LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả bài viết của Đại tá Nguyễn Huy Viện thể hiện góc nhìn khi tăng thuế môi trường xăng dầu.
Trong nền kinh tế thị trường, việc thu thuế và thu phí là một hoạt động tài chính không chỉ có ý nghĩa vô cùng quan trọng về kinh tế mà còn có ý nghĩa to lớn đảm bảo công bằng xã hội, ổn định chính trị.
Và để bảo vệ môi trường, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì việc thu một số loại phí là cũng rất cần thiết.
Nhưng vai trò, hiệu quả của thu thuế, thu phí đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội phụ thuộc vào sự hợp lý của chủ trương chính sách thu thuế, thu phí. Nếu chủ trương, chính sách đúng thì vừa thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển vừa tạo được sự ổn định về chính trị.
Ngược lại, nếu chủ trương chính sách thu thuế, thu phí không phù hợp thì sẽ đưa đến những hệ lụy khó lường, mà câu chuyện xảy ra ở Pháp vào cuối tháng 11 đến gần hết tháng 12/2018 là một ví dụ [1].
Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành về việc tính toán thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Ảnh minh họa: Vneconomy.vn |
Quay lại đề xuất thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải của Bộ Tài chính, người viết bài có đôi điều bàn luận.
Minh chứng cho đề xuất của mình là đúng, Bộ Tài chính đã viện dẫn việc các nước tiên tiến đều áp dụng thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải.
Tuy nhiên, trước khi vận dụng chính sách của các nước tiên tiến vào nước mình, quý Bộ phải đánh giá Việt Nam phát triển đến trình độ nào, hạ tầng giao thông ra sao? Nếu không suy xét thật kỹ các khía cạnh thì lợi bất cập hại. Giả sử nếu có hệ luỵ xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?
Với trình độ khoa học, công nghệ và trình độ quản trị trong lĩnh vực tài chính, các nước tiên tiến khi thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải, họ đủ khả năng đảm bảo công bằng xã hội.
Người có phương tiện xả khí thải độc hại nhiều ra môi trường chịu thuế cao; người có phương tiện xả khí thải độc hại ít chịu thuế thấp. Chẳng hạn, họ lấy tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 làm căn cứ thu phí.
Vậy Việt Nam đủ khả năng làm được điều đó chưa? Chắc chắn chưa! Nước ta mới chỉ đặt chân lên giai đoạn đầu của nhóm quốc gia đang phát triển, tiềm lực của hầu hết doanh nghiệp tư nhân còn rất nhỏ bé, thu nhập của người dân còn rất thấp.
Nếu thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải vào thời điểm hiện nay có thể phản tác dụng, gây bức xúc trong xã hội.
Hà Nội kiến nghị thu phí xe vào nội độ, phụ phí bảo vệ môi trường |
Hơn nữa, khi thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải không thể chỉ áp dụng với các phương tiện giao thông mà phải áp dụng đối với các phương tiện, động cơ khác như nhà máy, công sở xả thải... có như vậy mới đảm bảo công bằng.
Mặt khác, với các nước tiên tiến khi thu thuế, thu phí bảo vệ môi trường, họ chỉ dùng khoản tiền đó chi tiêu bảo vệ môi trường.
Liệu chúng ta có thực hiện được như vậy không hay thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải ở nước ta chỉ là để thêm nguồn thu để bù đắp thâm hụt ngân sách?
Hơn nữa, Quốc hội vừa thông qua thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 (đối với xăng tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/1 lít), nay lại thêm phí bảo vệ môi trường trên khí thải.
Trong khi đó, nền kinh tế vừa mới khởi sắc vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, ngoài việc bị chồng chất lên vai các loại phí chính thức còn phải khốn đốn với các loại phí “bôi trơn” không chính thức. Liệu có quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp không?
Vẫn biết, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký với các quốc gia và khối các quốc gia khi có hiệu lực thì nước ta sẽ giảm đi một nguồn thu ngân sách rất lớn.
Nhưng không thể bù đắp khoản thâm hụt đó bằng cách tăng thuế, thêm các dòng thuế, các loại phí. Vì tất cả các nguồn thu đó suy cho cùng đều móc từ hầu bao của người dân. Nhưng đại đa số người dân Việt Nam đang có mức sống thấp và rất thấp.
Trong khi đó, một khối lượng tài chính rất lớn của Quốc gia đã bị thất thoát dưới các hình thức tham nhũng, lãng phí. Để khắc phục thâm hụt ngân sách, tại sao Bộ Tài chính không phối hợp với các bộ ngành khắc phục tình trạng này thật sự hiệu quả?
