Nếu những lời chia sẻ của các nam sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) với báo chí là đúng sự thật, rằng các giáo viên không những biết chuyện mà còn buông lời trêu đùa, thì sự im lặng cho cái xấu cũng cần phải chịu trách nhiệm.
Câu chuyện về Hiệu trưởng Đinh Bằng My - Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Thanh Sơn đã phải trả giá sau nhiều năm lạm dụng tình dục học sinh nam bằng quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” khiến dư luận bàng hoàng.
Tâm lý, sức khỏe của trẻ tổn hại nghiêm trọng khi bị xâm hại |
Sau khi vụ việc hiệu trưởng ép hàng loạt nam sinh quan hệ tình dục bị vỡ lở nhưng khi trả lời phỏng vấn của báo chí, các hiệu phó, thầy cô của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn đều cho biết mình chỉ nhận được thông tin vụ việc của ông Đinh Bằng My qua truyền thông và "nhà trường rất bất ngờ".
Trong khi đó, một số học sinh của trường nói thầy cô biết chuyện gì đang diễn ra bởi sau mỗi lần các em lên gặp hiệu trưởng thì thầy cô còn nói những câu đùa cợt.
Bị xâm hại trong một thời gian dài, có em ám ảnh vì “ghê quá” đến nỗi không ngủ được, phải bỏ học nhưng vì tâm lý ngại ngùng, lo sợ nên không dám tiết lộ.
Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm ngoài những hành vi đáng xấu hổ của vị hiệu trưởng là sự im lặng một cách khó hiểu, vô cảm đến tàn nhẫn của những giáo viên tại ngôi trường này.
Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu năm, nhiều thế hệ học sinh bị hiệu trưởng lạm dụng tình dục, nhưng những giáo viên trường này được chính nạn nhân gọi là cô là thầy lại im lặng một cách khó hiểu.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, ông Đinh Bằng My không xứng đáng là một nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục. (Ảnh: Thùy Linh) |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, ông Đinh Bằng My không xứng đáng là một nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục.
“Theo thông tin mà báo chí nêu thì sự việc này đã diễn ra trong một thời gian dài. Do đó tôi cho rằng, nếu giáo viên trong trường biết chuyện mà im lặng thì rõ ràng họ đang thiếu trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục.
Tại sao những người mà hàng ngày được các em học sinh gọi là thầy cô, tổ chức công đoàn không tìm cách ngăn ngừa, khuyên nhủ, tỏ thái độ mà lại phớt lờ thậm chí đùa cợt các em như vậy?”, thầy Nhĩ nói.
Thầy Nhĩ nói thêm, trường học là môi trường thân thiện, khi có sự việc bất thường xảy ra thì thầy cô phải lên tiếng, ngăn chặn, phản đối để bảo vệ học sinh, chứ để tiếp diễn đến ngày hôm nay đã khiến ngành giáo dục có một vết nhơ.
Tại sao lại có phòng ngủ cạnh phòng làm việc của Hiệu trưởng? |
Sau vụ việc này nhiều chuyên gia cho rằng càng ngày trong công tác giáo dục càng trao quyền nhiều hơn cho các hiệu trưởng.
Tuy nhiên, có những vấn đề giáo dục vừa qua đã bộc lộ đạo đức của một bộ phận hiệu trưởng rất yếu kém.
Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay chính là công tác đào tạo hiệu trưởng làm sao để có nhiều hiệu trưởng có đủ năng lực, phẩm chất để gánh vác trách nhiệm ngày càng cao.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, hiệu trưởng trước tiên phải là một nhà quản lý giáo dục để thực hành được chủ trương của Nhà nước đưa ra và phải là một nhà chuẩn mực đạo đức.
Bởi lẽ, theo thầy Nhĩ, giáo viên chỉ đào tạo về mặt chuyên môn, đứng lớp giảng dạy nhưng hiệu trưởng không chỉ là người hiểu được chuyên môn mà còn là cương vị người quản lý nên cần phải có lòng tin, nắm được tâm lý nhân viên để ứng xử cho phù hợp ví như giáo viên khó khăn cái gì thì hiệu trưởng phải hiểu để chia sẻ, đồng cảm với họ.