Cần làm rõ hình thức bạo hành học sinh cả thể xác lẫn tinh thần
Sau sự việc học sinh và phụ huynh tố cô giáo Đ. T. M (giáo viên dạy Lịch sử của Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) phạt học trò nằm dưới nền lớp học và dùng chân (đang mang dép) đạp vào mông.
Chúng tôi tiếp tục nhận được ghi âm cuộc nói chuyện giữa giáo viên chủ nhiệm với Ban giám hiệu nhà trường (do phụ huynh chuyển đến).
Thông qua băng ghi âm hé lộ khá nhiều tình tiết đáng sợ về việc phạt học trò của cô giáo Đ. T. M và sự bao che của nhà trường trước những sự việc đã được phụ huynh phản ánh.
Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L) |
Kiểm tra bài cũ kiểu lạ đời
Ai cũng biết ý nghĩa của cụm từ “kiểm tra bài cũ”. Đó chính là việc thầy cô lên lớp kiểm tra những kiến thức mà các em đã được học trước đó.
Thông qua việc kiểm tra này, giúp giáo viên nắm được học sinh đã học và hiểu bài như thế nào?
Từ đó, sẽ nhắc nhở hay khuyến khích động viên các em thực hiện sao cho tốt.
Đồng thời thông qua đó, giáo viên cũng điều chỉnh cách dạy của mình sao cho phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh lớp mình.
Thông qua việc kiểm tra những kiến thức cũ đã học, thầy cô cũng sẽ kiểm tra những nhiệm vụ học tập trước đó đã giao về nhà cho các em chuẩn bị.
Thường chỉ kiểm tra việc các em có soạn, có chuẩn bị bài mới hay không?
Học trò lười học, bị phạt hít đất ở trường Nguyễn Trường Tộ |
Tuyệt đối không yêu cầu học sinh trả lời những nội dung mà các em đã chuẩn bị để phán xét là đúng hay sai.
Bởi vì, kiến thức chưa học, các em có thể hiểu đúng hoặc hiểu sai tùy nhận thức, lực học của từng cá nhân học sinh.
Thế nhưng cô giáo M., giáo viên dạy Lịch sử tại trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang mỗi lần kiểm tra bài cũ lại buộc học sinh phải trả lời các câu hỏi cô đưa ra trong một bài mà các em chưa hề học.
Nếu hôm ấy có bạn không soạn câu hỏi, có bạn soạn một nửa số câu, giáo viên yêu cầu hoặc có bạn soạn chỉ vài câu… thì xem như tiết học ấy cả lớp sẽ bị chính cô giáo “tra tấn” không chỉ thể xác mà cả tinh thần.
Một kiểu tra tấn lạ đời có một không hai
Dù chỉ ít học sinh vi phạm thì tất cả lớp cũng phải chịu tội chung.
Cô giáo M. sẽ không dạy tiết học ấy mà bắt cả lớp quỳ trên ghế hoặc một tay giơ lên trời, một tay phải viết lia lịa không được ngừng. Nếu không sẽ bị giáo viên đánh vào tay.
Khi được hỏi “viết cái gì mà không được ngừng?” thì được trả lời “tự tìm ra mà viết”.
Có giáo viên biết chuyện thắc mắc “tự viết thì viết đúng hay sai? Tự viết thế thì học cái gì?”. Câu trả lời khá bất ngờ “Viết đúng hay sai không biết mà học sinh cứ phải viết…”.
Sợ cô nên học trò vẫn phải nhất nhất tuân theo dù các em khá bức xúc. Một số phụ huynh cho biết họ không muốn con mình học với giáo viên như vậy.
Ngoài kiểu phạt học sinh quỳ, vừa giơ tay vừa chép bài và không dạy tiết học ấy.
Cô M. còn thường xuyên bắt học sinh phạm lỗi nằm úp mặt xuống nền lớp học (cứ nằm như thế) trong khi cô lên bảng dạy và cả lớp vẫn học.
Một số học sinh còn tố cáo nhiều lần bị phạm lỗi, cô bắt đứng một chân, một chân co lên và tay đưa lên cao, đứng thế nguyên cả tiết.
Cô độc ngay trong môi trường giáo dục
Điều làm mọi người bất bình và phẫn nộ chính là khi được học sinh bức xúc phản ánh với cô giáo chủ nhiệm, các em chẳng những không được cô bảo vệ lại bị chính cô năn nỉ bắt hứa dứt khoát không được về nhà kể cho cha mẹ nghe.
Không trông mong gì giáo viên chủ nhiệm đòi công bằng, ngay Ban giám hiệu nhà trường vì nhiều lý do cũng chẳng thể bảo vệ các em.
Khi chuyện đến tai Ban giám hiệu nhà trường, cũng chính Ban giám hiệu “bảo kê” cho những hành vị lạ đời của cô giáo.
Vì theo họ “phụ huynh không biết, không kiện thì làm nhẹ cho xong chuyện”.
Nhiều giáo viên bức xúc, việc xử lý du di kiểu cho qua chuyện của nhà trường như thế chính là nguyên nhân khiến cô giáo M. thường xuyên bạo hành học sinh cả tinh thần lẫn thể xác trong suốt nhiều năm trời;
Khiến cho nhiều thế hệ học sinh hễ cứ nhắc đến tên cô M. là ‘sợ xanh mặt”.
Liên hệ với thầy Lưu Hoàng Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường xác nhận việc vi phạm của cô M., được biết “xác định không có phụ huynh nào phản ánh”.
Thế nhưng sau đó thầy Hiếu nói tiếp “cô M. đã làm bản tường trình, đến nhà xin lỗi học sinh và phụ huynh không bắt lỗi. Nhà trường cho cô M làm bản tường trình rút kinh nghiệm”.
Được biết trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện đang được xây dựng để trở thành một trong những ngôi trường trọng điểm của thành phố.
Vậy có phải vì lý do này nên Hiệu trưởng đã không dám nghiêm túc xử lý vi phạm giáo viên vì sợ ảnh hưởng đến thành tích nhà trường?