Phương pháp và kỹ thuật nào để dạy tốt môn Lịch sử?

01/01/2019 02:13
LÊ VĂN LINH - ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Có nhiều kỹ thuật dạy học tích cực, giáo viên có thể sử dụng vào dạy học môn Lịch sử: Kỹ thuật chia nhóm, kỹ thuật giao nhiệm vụ, kỹ thuật đặt câu hỏi,...

LTS: Đề cập đến phương pháp giảng dạy môn Lịch sử, hai tác giả Lê Văn Linh và Đỗ Tấn Ngọc nhấn mạnh đến việc giáo viên cần vận dụng sáng tạo các kỹ thuật dạy học tích cực.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đổi mới phương pháp dạy học là một trong những yêu cầu quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo hiện nay.

Các môn học nói chung, môn Lịch sử nói riêng, cũng cần phải đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng dạy học ở trường phổ thông đáp ứng yêu cầu mới của ngành giáo dục và xã hội.

Muốn vậy, giáo viên phải vận dụng tốt các phương pháp dạy học tích cực để phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo, đồng thời giúp học sinh nắm chắc được vấn đề cơ bản, hình thành thế giới quan khoa học, giáo dục nhân cách và rèn luyện các kỹ năng sống.

Qua thực tiễn giảng dạy nhiều năm qua, tôi đã vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vào dạy môn Lịch sử, đúc kết được nhiều kinh nghiệm quan trọng.

Sau đây là một số vấn đề mà giáo viên cần quan tâm để vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực trong tổ chức các hoạt động giảng dạy đáp ứng với quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm.

Một tiết dạy lịch sử trên sa bàn của thầy và trò tỉnh An Giang. Ảnh trên VOV
Một tiết dạy lịch sử trên sa bàn của thầy và trò tỉnh An Giang. Ảnh trên VOV

Giáo viên cần phải nắm vững các kỹ thuật dạy học tích cực

Mỗi phương pháp dạy học tích cực đều có các bước tiến hành, mỗi bước là một công đoạn quan trọng để dẫn dắt học sinh đi đến nắm được bài học tốt nhất, qua đó giáo viên mới nâng cao hiệu quả khâu tổ chức dạy học.

Có nhiều kỹ thuật dạy học tích cực, giáo viên có thể sử dụng vào dạy học môn Lịch sử: Kỹ thuật chia nhóm, kỹ thuật giao nhiệm vụ, kỹ thuật đưa ra tình huống có vấn đề, kỹ thuật đặt câu hỏi, kỹ thuật khăn trải bàn,...

Đầu tiên, với kỹ thuật đặt câu hỏi, giáo viên cần chú ý tới một số yêu cầu: Câu hỏi về lịch sử phải liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu bài học; câu hỏi rõ ràng dễ hiểu; phù hợp với trình độ của học sinh; câu hỏi phải kích thích sự suy nghĩ của học sinh nhằm khuyến khích sự phát triển nhận thức và tư duy của học sinh.

Phương pháp và kỹ thuật nào để dạy tốt môn Lịch sử? ảnh 2Thế nào là dạy học tích cực?

Vấn đề lịch sử có nhiều nội dung nhưng cần tránh hỏi tất cả trong một câu hỏi.

Biết cách đặt câu hỏi học sinh sẽ khám phá dần vấn đề lịch sử, tiếp nhận được kiến thức cơ bản, rút ra được bản chất, quy luật sự kiện và nắm được mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện.

Đối với kỹ thuật giao nhiệm vụ trong dạy học theo hướng tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm của cá nhân và nhóm học sinh để giải quyết những nội dung cốt lõi của bài học do đó giáo viên cần lưu ý:

Nhiệm vụ được giao cho cá nhân, nhóm nào? Giao nhiệm vụ gì? Địa điểm thực hiện nhiệm vụ? Thời gian cần hoàn thành nhiệm vụ bao lâu? Phương tiện cần để giúp hoàn thành nhiệm vụ? Sản phẩm của học sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ là gì?

Ví dụ như giao bài tập về nhà học sinh soạn diễn biến một sự kiện lịch sử; tìm hiểu thêm tư liệu cho bài học và sản phẩm có nhiều sáng tạo như clip, video, tranh, ảnh, sơ đồ tư duy.

Giao nhiệm vụ tại tiết dạy, đòi hỏi học sinh suy nghĩ, thảo luận và trình bày nhanh kết quả.

Giáo viên chú ý mức độ tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Đối với kỹ thuật “Khăn trải bàn” trên thực tế trọng dạy học môn Lịch sử giáo viên ít thực hiện, song có rất nhiều sự kiện lịch sử đòi hỏi nhiều ý kiến để đánh giá, kết luận, hơn nữa nó yêu cầu tính hợp tác cao và thể hiện trách nhiệm mỗi thành viên trong thảo luận.

Do đó, để làm tốt kỹ thuật này giáo viên nên: Tổ chức cho học sinh trong lớp được chia nhiều thành nhóm, mỗi nhóm 4 người.

Mỗi nhóm có một tờ giấy A0 đặt trên bàn, mỗi thành viên một cạnh của tờ giấy.

Mỗi thành viên sẽ suy nghĩ và viết tất cả các suy nghĩ của mình lên cạnh của “khăn trải bàn” trước mặt mình. Sau đó nhóm thảo luận và đưa ý đúng và thống nhất vào giữa “Khăn trải bàn”.

Kỹ thuật “Bản đồ tư duy” nếu sử dụng hiệu quả, học sinh sẽ nắm chắc các sự kiện lịch sử, logic vấn đề, mau thuộc, nhớ lâu kiến thức cơ bản, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều học sinh ngại học bài, hay phải thuộc lòng.

Do đó, giáo viên chú ý hướng dẫn học sinh tìm ra nội dung chính - còn gọi là “Từ khóa” như các từ khởi nghĩa, kháng chiến, chiến dịch, cách mạng tư sản, cách mạng dân tộc dân chủ, …viết vào ô trung tâm, sau đó học sinh viết tất cả các ý liên quan đến ý trung tâm.

Hướng dẫn học sinh viết nhánh cấp 1, cấp 2 của ý lớn. Nếu giao bài tập về nhà thì giáo viên động viên học sinh thể hiện sơ đồ tư duy ở các nhánh bằng hình vẽ, bằng clip, video,… để tăng thêm tính sự thật lịch sử, minh chứng vấn đề, đồng thời cũng nhắc học sinh khi dùng màu vẽ các nhánh tư duy tránh màu mè, gây rối mắt.

Nhiều nội dung bài học lịch sử giáo viên có thể yêu cầu học sinh tóm tắt lại dưới dạng sơ đồ tư duy như các cuộc khởi nghĩa ở nước ta từ thế kỷ I đến thế kỷ XV, các cuộc cách mạng tư sản Âu - Mĩ, hay tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả, ý nghĩa các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ.

(Bài tiếp theo: Giáo viên cần vận dụng sáng tạo trong giảng dạy Lịch sử)

LÊ VĂN LINH - ĐỖ TẤN NGỌC