LTS: Bày tỏ quan điểm nên bỏ các trường chuyên, thầy giáo Hữu Sơn đưa ra những phân tích trong bài viết sau đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả.
Từ ngày 13 đến ngày 15/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp tập huấn về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho hiệu trưởng 7 tỉnh miền trung tại Khách sạn công đoàn Thanh Bình, thành phố Đà Nẵng.
Trong phần thảo luận, một thầy Hiệu trưởng của một trường Trung học phổ thông thuộc tỉnh nam miền Trung nêu kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xem xét và bỏ hẳn hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên của cả nước.
Thi đua luyện “gà chọi” nhằm đạt giải này, giải nọ ở quốc gia, quốc tế, thực ra để làm gì đâu, cũng là bệnh thành tích, chỉ gây lãng phí nguồn kinh phí lớn cho đất nước.”
Hơn 70 trường Trung học phổ thông chuyên hiện nay, riêng học sinh học chuyên môn Hóa, có trên 2.200 em.
Nhưng sau khi học xong trường chuyên, liệu có mấy em tiếp tục học chuyên sâu ngành Hóa ở bậc đại học, sau đại học, trở thành những chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực này?”.
(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Hơn bốn thập kỷ hình thành và phát triển, hệ thống trường trung học phổ thông chuyên ở nước ta đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Các trường, khối lớp trung học phổ thông chuyên được thành lập trên tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số trường đại học, hàng năm tổng số học sinh trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc chiếm gần 2% số học sinh trung học phổ thông.
Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được đầu tư tốt. Chất lượng đầu vào luôn ở mức cao.
Một số trường như Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Trung học phổ thông chuyên Ngoại ngữ, khối chuyên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)… đã tổ chức dạy thí điểm các môn Toán, Vật lý, hóa học bằng tiếng Anh phục vụ nhu cầu học đại học, du học.
Bình quân các năm vừa qua có 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá; hơn 95% học sinh đạt học lực khá, giỏi.
Bồi dưỡng học sinh giỏi được duy trì thường xuyên, liên tục và có chất lượng.
Nhiều học sinh đạt đạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế, Việt Nam được đánh giá là 1 trong những nước có thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế.
Bên cạnh đó, số lượng, tỷ lệ học sinh trung học phổ thông chuyên đỗ vào các trường đại học cũng rất cao, trung bình hàng năm là trên 90%, một số trường là 100%.
Tuy nhiên, trong các hội nghị tổng kết hệ thống trường chuyên trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận những hạn chế, tồn tại của mô hình này.
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông chuyên còn nhiều bất cập; nội dung đề thi chủ yếu là kiểm tra, tái hiện kiến thức, kỹ năng cơ bản, chưa có hình thức kiểm tra năng khiếu, tài năng.
Chương trình giảng dạy, kế hoạch dạy học và giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên nhìn chung chưa được thiết kế phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy khả năng đặc biệt của học sinh năng khiếu;
Tài liệu phục vụ dạy học các môn chuyên còn rất thiếu; công tác đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa được chú trọng đúng mức;
Việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện còn hạn chế; chưa có sự liên kết phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở các trường trung học phổ thông chuyên với việc đào tạo tiếp tục ở đại học.
Thành phố Hồ Chí Minh tuyển bổ sung 103 học sinh lớp 10 ở 2 trường chuyên |
Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Đề án phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020;
Đề án này có dự toán kinh phí lên đến 2.300 tỉ đồng khiến các chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội không khỏi “choáng” và cho rằng làm như vậy gây ra lãng phí lớn.
Trong khi, vẫn còn rất nhiều phụ huynh luôn khao khát và mong muốn con em mình được tuyển vào và học trường chuyên, lớp chọn thì không ít nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo và phụ huynh lại thực sự lo lắng về mục tiêu giáo dục của mô hình này.
Năm 2017, tại buổi tiếp xúc với cử tri, về hoạt động giáo dục, đào tạo, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Cử tri bày tỏ tâm tư trước chuyện trường chuyên lớp chọn đã trở thành phong trào trong thời gian qua, là một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng các trường dạy thêm và phụ huynh cho con học thêm để vào học ở trường chuyên lớp chọn, cử tri đề nghị Chính phủ và Thành phố quan tâm để có sự điều chỉnh hợp lý. (Thông tin từ Báo Sài Gòn giải phóng).
Chúng tôi chẳng lạ với tình cảnh, đến mùa thi học sinh giỏi các cấp, các em học sinh trường chuyên tham gia đội tuyển chịu rất nhiều áp lực, tấp nập bồi dưỡng, học tập, làm bài kiểm tra tập dượt cả ngày lẫn đêm.
Có những em thi lần đầu đạt giải cao, năm sau nhà trường, thầy cô giáo lại “bắt” đi thi tiếp. Không muốn đi thi nữa vì cảm thấy vất vả, mỏi mệt thì thầy cô giáo vây bủa, “giáo huấn” đủ điều.
Trước 10 ngày thi học sinh giỏi cấp quốc gia, nhiều đội tuyển học sinh giỏi các địa phương thường đổ dồn về Thủ đô Hà Nội tìm, luyện thi cấp tốc bởi những chuyên gia, thầy cô giáo giỏi, hay bồi dưỡng, ra đề thi học sinh giỏi.
Tiền xe cộ, ăn ở, lo cho các thầy… đến hàng trăm triệu đồng. Đội tuyển học sinh giỏi trường chuyên đại diện cho trí tuệ của cả tỉnh, nếu chẳng may được giải ít hoặc thấp hơn các địa phương lân cận thì tỉnh đâu có “tha” cho, mời Sở Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu trường lên nhắc nhở, phân tích xa gần, lý do vì sao ít giải thế…
Nhà trường, thầy cô giáo trường chuyên cũng phải chịu không ít áp lực vì thành tích, thể diện của tỉnh nhà.
Một số thầy cô giáo trường chuyên chịu không nổi áp lực phải có giải khi bồi dưỡng đành xin về trường phổ thông cho khỏe.
Có lãnh đạo nói thẳng, tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho trường chuyên nhiều thì có quyền đòi hỏi, yêu cầu trường chuyên khi thi quốc gia… phải mang thật nhiều giải về đây.
Là người trong cuộc tôi thiết nghĩ, đã đến lúc ngành giáo dục loại bỏ mô hình trường chuyên. Làm được điều này, nó đem lại nhiều lợi ích cho nhà nước, xã hội và phụ huynh học sinh.
Thứ nhất, giảm thiểu được căn bệnh sính thành tích, thích ứng thí, khoe mẽ đang tồn tại, ngự trị trong nhận thức, suy nghĩ và hành động của không ít cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh hiện nay.
Thứ hai, xây dựng một môi trường giáo dục phổ thông căn cơ, toàn diện, công bằng, hạn chế các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, áp lực nảy sinh, giúp các em có được một nền tảng cơ bản về kiến thức khoa học, kỹ năng sống để có thể hội nhập xã hội và học lên ở các bậc học cao hơn.
Thứ ba, tiết kiệm cho ngân sách địa phương, Nhà nước một khoản kinh phí, tiền bạc đầu tư không hề nhỏ về cơ sở vật chất, về phát triển đội ngũ giáo viên... (Vì một trường chuyên hằng năm tiêu tốn một lượng kinh phí gấp hàng chục lần so với một trường phổ thông bình thường).