Trái với sự nhàn nhã của nhiều sinh viên đại học, có một thực tế là dạy thêm, học thêm đã trở thành một xu thế trong giáo dục các cấp học bậc phổ thông. Bởi lẽ nhiều học sinh, phụ huynh mặc dù không muốn cho con em đi học thêm cũng phải đi vì nhiều lý do.
Phụ huynh trăn trở có nên cho con em đi học thêm
Đây là lịch học của một học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội từ thứ Hai đến thứ Sáu:
Sáng: Học tại trường từ 7h15-11h15
Chiều: Học tại trường từ 13h15 -17h
Tối: Học thêm ca 1 từ 18h-20h; Học thêm ca 2 từ 20h30-22h20
Thứ Bảy và Chủ nhật lịch học của cô bé này cũng dày đặc với 2 ca học thêm buổi sáng, 1 ca học thêm buổi chiều, 1 ca học thêm buổi tối.
Ảnh minh họa chụp màn hình chương trình Vấn đề hôm nay, VTV.vn ngày 17/5/2018. |
Chị Giang phụ huynh của 3 đứa trẻ trong đó có một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 6 cho biết:
“Hôm 24 vừa rồi (24/12/2018) họp phụ huynh cho cháu đang học lớp 9. Cô giáo chủ nhiệm thông báo, sang kỳ 2 tiền học của các con sẽ nhiều hơn so với kỳ 1 nên các phụ huynh cũng cần chuẩn bị trước.
Chủ yếu là tiền học thêm sẽ nhiều hơn vì các cháu bước vào giai đoạn ôn thi quyết liệt cho kỳ thi lên cấp 3.
Hiện nay một cháu lớp 9 nhà tôi một tháng tiền học hết 5 triệu trong đó hơn 4 triệu là tiền học thêm.
Ngoài 3 môn không thể bỏ là Toán, Văn, Anh thì cháu nhà tôi còn học thêm Hóa, Sinh. Các môn khác cháu phải tự khắc phục bằng cách tự học ở nhà”.
Chị Giang cũng chia sẻ thêm:
"Một tháng hai cháu nhà tôi riêng tiền học thêm đã rơi vào khoảng 7 triệu. Đấy là cháu chỉ theo học những lớp đại trà chứ không học nhóm hoặc thuê gia sư.
Đối với một người làm công ăn lương như vợ chồng tôi thì quả thực đây là một gánh nặng.
Cháu thứ hai mặc dù tôi biết có đi học thêm cũng không hiệu quả vì cháu mải chơi nhưng vẫn phải cho cháu đi. Vì các gia đình khác đều cho con đi học thêm còn mình chả nhẽ lại không."
Vấn đề lớn nhất với học sinh cuối cấp là, ngoài lịch học chính khóa và học thêm buổi 2 tại trường đã choán hết thời gian và sức lực của các em, việc ngồi vào các lớp học thêm ở trung tâm buổi tối, ngày nghỉ liệu các em sẽ học được những gì?
Nhiều gia đình cho con đi học thêm chỉ vì tâm lý sợ giáo viên trù dập con em mình. Và những câu chuyện như vậy không phải là không có.
Câu chuyện qua lời kể của chị Phương có con đang học lớp 6:
“Cháu nhà chị nhận thức nhanh và thường hoàn thành hết bài tập về nhà. Ở lớp cháu học cũng tốt và nói đúng ra theo chị lớp 6 thì không có gì quá áp lực để phải học thêm nhiều như thế.
Cháu nhà chị một tuần học buổi chiều ở trường từ thứ Hai đến thứ Sáu. Buổi sáng đi học thêm kín tuần cộng thêm một buổi tối thứ Bảy.
Chị hỏi rằng liệu các cháu có cần thiết phải đi học thêm nhiều thế không? Mà những người dạy thêm là thầy cô chứ ai. Vậy tại sao các thầy cô không dạy hết kiến thức tại lớp học đi mà còn nhém lại mang đến lớp học thêm?
Như con chị đang học, đề cô giáo giao ở lớp dạy thêm nhưng lại sửa và chấm ở trên lớp. Hoặc có những bài cô giáo bảo sẽ dạy nốt ở lớp học thêm.”
Vị phụ huynh này cũng bức xúc:
“Tiền học thêm gấp 5-6 lần so với tiền học ở trường. Nói là đi học thêm trên tinh thần tự nguyện, nhưng ngay từ đầu năm nhà trường đã cho các cháu đăng ký và có 1 phiếu khảo sát trong đó có nói đến việc học thêm tại 1 trung tâm gần trường bao gồm 2 môn là Toán và tiếng Nhật không bắt buộc.
Ngoài ra những môn khác thì các con đăng ký học với cô giáo chủ nhiệm.
Đấy còn chưa kể việc cô giáo đem kiến thức trên lớp dạy thêm ở bên ngoài. Như vậy trên danh nghĩa là tự nguyện nhưng phụ huynh ai cũng hiểu không cho con đi học thêm thì con thiệt thòi đủ đường.”
Có những thầy cô thường chữa đề thi, ôn dạng đề thi ở các lớp học thêm mà không làm điều này trên lớp với lý do “thời gian không có nhiều nên đề này để sang buổi học thêm cô sẽ chữa”.
Học thêm, dạy thêm hiệu quả hay không chủ yếu là do nhu cầu của người học và động cơ người dạy
Sau sự việc thầy giáo Trần Văn Mạnh (giáo viên dạy Toán trường Trường trung học phổ thông Phú Quốc) làm lộ đề thi tại kỳ thi học kỳ I môn Toán một lần nữa dấy lên tranh luận: Học thêm có cần thiết và làm thế nào để việc học, dạy thêm hiệu quả?
Theo chúng tôi, việc học thêm cần thiết hay không còn tùy vào từng trường hợp, vấn đề là học vì cần bổ sung kiến thức cho bản thân học sinh, nhất là các bạn cuối cấp, hay vì áp lực / chiêu trò của người dạy thêm?
Sự việc thầy giáo tiết lộ đề thị ở lớp dạy thêm đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội: ảnh trên website của trường |
Xin mượn một câu chyện của một học sinh lớp 12:
“Thầy chủ nhiệm của em dạy Toán và thầy ấy rất thoải mái. Thầy có mở lớp học chủ yếu phụ đạo cho một số bạn, nhóm khoảng 3-5 bạn tại nhà.
Ngoài ra thầy dạy chính ở trung tâm ôn thi. Khi đi học lớp học thêm của thầy bọn em cảm thấy không có thời gian rỗi mà nghịch điện thoại vì cách thầy giảng rất khoa học và cường độ liên tục.
Thầy bảo các em đã đi học thêm thì thầy dạy hết xứng đáng với số tiền các em bỏ ra. Vì thời gian trên lớp rất ít chứ không phải thầy mở ra mục đích chính là thu tiền các em.
Ở lớp em có mấy bạn hoàn cảnh khó khăn thầy còn xin trung tâm cho miễn tiền học thêm. Ngoài ra hầu như buổi học thêm nào thầy cũng dạy quá giờ từ 30-45 phút”.
Như vậy có thể thấy rằng việc học thêm, dạy thêm tốt hay xấu, lợi hay dở là do người dạy. Chuyện dạy thêm, học thêm sẽ phát huy hiệu quả nếu như cả người dạy và người học đều hướng đến mục đích duy nhất là nâng cao chất lượng giáo dục.