai để làm rõ. Tuy nhiên, những kiến nghị, phản ánh của tôi đều rơi vào im lặng, thay vào đó tôi ngày càng bị hiệu trưởng trù dập”.
Giáo viên này cũng bày tỏ sự thất vọng với những đồng nghiệp không dám đứng lên đấu tranh với sai trái, bảo vệ lẽ phải, thay vào đó họ chỉ biết lặng im và làm theo hiệu trưởng.
Giáo viên âm nhạc tố Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Sơn có nhiều dấu hiệu sai phạm trong thu chi tài chính, lạm thu. Ảnh: NVCC. |
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhung chỉ rõ: “Năm học 2016-2017, tôi phát hiện có tình trạng giáo viên không dạy, nhưng lại ký khống vào sổ đầu bài để hoàn thành sổ sách. Thực tế họ không lên lớp, nhưng vẫn có chữ ký đã lên lớp.
Về việc ký khống này tôi có đầy đủ chứng cứ. Lãnh đạo huyện Quốc Oai về kiểm tra cũng xác nhận việc này.
Không chỉ vậy, công tác thu chi tài chính như tiền dạy thêm học thêm hoàn toàn không công khai minh bạch. Như quỹ học thêm năm học 2015-2016 được sử dụng vô tội vạ, thậm chí còn bị chi âm trên 151 triệu đồng”.
Đáng chú ý, cô Nguyễn Thị Bích Nhung cũng chỉ rõ: “Nhiều khoản mua sắm, hiệu trưởng không công khai mà khi giáo viên hỏi thì mới trả lời miệng. Hơn nữa, giá trị thực của trang thiết bị, cơ sở vật chất mua luôn thấp hơn nhiều so với hóa đơn.
Như máy tính xách tay mua 2 cái lên đến 44 triệu đồng, mua 10 máy tính bàn gần 13 triệu đồng 1 cái, máy chiếu 2 cái 85 triệu đồng…
Đáng nói, năm học 2015-2016, năm học 2016-2017, quỹ phụ huynh mỗi học sinh đóng 100.000 đồng nhà trường cũng thu khoản này để chi tiêu việc của trường. Trong khi đó, khoản này phải là ban đại diện cha mẹ học sinh thu và chi tiêu”.
Để chứng minh thông tin trên, cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhung cũng gửi phóng viên những tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Cô Nguyễn Thị Bích Nhung cũng gửi phóng viên bản Thông báo số 60 về kết quả giải quyết tố cáo do ông Đỗ Lai Luật – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai ký ngày 27/3/2017 gửi cô Nguyễn Thị Bích Nhung 10 nội dung khiếu nại, tố cáo đối với bà Phan Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng.
Trong đó, thông báo kết luận nêu rõ năm học 2015-2016: “việc tu sửa cơ sở vật chất của trường thực hiện khi chưa có nguồn thu là không đúng quy định”.
Nhiều khoản thu chi có dấu hiệu bất thường tại Trường trung học cơ sở Yên Sơn, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. |
Tai nạn cụt ngón tay vẫn phải viết đơn xin nghỉ
Trên đây chỉ là một phần những nội dung giáo viên Nguyễn Thị Bích Nhung phản ánh dấu hiệu tiêu cực tại Trường trung học cơ sở Yên Sơn.
Đáng nói, từ ngày cô Nhung góp ý, phản ánh, cô Nhung bị cô lập, trù dập bởi hiệu trưởng và chính những đồng nghiệp của mình.
Nữ giáo viên Nguyễn Thị Bích Nhung chia sẻ: “Ngày 22/12/2015, tôi bị tai nạn xe máy phải vào Bệnh viện Việt Đức điều trị dài ngày. Hôm bị tai nạn tôi có gọi điện xin phép hiệu phó nhà trường. Tuy nhiên, hiệu trưởng cho rằng hình thức xin phép đó không được chấp nhật.
Bởi vậy, thời gian tôi nghỉ điều trị tại bệnh viện bị hiệu trưởng nhà trường tính là nghỉ dạy để làm căn cứ xét thi đua cuối năm. Kết quả là tôi không hoàn thành nhiệm vụ”.
