Theo thống kê, tại Việt Nam, bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,77% GDP mỗi năm.
Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình.
Đặc biệt, con số thống kê cũng cho thấy gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phòng, chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hoá, con người, là hành động cần thiết để bảo vệ quyền con người, đặc biệt bảo vệ quyền trẻ em, bình đẳng giới.
Việc lần đầu tiên Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2008) là một nỗ lực rất lớn để luật hoá, điều chỉnh các hành vi vốn được coi là chuyện bình thường, riêng tư trong mỗi gia đình.
Quá trình thực hiện Luật đã góp phần thay đổi nhận thức, nhân rộng các điển hình tốt trong tất cả các khâu phòng ngừa, hỗ trợ, xử lý, can thiệp vào các hành vi, vụ việc bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, cần tập trung đánh giá những việc chưa làm được, chỉ ra những khâu còn yếu kém, phân tích sâu từng điều khoản để kiến nghị sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới.
Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề trong thời gian chờ sửa luật, thì làm sao thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay.
Bởi công tác thống kê số vụ việc bạo lực gia đình của ngành toà án đã khác với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, rồi số liệu từ hội phụ nữ, các đoàn thể cũng có khác biệt.
“Không đánh giá được thực trạng làm sao có giải pháp đúng? Cái này chúng ta phải chấn chỉnh. Cùng với đó, phải tuyên truyền rất cụ thể những hành vi bị xử lý theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Chưa kể những khảo sát của các tổ chức quốc tế còn tính đến hàng chục phần trăm gia đình có bạo lực ở mức độ khác nhau chứ không chỉ là những vụ việc phải đưa ra xét xử, hoà giải”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra, Luật đã quy định rất cụ thể trách nhiệm cùng như công tác phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội nhưng thực tế vấn đề chưa được nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, không có sự phối hợp để triển khai những nhiệm vụ, chương tình mang tính dài hạn.
“Tinh thần là phải lấy tổ chức xã hội, đoàn thể chính trị làm nòng cốt để huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia chứ không chỉ có các bộ ngành, chính quyền địa phương”, Phó Thủ tướng gợi mở và đề nghị đối với những vụ việc, hành vi bạo lực gia định đã đến mức can thiệp thì phải xử lý nghiêm.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.