LTS: Sau bài viết “Bất thường trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm tại Bình Thuận” của tác giả Thuận Phương đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Phan Tuyết tiếp tục đưa ra những chia sẻ và quan điểm của mình về việc chấm sáng kiến kinh nghiệm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau bài viết “Bất thường trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm tại Bình Thuận” của tác giả Thuận Phương đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi nhận được khá nhiều ý kiến của giáo viên, của bạn đọc trong và ngoài tỉnh xoay quanh việc viết sáng kiến của giáo viên, việc chấm sáng kiến của giám khảo.
Và nhiều đề nghị cần được dẹp bỏ hình thức buộc phải viết sáng kiến kinh nghiệm để tham gia các hội thi (giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách giỏi…) trong ngành giáo dục hiện nay.
Thiếu kiến thức thực tế nên thường chọn giải pháp an toàn
Trở lại việc sáng kiến “Tạo hứng thú cho học sinh bằng hình thức sân khấu hóa trong tiết kể chuyện lớp 2” của cô giáo Phan Thị Tuyết, Trường Tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi bị Ban giám khảo Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đánh giá không đạt.
Giám khảo cho rằng: “Các nội dung áp dụng thực tế tại lớp chưa thật phù hợp với thực tế học sinh…chưa hợp lý, chưa mang tính khả thi cao” chỉ vì lý do giáo viên, học sinh mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị các tiết bài mới (phục trang, đạo cụ hóa trang, tình huống…).
Bất thường trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm tại Bình Thuận? |
Dù giám khảo có đề xuất: “Nếu đề tài được nghiên cứu kĩ và đề xuất các giải pháp cụ thể hơn có thể vận dụng linh hoạt vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc các tiết Tiếng Việt bổ sung sẽ phát huy năng lực của học sinh và đề tài áp dụng sẽ hiệu quả hơn”.
Với đề xuất ấy, giám khảo ngầm công nhận sáng kiến nếu đầu tư thêm một chút sẽ hiệu quả hơn. Bấy nhiêu thôi cũng chưa đủ để xếp loại đạt dù ở mức thấp nhất hay sao?
Tôi nghi ngờ năng lực một số giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm ở Bình Thuận là hoàn toàn có cơ sở.
Bởi, chính họ chưa thấy được việc làm mới cách dạy của người viết, chính họ có thể chưa khi nào dạy hoặc chỉ dạy theo trình tự trong sách hướng dẫn VNEN nên mới có những nhận định võ đoán và vô căn cứ:
“Giáo viên, học sinh mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị các tiết bài mới (phục trang, đạo cụ hóa trang, tình huống…”.
Phải rồi, nếu họ có kinh nghiệm dạy kể chuyện lớp 2 sẽ thấy chẳng có gì là mất công khi chuẩn bị phục trang, đạo cụ.
Phục trang chỉ là cái áo dài, bộ đồ bộ đội, chiếc áo bà ba, chiếc áo blu y tế…tất cả là đồ cũ giáo viên chỉ bỏ công xin về một lần và để làm đồ dùng dạy hết năm này qua năm khác.
Còn đạo cụ ư? Đó chỉ là một bó que thẻ (lấy từ những que kem, cây đũa tre học sinh đã dùng để ăn hàng rửa sạch…), là cái ống nghe cũ giáo viên xin về từ trạm xá, là mấy hạt đào lượm ở ngoài sân, là vài mẫu giấy vụn, bình bông giả trong lớp khi nào chẳng có…những đạo cụ này cũng dùng từ năm này qua năm khác.
Giám khảo nhận xét thế, tôi đồ rằng họ còn không biết nội dung từng câu chuyện kể trong sách lớp 2 nên mới ngỡ phục trang, đạo cụ…phải hoành tráng lắm nên sẽ tốn nhiều thời gian, công sức đến như vậy.
Một số đồng nghiệp tại trường nơi tác giả giảng dạy cũng lên tiếng, dù sáng kiến viết chưa hoàn hảo (và sẽ chẳng bao giờ có sáng kiến viết hoàn hảo) nhưng việc tác giả đang áp dụng kinh nghiệm của mình vào giảng dạy thực tế trên lớp tạo hứng thú cho học sinh học tập cũng đã xứng đáng được ghi nhận là sáng kiến.
Có giáo viên nói rằng: “chưa đọc sáng kiến nhưng chỉ nghe tên sáng kiến “Tạo hứng thú cho học sinh bằng hình thức sân khấu hóa trong tiết kể chuyện lớp 2” đã đủ biết đậu rồi”.
