South China Morning Post ngày 19/12 đưa tin, một cuộc khảo sát hàng năm nhằm xác định các điểm nóng toàn cầu để các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ tham khảo đã được Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ công bố.
Cùng với Biển Đông, Đài Loan đã được đưa vào danh sách các điểm nóng cần theo dõi trong năm 2019. Bên cạnh đó là sự thất bại của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa bán đảo, quan hệ thù địch Mỹ - Iran...
Washington sẽ phải tính toán các phản ứng của mình với những điểm nóng tiềm ẩn này trong bối cảnh đụng độ với Bắc Kinh về thương mại và các vấn đề khác.
Hình minh họa, nguồn: SCMP. |
Trung Quốc và Mỹ đang "ngừng bắn" 90 ngày trong cuộc chiến thương mại để đàm phán sau những cuộc so gắng bằng thuế quan suốt mấy tháng qua.
Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Donald Trump sẽ chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng đến mức phải quyết định về việc có nên can thiệp bằng quân sự hay không.
Kể từ năm 2008, Trung tâm Hành động phòng ngừa thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ hàng năm đều yêu cầu các chuyên gia chính sách đối ngoại xếp hạng 30 điểm nóng xung đột đang diễn ra hoặc có nguy cơ tiềm ẩn, có thể xảy ra hoặc leo thang trong năm tiếp theo và tác động của chúng với lợi ích quốc gia của Mỹ.
Mục đích của các cuộc khảo sát này là làm nổi bật ưu tiên phòng ngừa xung đột cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ.
Trong cuộc khảo sát lần thứ 11 này, Trung tâm đã nhận được 500 câu trả lời từ các quan chức Hoa Kỳ, các chuyên gia về chính sách đối ngoại, các học giả.
Lần đầu tiên những người được hỏi đưa ra nguy cơ đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên đảo Đài Loan, do họ thấy rằng Trung Quốc đã và đang tăng cường gây áp lực về chính trị, kinh tế (cho đến quân sự) với chính quyền đảo Đài Loan trước cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2020.
Nguy cơ Hoa Đông thành điểm nóng vốn được xếp vào một trong những mối quan tâm hàng đầu trong những lần khảo sát trước, nay đã giảm rất nhiều trong bối cảnh quan hệ Trung - Nhật được cải thiện.
Trên Biển Đông, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, khiến Washington ngày càng chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh về vấn đề quân sự hóa.
Tuy nhiên một học giả Trung Quốc, giáo sư Wei Zongyou từ Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho rằng nguy cơ nổ ra xung đột ở Biển Đông không cao.
Ông tin rằng những tiến bộ trong việc đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc với ASEAN sẽ giúp tránh xung đột, trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể tránh xung đột trong khu vực này. [1]
Trong một diễn biến khác có liên quan, BenarNews ngày 19/12 cho biết, lực lượng đồn trú tại căn cứ quân sự Natuna, Indonesia đã được giao nhiệm vụ ngăn chặn các mối đe dọa trên Biển Đông.
Chỉ huy các lực lượng vũ trang Indonesia hôm thứ Ba 18/12 đã giao nhiệm vụ này cho đơn vị quân đội đóng tại căn cứ Natuna trong lễ công bố quyết định thành lập.
Căn cứ Natuna sẽ được trang bị hệ thống tên lửa phòng không, với 1 cảng, nhà chứa máy bay và bệnh viện.
Các lực lượng chức năng Indonesia đã từng đụng độ với các tàu cá (và tàu cảnh sát biển) Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Natuna trong những năm gần đây.
(Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực phía Bắc quần đảo Natuna đã bị đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc lẹm vào, bị lực lượng tàu cá Trung Quốc xâm phạm dưới sự hỗ trợ của cảnh sát biển nước này, dẫn đến những đụng độ).
Trung Quốc gọi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna là "vùng đánh cá truyền thống" nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp.
Theo nhà nghiên cứu Muhammad Arif từ Trung tâm Habibie, việc thành lập đơn vị quân sự này là một phần trong các phản ứng của chính phủ Indonesia với các mối đe dọa trong khu vực.
Những mối đe dọa như vậy cần được giải quyết cả về mặt quân sự lẫn ngoại giao, đòi hỏi các lực lượng vũ trang Indonesia triển khai quân đến gần Biển Đông. [2]
Nguồn:
[1]https://beta.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2178615/south-china-sea-and-taiwan-among-flashpoints-armed-conflict
[2]https://www.eurasiareview.com/19122018-indonesia-natuna-base-tasked-with-warding-off-south-china-sea-threats/