LTS: Những chuyện liên quan đến "Sáng kiến kinh nghiệm" đã được nhiều thầy cô giáo phản ánh trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ về nỗi khổ của giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nếu được hỏi, bạn ghét nhất điều gì trong ngành giáo, không ít giáo viên sẽ nói ngay “Sáng kiến kinh nghiệm”.
Của đáng tội, tôi là sáng kiến, đẹp như thiên thần sao mọi người ghét tôi thế? Xã hội muốn phát triển, phải có tôi chứ, nếu không đừng mong “thắp sáng ước mơ”.
Chắc tại làng giáo có “vấn đề” nên mới không thích em. Em đã được luật hóa, rồi, muốn bỏ em, phải bỏ luật, mấy cái này thầy, cô không can thiệp được đâu; có muốn buồn cũng đành rán chịu thôi ạ.
Nhưng thực tế để thầy cô đạt được cái sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở, em thấy có gì khó đâu, đạt cấp tỉnh hay trung ương thì khó thật.
Này nhé, tính mới của đề tài được quy định 30 điểm; chỉ cần đặt cái tên đừng giống 100%, đã có 15 điểm rồi.
Không chỉ giáo viên mà những giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm cũng thấy rất buồn. (Ảnh minh họa: pgdnamtruc.edu.vn). |
Đến cái mục đã áp dụng tại đơn vị, cũng quy định 30 điểm; có ai làm đề tài mà chưa áp dụng tại đơn vị đâu, như vậy cũng có ngay ít nhất 15 điểm nhé! (trừ trường hợp thầy cô chưa áp dụng, chỉ viết cho thì tương lai thôi).
Phần kết quả của đề tài cũng tính 30 điểm, chỉ cần có cái bảng thống kê trước và sau áp dụng đề tài, đố ai dám đánh giá đề tài của thầy cô không đạt; thầy cô thống kê cụ thể, có chứng thực của nhà trường hẳn hoi; cho dù kết quả đó là diễn đi chăng nữa, giấy trắng mực đen rõ ràng, tỷ lệ % cứ cao hơn là OK, vậy ít nhất có 15 điểm.
Cuối cùng là thể thức văn bản, cái này đã quy định ngay từ đầu, canh lề trái, canh lề phải, lề trên, lề dưới, quá đơn giản, bàn phím em lo.
Cấu trúc của đề tài cứ thực hiện đúng văn bản, đánh máy sạch đẹp, rõ ràng, đừng sai chính tả. In xong, nhớ giữ vệ sinh sạch sẽ, đố ai trừ điểm phần này của thầy cô; mười điểm tuyệt đối là cái chắc.
Tổng cộng ít nhất có 50 điểm, xếp loại đạt rồi, đơn giản vậy, cớ sao lại “thương em” thế!
Buồn là buồn cho người chấm chứ không phải thầy cô đâu, họ buồn lắm. Họ chẳng muốn chấm đâu, vì họ cũng “thương em” như mấy thầy cô thôi, nhưng đành phải chấm. Không chấm thì người khác chấm, cũng thế thôi, “không cô thì chợ vẫn đông” mà!
Vòng quay kì diệu của một Sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục |
Đọc cái tên, xem qua nội dung, có bảng biểu đầy đủ, sạch đẹp, là xếp loại đạt rồi (từ 50 đến 69 điểm).
Còn muốn cao hơn, thì sáng kiến của thầy cô cũng phải có chút “ánh sáng”, mà ánh sáng thì dễ thấy lắm, họ có mù đâu.
Nhiều người đi chấm còn nói nhỏ với nhau, sao mà cho sáng kiến rớt được, thế thì bóng tối nó lên ngôi à!
Thế nhưng cũng có những “sáng kiến” của thầy cô nó “tối quá”, tối đến mức còn bê y nguyên tên trường tên lớp, ở một địa phương xa lắc mà người chấm chưa từng đọc qua. Nếu là thầy cô, có đồng ý không?
Chấm sáng kiến của địa phương, thấy sao giống nơi khác thế, chẳng khác nào họ coi thường người chấm, họ nói “không lời” đó thôi, người chấm hiểu, nhưng làm thinh, giả mù giả điếc.
Không ít người từ chối làm giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm, họ cảm thấy bị xúc phạm. Như vậy, thầy cô xem, ai buồn hơn với sáng kiến kinh nghiệm?
Sáng kiến mới, giải pháp mới là cần thiết cho xã hội phát triển, thế nhưng, không phải ai, năm nào cũng có thể có sáng kiến. Ngoài ra, các sáng kiến chấm xong, điểm đến không phải là nơi nó phải đến, vì thế sáng kiến trở thành “đứa con hoang” bị ghét bỏ.
Để thực chất, không nên áp đặt sáng kiến với thi đua, với danh hiệu, hãy trả lại cho sáng kiến ánh sáng của nó. Sáng kiến có ánh sáng tự nhiên, tỏa hương đến cộng đồng, nhiều khi chẳng cần báo cáo, đó mới là sáng kiến.