Xét xử vụ thầy giáo kiện Hiệu trưởng xếp loại không đúng luật ở huyện Xuyên Mộc |
Cô Nhung cũng chia sẻ hoàn cảnh đình rất khó khăn, cô sống với mẹ già 75 tuổi. “Bị tai nạn tôi được người dân đưa tới Bệnh viện Việt Đức. Tôi bị cụt mất ngón áp út do vậy không thể viết đơn xin nghỉ việc gửi hiệu trưởng nhà trường. 15 ngày điều trị tại viện, chỉ có vài ngày chị em họ hàng đến thăm hỏi, còn lại tôi phải tự chăm sóc bản thân.
Sau thời gian điều trị, tôi đã dạy bù đủ số tiết đã nghỉ, nhưng hiệu trưởng vẫn bắt bẻ, o ép. Cuối năm học 2015-2016, tôi chỉ được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ, trong khi đó tôi hoàn toàn xứng đáng lao động tiên tiến.
Quá bức xúc trước cách đánh giá thiếu công bằng của hội đồng thi đua khen thưởng nhà trường, chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng, tôi đã đứng lên ý kiến.
Ngay ngày hôm sau, Hiệu trưởng cho họp hội đồng và lấy ý kiến biểu quyết bằng hình thức giơ tay xếp loại tôi từ hoàn thành nhiệm vụ xuống mức không hoàn thành nhiệm vụ”.
Đáng nói, cô Nhung cũng cho biết: “Năm học 2016-2017, tôi tiếp tục bị hiệu trưởng quy chụp, đánh giá tôi là giáo viên xếp loại kém do không đi dự mít tinh 20/11/2016 tại Ủy ban nhân dân xã dù tổ chức mít tinh ở Trường tôi tham gia đầy đủ.
Tôi không dự lễ hội đình làng Sơn Trung cũng bị cho là không tham gia các hoạt động chính trị xã hội.
Vì cụt mất ngón tay, tôi đã xin đi phục hồi chức năng ít ngày, sau đó tôi lại về dạy bù đủ số tiết theo quy định nhưng không được tính. Quá đáng đó là khi mẹ tôi ốm nặng, nhà có mình tôi phải ở nhà chăm, họ cũng không cho tôi nghỉ. Cuối năm tôi bị đánh không hoàn thành nhiệm vụ.
Và như vậy 2 năm liền tôi bị hiệu trưởng ép xếp loại tôi không hoàn thành nhiệm vụ để chấm dứt hợp đồng làm việc của tôi”.
Để làm rõ nội dung giáo viên tố hàng loạt sai phạm tại Trường trung học cơ sở Yên Sơn, cũng như sự trù dập của hiệu trưởng, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với bà Phan Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Sơn.
Ngày 4/12, bà Phan Thị Thanh Hương cho biết: “Tôi đang họp, không tiện trao đổi. Chiều tôi sẽ gọi lại để trao đổi.
Tuy nhiên, sau đó nhiều lần phóng viên liên hệ lại bà Phan Thị Thanh Hương để đặt lịch làm việc, nhưng không liên lạc được.
Ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai có dấu hiệu "đá bóng" trách nhiệm, né báo chí. Ảnh: Phòng giáo dục Quốc Oai. |
Ngày 4/12, Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Thắng – Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai cho biết: “Tôi đang làm việc với đoàn kiểm tra. Đề nghị phóng viên về Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai tìm hiểu”.
Trước câu hỏi của phóng viên, vụ việc liên quan trực tiếp đến công việc, danh dự, uy tín của giáo viên, là người lãnh đạo ngành giáo dục địa phương ông có nắm được vụ việc hay không?
Ông Nguyễn Khắc Thắng nói “Cô nhung bị buộc chấm dứt hợp đồng” rồi cúp máy.
Ngày 5/12, phóng viên tiếp tục liên hệ với bà Phan Thị Thanh Hương nhiều lần không bắt máy. Phóng viên phải liên hệ bằng số điện thoại khác, bà Hương mới bắt máy và hẹn sang tuần sau làm việc.
Tuy nhiên, bà Hương yêu cầu phóng viên phải qua Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai. Được Phòng đồng ý và giới thiệu về Trường lúc đó mới làm việc.
Ngày 5/12, phóng viên liên hệ nhiều lần không được với ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai để đặt lịch làm việc. Phóng viên phải liên hệ bằng số điện thoại khác ông Thắng mới bắt máy và lại yêu cầu phóng viên về làm việc với văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai. Ủy ban đồng ý, giới thiệu sang phòng, phòng sẽ làm việc.