Tăng thuế xăng dầu lên kịch khung 4000 đồng/lít, ai được hưởng lợi? |
Xin đơn cử, năm 2011, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cho công ty Lavenue sử dụng lô đất Số 8-12 đường Lê Duẩn để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất 50 năm, nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất chỉ hơn 700 tỷ đồng.
Nhưng theo kết luận của Thanh tra Chính Phủ "Nếu đấu giá khu đất 8-12 Lê Duẩn có vị trí tốt hơn (ba mặt tiền) diện tích 4.896 m² sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng". [2]
Rồi hàng loạt dự án BT (xây dựng - chuyển giao) tại Khánh Hòa được tỉnh này chỉ định nhà đầu tư không qua đấu thầu, không đấu giá đất. Hầu hết đều là các khu “đất vàng” nằm tại Thành phố Nha Trang và khu bắc bán đảo Cam Ranh với giá rẻ bất thường.[3]
Và cũng không riêng gì ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Khánh Hòa mà trên phạm vi cả nước, đằng sau các dự án mua bán, chuyển nhượng đất công; các dự án đầu tư, dự án BT, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… đều có những vấn đề bất thường, dẫn đến thất thoát tài sản đất đai hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Đơn cử 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn thêm 132.000 tỷ đồng [4]. Trong đó, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, Kiểm toán Nhà nước kết luận hàng hàng loạt sai phạm về thẩm quyền phê duyệt, thay đổi vật tư, cách tính toán giá trị không chuẩn làm đội vốn hàng ngàn tỉ đồng [5].
Hoặc chỉ với 3 Hợp đồng BT (đổi đất lấy công trình) ở Hà Nội. Gồm các dự án: Đường Lê Đức Thọ - khu đô thị mới Xuân Phương; xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên; tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên.
Tổng mức đầu tư dự kiến của 3 dự án hơn 4.421 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán chỉ xác nhận giá trị hợp đồng cả 3 dự án chỉ hơn 2.693 tỷ đồng, giảm hơn 1.727 tỷ đồng (tương đương 40% tổng giá trị dự án). [6]
Rồi tình trạng các công trình xây dựng, các công trình giao thông vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng cũng đang là một vấn đề nhức nhối.
Gần đây, báo chí đồng loạt đưa thông tin, hình ảnh Đường cao tốc 34 nghìn tỷ đồng nối Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quốc lộ 1 qua địa phận Phú Yên vừa đưa vào sử dụng đã đầy ổ gà, ổ voi …
Trong khi đó, giá thành đầu tư cho 1km đường (đường cao tốc cũng như đường bình thường) của Việt Nam cao hơn nhiều so với giá thành trung bình của thế giới. Vậy tại sao chất lượng công trình lại kém như vậy?
Các quan chức có thẩm quyền, các cán bộ của ngành Tài chính muốn có câu trả lời thì hãy đóng vai thường dân vi hành tới các doanh nghiệp sẽ có câu trả lời về “quy trình” rút ruột công trình. Không những vậy, sẽ biết rất rõ bao nhiêu % cống chỗ nọ, bao nhiêu % đút chỗ kia…
Nên chăng, trước khi tăng thuế, Bộ Tài Chính hãy phối hợp với các bộ ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ khắc phục vấn nạn thất thoát tài sản công hiện nay.
Chỉ cần hạn chế được một phần của tình trạng thất thoát ngân sách và tài sản công đã và đang diễn ra thì thì số tiền thu về cũng đã gấp hàng chục lần thu thuế khí thải bảo vệ môi trường.
Không những vậy, còn góp phần khắc phục quốc nạn tham nhũng, từng bước lấy lại công bằng xã hội.
Tài liệu tham khảo:
[1].https://tuoitre.vn/tong-thong-phap-thua-nhan-mot-phan-trach-nhiem-cua-minh-20181211060333492.htm
[2].https://vtc.vn/dat-vang-8-12-le-duan-that-thoat-hang-nghin-ty-dong-se-duoc-xu-ly-the-nao-d440528.html
[3].https://tuoitre.vn/hang-loat-dat-vang-khanh-hoa-duoc-chi-dinh-dau-tu-voi-gia-tam-tinh-20180626084017723.htm
[4].http://plo.vn/thoi-su/du-an-metro-ben-thanh-kiem-toan-ket-luan-hang-loat-sai-pham-809640.html
[5].http://vneconomy.vn/5-du-an-duong-sat-do-thi-doi-von-them-132000-ty-dong-20180816102043955.htm
[6].https://dantri.com.vn/bat-dong-san/du-an-bt-o-ha-noi-khoang-cach-lon-du-toan-va-thuc-te-20181217213020843.htm