Nhiều tổ chức y tế uy tín Quốc tế liên tiếp cảnh báo cũng như xếp hạng đáng báo động Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.
Trong khi đó, thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp cho loài người trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Nhờ có thuốc mà chúng ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh.
Việc lạm dụng, sử dụng chưa hợp lý thuốc kháng sinh dẫn đến kháng kháng sinh là vô cùng nguy hiểm. Thực tế, trên thế giới có hàng triệu người chết mỗi năm do kháng thuốc.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới khi tỉ lệ kháng kháng sinh với các loại kháng sinh thuộc nhóm carbapenem đã tăng tới 50%, chủ yếu từ vi khuẩn gram âm; còn tỷ lệ kháng kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 đã tăng lên hơn 60% trong cả nước.
Mặc dù đã đưa ra nhiều cảnh báo những tác hại của kháng kháng sinh nhưng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Với việc người dân có thể tùy tiện ra hiệu thuốc mua thuốc mà không cần đơn hay vì lợi nhuận không ít phòng khám bệnh, bệnh viện lạm dụng thuốc kháng sinh cũng là nguyên nhân đẫn đến kháng kháng sinh.
Hiện có khoảng 30% bệnh nhân nhi có vi khuẩn kháng thuốc, đây là con số đáng báo động về việc lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ. |
Như trường hợp ông Đ. (35 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) do tai nạn giao thông bị thương nhẹ với một vết thương được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai nhiều ngày. Nguyên nhân khiến ông Đ. phải nằm viên điều trị dài ngày là do các bác sĩ xác định bệnh nhân có vi trùng kháng hầu hết các loại kháng sinh.
Đáng báo động, trường hợp của ông Đ. không phải là duy nhất mà đã là tình trạng khá phổ biến. Thống kê của Bện viện đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 70% số ca viêm phổi ở người lớn tại bệnh viện này đều có cùng tình trạng kháng kháng sinh.
Tại lễ mít-tinh khởi động Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh (từ ngày 12 đến 18-11) diễn ra ngày 13/11 tại Đại học Y Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Viết Tiến đã cảnh báo kháng kháng sinh đã là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển.
“Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, tương lai kháng sinh sẽ chỉ là vô ích và con người sẽ đứng trước những căn bệnh không còn thuốc chữa”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến dẫn chứng Việt Nam là một trong những nước đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh khá cao. Hiện nay việc lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng chưa đáp ứng được theo yêu cầu. Người dân cứ đau ốm là ra hiệu thuốc để mua kháng sinh, vô cùng nguy hiểm.
“Tại Việt Nam đã xuất hiện các loại vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng, nhất là ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với các dòng kháng sinh thế hệ mới.
Đây là điều hết sức nguy hiểm vì người bệnh có thể dễ dàng chết bởi những bệnh đơn giản, nhiễm trùng vì thuốc kháng sinh không còn tác dụng. Thậm chí các bệnh đơn giản cũng khiến người bệnh tử vong nhanh hơn cả ung thư” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.
Một trong những nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng kháng kháng sinh là việc mua bán thuốc hiện nay rất dễ dàng mà chế tài lại quá nhẹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc chỉ bị xử phạt 200.000-500.000 đồng là quá thấp, chưa đủ sức răn đe; việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm trong khi công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế dẫn đến việc mua bán kháng sinh tùy tiện vẫn xảy ra.
Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng thay thế đưa chế tài xử phạt phù hợp. Nếu bán thuốc kháng sinh không có đơn ngoài xử phạt tiền thì dừng chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động như thế mới có tác dụng xử lý được vấn đề bán thuốc không có đơn.
Chế tài xử phạt mua bán thuốc không cần kê đơn vẫn còn quá nhẹ là nguyên nhân lạm dụng thuốc kháng sinh. |
Trước thực trạng kháng kháng sinh tăng cao, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, để phòng chống kháng kháng sinh tốt có 2 vấn đề cơ bản, một là người dân phải nhận thức được việc dùng thuốc của mình:
Không tự ý dùng thuốc, không tự ý đi mua thuốc, không tự ý nghe hàng xóm mách bảo hoặc mượn đơn người khác mua thuốc theo vì có những bệnh cảnh ở mỗi người khác nhau, căn nguyên bệnh cũng khác nhau chứ không phải tất cả đều giống nhau về mặt triệu chứng. Quan trọng nhất là phải được bác sỹ thăm khám, kê đơn để sử dụng kháng hợp lý.
Vấn đề thứ 2, để phòng chống kháng thuốc thì tốt nhất phải giảm sử dụng kháng sinh. Nguyên tắc muốn giảm thì phải cho thuốc hợp lý và đúng cách. Muốn giảm sử dụng kháng sinh trước hết phải phòng bệnh bằng các biện pháp như tiêm phòng vắc-xin để ngăn ngừa bệnh do vi khuẩn gây nên.
Cục Quản lý Dược yêu cầu tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc |
Bên cạnh đó, có lối sống lành mạnh; kiểm soát nghiêm ngặt sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để không có dư lượng kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi khi chúng ta sử dụng.
Muốn giảm sử dụng kháng sinh phải phát hiện sớm căn bệnh. Hiện nay thế giới đang khuyến cáo dùng test nhanh CRP để xét nghiệm những trường hợp có sốt.
Bình thường CRP dưới 10mg/l thì không cần dùng kháng sinh, nhiễm khuẩn có thể không phải do vi khuẩn mà do cảm cúm, cảm lạnh. Thậm chí nếu do virus thì những loại này cũng tự khỏi chứ không cần kháng sinh. Như thế chúng ta sẽ làm giảm việc sử dụng kháng sinh.
Để dự phòng kháng thuốc-đặc biệt phòng nhiễm khuẩn trong bệnh viện, ngoài việc nâng cao nhận thức giảm dùng kháng sinh trong cộng đồng thì ngay ngay trong bệnh viện chúng ta cần áp dụng các biện pháp để giảm kê đơn, kê cho đúng.
Mỗi bệnh viện cần có khoa vi sinh lâm sàng để chúng ta có thể phát hiện sớm những căn nguyên và vi khuẩn, từ đó chỉ định cho đúng đắn khi dùng thuốc. Đồng thời, tập huấn các kỹ năng chẩn đoán, điều trị các bệnh do vi khuẩn gây nên cho bác sĩ.
Thời gian qua Bộ Y tế, trong đó Cục Quản lý Dược đã rất nỗ lực và tập trung vào việc quản lý việc sử dụng kháng sinh như thế nào cho hiệu quả, đặc biệt là vấn đề hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật về những phác đồ điều trị, quy trình sử dụng kháng sinh để làm sao sử dụng hiệu quả nguồn thuốc mà các doanh nghiệp đầu tư cung cấp.