Năng lực một số giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh: ĐAN). |
Ai có đủ can đảm khẳng định rằng gần 400 sáng kiến kinh nghiệm mà Ban giám khảo Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của Bình Thuận lần này được chấm đỗ đều mang vào áp dụng dạy học hiệu quả trong thực tế?
Hay phần lớn trong số đó chỉ viết để đi thi và sau đó nó lại được lãng quên như chưa hề tồn tại?
Bạn đọc Lê Quốc Vũ sau khi đọc bài báo cho biết: “Chắc chắn và phải nói là chắc chắn các tay chấm này là cán bộ quản lý và cũng chắc chắn rằng họ chưa từng và mãi mãi chưa từng dạy môn kể chuyện. Vì vậy, họ phê một cách cho có để đủ rớt”.
Giám khảo chấm, họ là ai?
Nếu ở cấp huyện thị, sáng kiến kinh nghiệm được các trường gửi lên thì chuyên viên phòng giáo dục sẽ là người chấm.
Mấy trăm cái sáng kiến được viết theo nhiều đề tài ở nhiều môn học, nhiều lớp học. Người chấm dù tài giỏi và am hiểu đến đâu cũng không thể bao quát hết các lớp, các môn học.
Thế nên không ít sáng kiến “may nhờ rủi chịu” cái đáng đỗ thì rớt, cái đáng rớt thành đỗ. Hay việc năm nay gửi chấm bị rớt, năm sau để y chang gửi chấm lại đỗ…
Ở cấp tỉnh cũng chẳng hơn gì, Ban giám khảo thường được điều động cán bộ quản lý của các trường trong địa bàn đi chấm.
Chẳng phải ai làm Ban giám hiệu cũng giỏi về chuyên môn, cũng có kinh nghiệm nhiều trong giảng dạy, cũng có nền tảng kiến thức phong phú.
Có người viết bản báo cáo còn bị sửa lên sửa xuống vì lỗi chính tả, cách hành văn, lỗi dùng từ, đặt câu thật ngớ ngẩn...nhiều ý kiến cho rằng, có không ít giám khảo suốt đời cũng chưa viết nổi một sáng kiến ra hồn hoặc có người lại chưa bao giờ đứng lớp dạy học thì kiến thức nào, kinh nghiệm đâu để thẩm định sáng kiến của người khác? Có lẽ thế mà vàng thau lẫn lộn là chuyện bình thường.
Nhiều người trong số đó đang nhầm lẫn nghĩa của từ “sáng kiến”. Theo Từ điển tiếng Việt, sáng kiến chính là ý kiến mới, có tác dụng làm cho công việc tiến hành tốt hơn.
Thế nhưng hàng trăm cái được gọi là sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên nộp dự thi hiện nay trong ngành giáo dục chẳng khó khăn gì để không thấy được sự trùng lắp về đề tài và biện pháp thực hiện một cách quá quen thuộc.
Nào là biện pháp (giải pháp) kèm học sinh yếu, kém, chưa tích cực, viết đúng chính tả, rèn nề nếp, tính tự quản, xây dựng lớp học thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng tiết dạy tốt…năm nào năm nấy những đề tài này vẫn thường xuyên xuất hiện trong sáng kiến của giáo viên.
Dù khi viết, thầy cô chẳng ai nhìn ai nhưng chúng tôi khẳng định rằng các giải pháp họ đưa ra trong từng sáng kiến chẳng có gì khác nhau. Vì đó là cái mà ai cũng biết, cũng đang làm chứ không phải là ý kiến mới của riêng một ai.
Bất bình về việc một số sáng kiến chất lượng bị đánh rớt, có người cho rằng: “Do giám khảo thiếu năng lực nên họ thường chọn giải pháp an toàn. Đồng tình, nhất trí với những đề tài quen thuộc và dị ứng với những điều mới lạ”.
Hàng trăm ngàn sáng kiến kinh nghiệm được ngành giáo dục sản xuất hàng năm thế mà học sinh vẫn mãi ngồi nhầm lớp, nạn bạo hành liên tục xảy ra, môi trường giáo dục không còn bình yên mà trở thành nỗi ám ảnh của không ít phụ huynh…
Vậy có nên duy trì mãi một việc làm vô ích, hao tốn tiền của và công sức của bao người như việc buộc giáo viên hàng năm phải viết sáng kiến còn kinh nghiệm lại ăn cắp lẫn nhau?