Cùng sào mới vào sư phạm
Chiều muộn cuối năm, thầy Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1961) – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (đường Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3) vẫn còn cần mẫn bên sấp tài liệu.
Cứ cuối mỗi buổi tan trường, thầy Hùng lại bước ra cổng để hỗ trợ các em học sinh không có phụ huynh đưa rước băng sang đường.
Dòng người hối hả qua lại, hình dáng người thầy thấp bé, nước da sạm đen vẫn cần mẫn cầm tay từng lứa học sinh cùng bước sang bên kia đường đã hơn 7 năm qua.
Thầy Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: H.L) |
Việc tuy đơn giản nhưng với tình yêu thương học sinh thật sự của một vị Hiệu trưởng mới bộc phát được hành động thường xuyên và đều đặn đến vậy!
Được sự chấp thuận của thầy, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện cởi mở cùng người thầy đáng kính suốt hàng giờ liền. Câu chuyện được bắt đầu từ cơ duyên đến với nghề giáo viên của thầy.
Học hết lớp 12, thầy Hùng trúng tuyển vào sư phạm. Học xong sư phạm, thầy ra trường và đi dạy. Dạy được gần 8 năm ở Cần Giờ, thầy lại chuyển công tác về quận 3 để dạy.
Con đường đến với nghề “gõ đầu trẻ” của thầy Hùng rất tình cờ. Học hết cấp 3, thầy Hùng không có nguyện vọng thi vào trường sư phạm.
Thầy nộp đơn ứng tuyển vào trường Nông nghiệp do bản tính thích thiên nhiên và trồng trọt. Nguyện vọng kế tiếp của thầy vào trường Y nhưng cũng rớt.
Những năm thập niên 80, cách thức thi tuyển đầu vào của các trường đại học cũng hơi giống như bây giờ. Các trường đều có nguyện vọng tốp trên và tốp dưới.
Thầy Hùng không đậu nguyện vọng đầu nên “cùng sào mới vào sư phạm”.
Sau đó, thầy hỏi ý kiến cha thì được khuyên cứ nộp đơn vào để học thử. Nếu thấy hợp với khả năng của bản thân thì theo đuổi con đường đứng trên bục giảng. Cha thầy Hùng khuyên làm thầy giáo cũng tốt.
Thầy liền suy nghĩ, làm nghề Y cũng cứu người, làm nghề giáo là dạy người. Hai ngành nghề đều có những nét tương đồng nhất định.
Vậy là, thầy Hùng quyết định nộp đơn vào trường Sư phạm với tư thế không có khả năng làm công việc “gõ đầu trẻ” thì chuyển hướng sang nghề khác.
Khi vào học, thầy ngộ ra những vấn đề về nghiệp vụ sư phạm, tâm lý trẻ em đã thu hút và mang nhiều suy nghĩ. Thầy Hùng chia sẻ, có nhiều giáo viên dạy rất thích, rất lôi cuốn khiến học viên ham học.
Nhưng cũng có những giáo viên dạy rất chán và không muốn đi học chút nào.
Dạy trẻ là cả một nghệ thuật
Vào sư phạm, thầy Hùng mới vỡ ra câu chuyện, nghề giáo không đơn giản là đi nhồi chữ vào đầu người học. Công tác giảng dạy là cả một nghệ thuật.
Tất cả mọi người đều học sư phạm, tốt nghiệp ra trường nhưng không phải ai cũng là người đi dạy được cho người khác.
Thầy Hùng phân tích, cũng học một nơi ra, cũng học nhiêu đó năm, cùng học chung giáo viên nhưng có những ca sĩ ở Trường Sân khấu Điện ảnh ra lại nổi tiếng, còn có những người học hoài không xong.
Nghề giáo cũng vậy, là cả một nghệ thuật.
Thầy Nguyễn Văn Hùng (áo xanh) đang dắt học sinh băng sang đường. (Ảnh: N.V.H) |
Thầy vốn đam mê nghệ thuật từ nhỏ nên nhìn nhận nghề giáo thành công mang chút hơi hướng của một người nghệ sĩ. Từ đó, thầy Hùng đam mê luôn nghề giáo.
Năm 18 tuổi, thầy tốt nghiệp ra trường. Tuổi 18 đầy mộng mơ, biết bao hoài bảo và mang hừng hực khí thế của tuổi trẻ.
Từ nhỏ đến lớn, thầy Hùng được cha mẹ bảo bọc nên bước ra đời như một cánh chim muốn sổ lồng bay đi muôn phương. Thời điểm này, thầy được phân về dạy tận miệt Cần Giờ - vùng kinh tế đặc biệt và một tháng chỉ được về nhà một lần.
Ngày đầu đặt chân đến trường, thầy Hùng có cảm giáo rất lạ. Hồi xưa, thầy từng ngồi dưới lớp để dõi mắt theo thầy cô giảng bài trên lớp, thì nay, thầy lại sắp được đứng trên bục giảng với vai trò là thầy giáo.
Người dân Cần Giờ để lại trong tâm trí thầy nhiều ấn tượng đẹp. Nhiều em hơn 12 tuổi mới học lớp 3 và các em rất thật thà, ngây thơ.
Kỷ niệm đáng nhớ của thầy Hùng là vào ngày khai giảng đầu tiên với cương vị giáo viên. Thầy Hùng cùng một người bạn cùng học chung và cùng được phân công về Cần Giờ để dạy bước ra sân trường làm lễ.
Khi ra sân, thầy Hiệu trưởng phân công mỗi người đứng ở lớp 3 xếp hàng cùng các em. Mà các em học lớp 3 thì nhiều em phải hơn 12 tuổi. Lúc xếp hàng, thầy hiệu trưởng đi điểm danh các lớp trước giờ khai giảng.
Thầy hiệu trưởng không thấy 2 giáo viên mới về dạy ở đâu liền hô to: “Hai thầy mới đâu rồi, hai thầy mới ở đâu?”.
Hai cánh tay đồng loạt giơ lên sau những tấm lưng của các em học sinh che chắn phía trước cùng cất tiếng: “Dạ em đây thầy!”. Nguyên do, do thầy Hùng và thầy đồng nghiệp quá thấp so với các em học sinh.
Những học sinh đang đứng xếp hàng được một trận cười giòn vang. Với thầy Hùng, đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời làm giáo viên của mình.
Khi dạy ở Cần Giờ, thầy Hùng cảm nhận được sự chân thật quá đỗi của các em nên thầm nghĩ, các em như tờ giấy trắng, không có các phương tiện vui chơi giải trí ở thành phố và quá thiệt thòi.
Sau này, các em lớn lên lấy chồng, lấy vợ sẽ dạy con như thế nào?
Từ suy nghĩ trên, thầy Hùng quyết tâm bám trụ lại trên mảnh đất Cần Giờ để dạy cho các em biết nhiều hơn về cuộc sống ở xung quanh.
(Còn tiếp)