Trường đua ngựa ở Hà Nội cần 5.000 – 10.000 lao động

12/12/2018 07:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Thông tin này được ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Hà Nội cho biết tại giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 11/12.

Tại cuộc giao ban báo chí, Sở Du lịch Hà Nội, Tổng Công ty du lịch Hà Nội đã thông tin về kết quả công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch năm 2018 và nhiệm vụ năm 2019.

Một số nhà báo quan tâm đặt câu hỏi về dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa).

Cách đây ít ngày, tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong quy hoạch có dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa), dự kiến xây dựng tại Sóc Sơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Hà Nội thông tin về trường đua ngựa dự kiến xây dựng tại Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Đ.T
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Hà Nội thông tin về trường đua ngựa dự kiến xây dựng tại Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Đ.T

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Hà Nội cho biết, bản thân đơn vị đã theo đuổi ý tưởng này hơn 10 năm cùng với đối tác nghiên cứu dự án này.

Nhưng thời điểm đó, hệ thống pháp lý, cơ chế để thực hiện dự án chưa đầy đủ nên sau một thời gian gian 7-8 năm, Tổng Công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu các yếu liên quan.

Đến năm 2016 khi một số cơ chế của Nhà nước cho phép triển khai thí điểm, Tổng Công ty cùng với đối tác Hàn Quốc đã trình các bên liên quan để triển khai.

“Tại thời điểm trình, ngoài Hà Nội, có rất nhiều địa phương khác cũng trình như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…Sau một thời gian cân nhắc, Chính phủ đã chọn Hà Nội. Dự án này thực sự là mới.

Hà Nội, Sở Du lịch và chúng tôi muốn đưa sản phẩm du lịch mới đến Hà Nội. Điển hình như vừa qua Hà Nội đã đưa giải đua xe công thức 1 và tới đây là trường đua ngựa sẽ là một trong sản phẩm du lịch mới.

Nó sẽ là dấu ấn thế kỷ mới của chúng ta. Đây là sản phẩm du lịch dành cho đối tượng khách tương đối lớn.

Sản phẩm này theo kỳ vọng của Tổng Công ty và Hà Nội sẽ giữ chân được du khách trong thời gian dài hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Dự án sẽ triển khai tại xã Tân Minh (Sóc Sơn, Hà Nội). Quy mô dự án là 120ha, tổng mức đầu tư khoảng 420 triệu đô la.

“Tới đây, chúng tôi và đối tác sẽ trình hồ sơ lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng phê duyệt dự án.

Nếu dự án triển khai được sẽ mang lại luồng gió mới, thay đổi cơ cấu kinh tế. Tạo số lượng công ăn việc làm rất lớn cho người dân khu vực.

Nếu mọi việc thuận lợi, dự kiến năm 2021 sẽ đưa vào hoạt động phần trường đua ngựa.

Giai đoạn đầu có thể sử dụng hơn 1 nghìn lao động. Khi dự án triển khai xong toàn bộ, các dịch vụ có thể sử dụng 5 – 10 nghìn lao động”, ông Dũng khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Anh Dũng trả lời các câu hỏi tại cuộc giao ban báo chí. Ảnh: Đ.T
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Anh Dũng trả lời các câu hỏi tại cuộc giao ban báo chí. Ảnh: Đ.T

Cũng tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Anh Dũng đã cho biết quan điểm của Sở về việc mới đây, một doanh nghiệp đã gửi văn bản đề xuất tới Ủy ban nhân dân và các sở, ngành của Thành phố Hà Nội cải tạo sông Tô Lịch đẹp như sông Thames, để đổi lấy một số ưu đãi thuế và khai thác du lịch trên sông.

Phó Giám đốc Sở Du Lịch Hà Nội cho biết, tới thời điểm này Sở vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của doanh nghiệp này.

Trước câu hỏi, nếu nhận được đề xuất của doanh nghiệp này, Sở Du lịch Hà Nội sẽ làm gì?

Phó Giám đốc Sở Du Lịch Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, Sở sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, kết hợp với hình thức PPP theo quy định của pháp luật, để thực hiện đầu tư, phát triển, hoàn thiện các sản phẩn du lịch chất lượng cao phục vụ du khách.

Đỗ Thơm