Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh thành, nhiều lãnh đạo địa phương đã nếu kiến nghị xung quanh việc tạm dừng thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).
Điển hình là Chủ tịch Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Kiên Giang.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng cho biết, thực hiện theo quyết định của Bộ Tài chính về việc tạm dừng thanh toán cho các dự án BT, do đó Hải Phòng sẽ bị phạt do không được thanh toán. Mức phạt theo hợp đồng là lãi suất 7,8%/năm.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP |
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, nhiều dự án của thành phố cũng chậm lại sau chủ trương tạm dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được ban hành.
Cùng chung kiến nghị về gỡ vướng đầu tư BT, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải nói tỉnh này có nhiều dự án BT gặp khó trong thời gian qua.
Trong đó, có 1 dự án BT đã làm xong 4 tháng, trị giá trên 1.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa giao được đất cho nhà đầu tư, thật sự rất khó khăn.
Để giải quyết những khó khăn trong thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng thông qua hợp đồng BT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về sử dụng tài sản công trong thanh toán cho các dự án BT.
Kiên Giang cũng có dự án đang chuẩn bị triển khai nhưng có công văn của Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng nên đến nay chưa thể tiếp tục.
Trước các kiến nghị liên quan đến thanh toán cho các dự án BT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có hồi đáp.
Bộ trưởng cho biết, về Luật Quản lý Tài sản công, ngay năm 2017, Bộ Tài chính đã tích cực nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị định giờ còn 2 Nghị định nữa là Nghị định về ô tô công và Nghị định về BT.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP |
Nghị định về ô tô công thì đang chờ Thủ tướng phê duyệt.
Về Nghị định BT, ngày 6/10/2017, chúng tôi đã trình Chính phủ và thực hiện yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã 5 lần có văn bản báo cáo giải trình tiếp thu.
Đồng thời trong thời gian này, thực hiện ý hiện ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn tạm dừng thanh toán dự án BT.
"Đây là vấn rất nhạy cảm, rất phức tạp, rất dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực. Thực tế, thời gian vừa qua chúng ta đang phải xử lý một loạt các trường hợp này", ông Dũng nêu.
Trên cơ sở giải trình của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần lấy ý kiến thành viên Chính phủ.
"Việc ban hành Nghị định này rất phức tạp. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có 3 cuộc họp để nghe báo cáo và chỉ đạo hoàn chỉnh Nghị định này. Đồng chí Thủ tướng chủ trì cuộc họp ngày 29/8 thường trực Chính phủ để chỉ đạo nội dung hoàn thiện nội dung này.
Và phiên họp tháng 9, Chính phủ đã có nghị quyết về vấn đề này. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện hết dự thảo Nghị định theo chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng cũng như là nghị quyết về hướng dẫn cách chuyển tiếp trong thời gian khoảng trống pháp lý. Trong tháng 1, Thủ tướng sẽ ký Nghị định này", Bộ trưởng Tài chính khẳng định.
Về vấn đề đầu tư theo hình thức BT mà nhiều địa phương nêu, Thủ tướng cho biết sẽ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và Nghị quyết sắp ban hành sẽ làm cơ sở để giải quyết ách tắc trong vấn đề này.
Thủ tướng khẳng định sẽ ký Nghị quyết Chính phủ về đầu tư BT để khơi thông vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng vào ngày 29/12.
Thủ tướng cũng khẳng định nếu phát hiện vi phạm trong các dự án BT sẽ xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật