LTS: Tiếp theo bài trước, hai tác giả Lê Văn Linh và Đỗ Tấn Ngọc chia sẻ về phương pháp giúp các giáo viên dạy tốt môn Lịch sử.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Giáo viên cần khai thác và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực một cách khoa học, sáng tạo
Để thực hiện tốt điều này thì trong từng phương pháp dạy học cụ thể giáo viên cần phải chú ý thực hiện đúng quy trình thực hiện phương pháp tích cực hiệu quả:
Phương pháp thảo luận nhóm là phương pháp nhiều bộ môn sử dụng, đối với môn Lịch sử cũng rất cần vận dụng vào nhiều tiết dạy học để phát huy tính tính cực.
Một số lưu ý khi thực hiện phương pháp dạy học nhóm. Số lượng học sinh trong nhóm nên từ 4 đến 8 học sinh để đảm bảo tất cả các thành viên trong nhóm đều chủ động làm việc và phát huy lợi thế, quan điểm của mình.
Nhiệm vụ thảo luận của nhóm có thể độc lập hoặc trùng nhau. Cần quy định rõ thời gian thảo luận và thời gian trình bày kết quả thảo luận của mỗi nhóm. Kết quả thảo luận nhóm có thể được trình bày bằng nhiều hình thức như: sơ đồ tư duy, hình vẽ, tóm tắt.
Trong khi các nhóm thảo luận, giáo viên đi vòng quanh quan sát, động viên và hướng dẫn học sinh thảo luận tập trung vào vấn đề.
Giáo viên cần khai thác và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực một cách khoa học, sáng tạo. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới |
Câu hỏi thảo luận nhóm của môn lịch sử không nên yêu cầu trình bày sự kiện diễn ra như thế nào mà nên đặt câu hỏi tại sao? Nguyên nhân? Tác dụng của sự kiện? Em hãy nhận định, đánh giá vấn đề lịch sử,…
Đối với phương pháp đóng vai là phương pháp trong môn Lịch sử nên thực hiện nhiều hơn nhằm tái hiện sự kiện, nhân vật lịch sử, tuy vất vả, mất thời gian nhưng việc tiếp thu hiệu quả cao, học sinh thích thú.
Nội dung lời thoại phải hướng đến giải quyết vấn đề của bài học, thể hiện tính phản biện trong câu hỏi hay trả lời, giáo viên cần biên tập lại kịch bản sự kiện, nhân vật, diễn biến lịch sử để đảm bảo yêu cầu bài học và giúp học sinh dễ hoạt cảnh hơn.
Học sinh có thể hóa trang như các nhân vật lịch sử nhưng lưu ý không quá cầu kì hay đầu tư nhiều tiền bạc cho vai diễn mà mang tính nghệ thuật tượng trưng là chính.
Cô giáo Liệu, người truyền cảm hứng cho học sinh yêu môn Lịch sử |
Phương pháp đóng vai giúp cho việc học lịch sử được học sinh hứng thú nhiều hơn và nhập vai làm cho học sinh thấm sâu bài học nhiều hơn và nâng cao kỹ năng tự tin trình bày, phát biểu trước tập thể đông người.
Phương pháp tổ chức trò chơi trong môn Lịch sử là cách học mà chơi, chơi mà học, làm cho học sinh học lịch sử một cách thú vị, lớp học sôi nổi, tập trung sự chú ý cũng như tiếp nhận kiến thức nhẹ nhàng hơn, đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị nhiều về nội dung, kịch bản, để sử dụng phương pháp trò chơi đạt hiệu quả thì giáo viên nên chọn những trò chơi dễ tổ chức và thực hiện, trò chơi phải phù hợp với chủ đề, với đặc điểm và trình độ của học sinh, của bài học.
Ví dụ trò chơi “Ai trả lời nhanh nhất”, trò chơi “Ô chữ các danh nhân lịch sử, sự kiện lịch sử” , trò chơi “Trình bày Lịch sử trong vai hướng dẫn viên du lịch”,… Tổ chức trò chơi phải nắm được quy tắc chơi và phải tôn trọng luật chơi, trò chơi phải tạo được sự hứng thú và hòa đồng, phát huy năng lực của học sinh.
Chú ý tạo điều kiện cho nhiều học sinh được tham gia vào trò chơi.
Giáo viên cần chú ý về thời gian trò chơi trong tiết học và nên có phần thưởng tượng trưng cho học sinh tham gia tốt, có thể ghi điểm hay quà là cây bút, quyển vở.
Thực hiện phương pháp dạy học trải nghiệm trong dạy học Lịch sử, sẽ tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực giáo dục khác nhau để có thể trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội.
Đồng thời, giúp các em có cơ hội để tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp. Tất cả các hoạt động phải có sự hướng dẫn, tổ chức của giáo viên.
Giáo viên ở trường trung học phổ thông nên sử dụng những hình thức và phương pháp trải nghiệm nào? Theo tôi có hai loại hoạt động trải nghiệm cho chúng ta nên lựa chọn trong dạy học Lịch sử.
Thứ nhất là hoạt động có tính khám phá như những chuyến đi thực địa, tham quan, dã ngoại những địa phương có di tích lịch sử cách mạng, bảo tàng, nhà truyền thống, làng nghề, tham gia các lễ hội tại địa phương như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội Cầu ngư.
Thứ hai là hoạt động mang tính thể nghiệm, học sinh được trải nghiệm và thể nghiệm mình luôn qua các hoạt động giao lưu với các cựu chiến bình từng tham gia các chiến dịch Ba Gia (1965), chiến dịch Vạn Tường (Bình Sơn).
Giáo viên có thể cho học sinh trải nghiệm lịch sử qua sa bàn lịch sử như sa bàn biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sa bàn chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, quân dân ta đánh bại đế quốc Pháp, sa bàn chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, thống nhất đất nước.
Hoạt động trải nghiệm sẽ gắn với thực tiễn cuộc sống rất nhiều, vì vậy giáo viên sẽ quyết định lựa chọn các nội dung và hình thức cũng như không gian hoạt động sao cho phù hợp với học sinh, giáo viên, điều kiện của nhà trường, địa phương.
Đối với Phương pháp động não vận dụng bằng cách nêu các ý tưởng tập trung trên vấn đề, từ đó rút ra rất nhiều giải pháp căn bản cho nó như đánh giá sự kiện lịch sử, rút ra bài học kinh nghiệm, so sánh các sự kiện để rút ra bản chất sự kiện.
Các ý kiến có thể rất rộng và sâu cũng như không giới hạn bởi các khía cạnh nhỏ nhặt nhất của vấn đề mà học sinh nghĩ tới trong môn lịch sử.
Để thực hiện tốt phương pháp tấn công não giáo viên chú ý sử dụng dụng cụ tốt nhất là các bảng hoặc giấy khổ lớn để học sinh dễ đọc các ý kiến, hoặc có thể thay thế bằng giấy viết.
Trong quá trình thu thập ý kiến, giáo viên không được phê bình hay nhận xét – cần xác định rõ: Giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách trả lời những câu hỏi ngắn, trọng tâm. Tất cả ý kiến của học sinh đều cần được giáo viên khích lệ, thừa nhận. Giáo viên không nên phê phán các câu trả lời của học sinh mà nên khen ngợi hay sửa sai, góp ý cho học sinh.
Ngoài ra giáo viên dạy học lịch sử cũng nên mạnh dạn vận dụng có hiệu quả phương pháp dạy học theo dự án.
Đây là phương pháp giúp học sinh phát huy được làm việc nhóm, nâng cao tính hợp tác, tính sáng tạo, hình thành năng lực làm việc có kế hoạch và vận dụng hiệu quả công nghệ thông tin để hoàn thành dự án.
Để hướng dẫn học sinh thực hiện một dự án lịch sử, giáo viên cần chú ý: Dự án tập trung vào những mục tiêu học tập quan trọng gắn với các chuẩn của môn Lịch sử; khung chương trình, hơn nữa đòi hỏi các hình thức đánh giá đa dạng và thường xuyên.
Dự án có tính liên hệ với thực tế địa phương. Người học phải có các sản phẩm để giới thiệu, báo cáo. Kĩ năng hợp tác làm việc theo nhóm trong dự án giữ vai trò quan trọng.
Tiết lộ gây sửng sốt của nhiều học sinh về việc học môn Lịch sử |
Mỗi dự án được thực hiện bởi một học sinh hoặc một nhóm từ 4 đến 6 thành viên. Thời gian thực hiện dự án từ vài tuần đến một tháng để hoàn thành.
Giáo viên định hướng học sinh tham gia các dự án: Tìm hiểu phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi; tìm hiểu di tích cách mạng; các nhân vật lịch sử tiêu biểu ở Quảng Ngãi qua các thời kỳ; tìm hiểu cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, dự án thơ ca cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ ở Quảng Ngãi; dự án các lễ hội truyền thống.
Có thể nói việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giáo dục trung học phổ thông đối với môn Lịch sử trên thực tế đã diễn ra được nhiều năm, giáo viên có sự kế thừa và phát huy tối đa những ưu điểm và khả năng có sẵn của các phương pháp dạy học truyền thống như kể chuyện, thuyết trình, giải thích, trực quan để tăng hiệu quả giảng dạy Lịch sử.
Việc sử dụng và phối hợp một cách khoa học, linh hoạt, sáng tạo, phối hợp hợp lý các phương pháp dạy học tích cực khác nhau sẽ phát huy tính tích cực, sự hợp tác của học sinh, rèn các kỹ năng logic, phản biện, phê phán, sáng tạo cho học sinh.
Tuy nhiên nhiều giáo viên vẫn còn khó khăn trong việc vận dụng hiệu quả từ việc nắm kỹ lí luận phương pháp dạy học cho đến điều kiện thực tế đến năng lực của từng giáo viên, từ sự ít mạnh dạn sử dụng thường xuyên cũng là trở lực lớn cản trở giảng dạy lịch sử đạt hiệu quả cao.
Để thực hiện tốt các phương pháp dạy học tích cực thì giáo viên các môn học nói chung, môn Lịch sử nói riêng, trước tiên phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, biết sử dụng thành thạo, hiệu quả các thiết bị dạy học và ứng dụng tốt công nghệ thông tin.
Giáo viên phải có kế hoạch giảng dạy khoa học, nghiên cứu kỹ tài liệu phục vụ cho tiết dạy, chuẩn bị chu đáo cho những tiết lên lớp, biết giao trước một số nhiệm vụ để học sinh về nhà nghiên cứu, tìm tòi để tiết sau dạy học được tốt hơn.
Cần phát huy các nhân tố tích cực, biết rút kinh nghiệm sau mỗi giờ dạy và trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.
Hơn nữa, giáo viên khắc phục các khó khăn, không ngừng rèn giũa chuyên môn, vận dụng thành thục, hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực.