Tại cuộc họp với lãnh đạo một số vụ, cục về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên diễn ra ngày 20/12, một số bất cập hiện nay trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ ra, đó là:
Nội dung chương trình còn chung chung, nặng trang bị thông tin mà chưa gắn với nhu cầu thực tế; các dạng thức, sản phẩm tài liệu chưa phù hợp; phương pháp bồi dưỡng chưa đa dạng; chưa quan tâm đến khâu kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra; chất lượng tập huấn, bồi dưỡng thấp.
Ngoài ra, việc có nhiều đầu mối tham gia tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng dẫn tới chồng chéo, trùng lắp nội dung tập huấn.
Quan trọng hơn là chưa tạo được động lực để giáo viên coi việc đào tạo, bồi dưỡng là nhu cầu của bản thân, nên nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên mới chỉ dừng lại ở việc “điểm danh, ghi tên”.
Trước đó, liên quan đến vấn đề tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, tại tọa đàm về áp lực đối với giáo viên, thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng:
Ở nước ta vẫn tồn tại lối dạy chủ yếu là cung cấp kiến thức, chạy theo điểm số. Vì chạy theo thi cử, thành tích và chỉ tiêu thi đua nên nhiều trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh tự gây áp lực cho nhau.
Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, dạy người không phải chạy theo thành tích. Ta nên dần thoát khỏi cách dạy về kiến thức, phải thay đổi cách thi cử. (Ảnh: Thùy Linh) |
"Nhiều trường chưa tạo ra được môi trường giáo dục thân thiện. Nhà trường phải là chỗ dựa cho giáo viên chứ không phải chỉ là phê bình, kỉ luật khiến cho các thầy cô ngày càng áp lực.
Hơn nữa, việc tập huấn giáo viên cũng chưa đúng cách, chủ yếu là về chuyên môn, nặng về quán triệt, áp đặt quy định.
Thậm chí có thầy cô đến tập huấn chỉ chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội. Tập huấn là phải tự nhận thức, trải nghiệm và tự thay đổi.
Giáo viên phải là người truyền cảm hứng cho học sinh. Trong cách đào tạo của giáo viên cũng cần dạy đạo đức và giá trị tư tưởng. Dạy người không phải chạy theo thành tích. Ta nên dần thoát khỏi cách dạy về kiến thức, phải thay đổi cách thi cử.
Có tới khoảng 70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ, khó thay đổi và cần phải được ngành giáo dục quan tâm xử lý", thầy Hòa nhấn mạnh.
Bộ trưởng biết giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng chỉ điểm danh, ghi tên |
Cũng theo thầy Hòa, học sinh đi học về thường nhận được câu hỏi đầu tiên của cha mẹ là con hôm nay được mấy điểm?
Do đó giáo viên càng bị áp lực. Phụ huynh áp lực lên con, nhà trường áp lực lên giáo viên. Cả hệ thống chạy theo áp lực điểm số và kết quả học.
Rõ ràng chúng ta chưa tạo được môi trường học đường thân thiện, trường chưa là chỗ dựa cho giáo viên, học sinh.
Trong khi đó, nêu quan điểm về chất lượng tập huấn giáo viên, cô Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành nhận định, một buổi tập huấn nhiều nhất cũng chỉ kéo dài 3 tiếng đồng hồ do đó mọi thứ sẽ bị giới hạn.
Chính vì vậy, muốn nâng cao năng lực giáo viên thì nhà trường cần xây dựng cộng đồng học tập trong nhà trường để hàng tuần, hàng tháng các giáo viên trong tổ chuyên môn được chia sẻ với nhau để dạy học trải nghiệm sáng tạo, dạy học phát triển năng lực mà học sinh vẫn nắm đủ kiến thức, kỹ năng chứ không chỉ đơn thuần qua các buổi tập huấn.