LTS: Trước những ý kiến về việc giữ hay bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhà giáo Phan Tuyết đã có bài viết đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày 28/12 đã có cuộc tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia giáo dục về việc giữ hay bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nên giữ hay bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Có đề xuất chỉ cấp giấy chứng nhận cho học sinh hoàn thành bậc học trung học phổ thông mà không cần tham gia kỳ thi trung học phổ thông.
Lại có những ý kiến bảo vệ quan điểm cần thi tốt nghiệp trung học phổ thông với lý do cần chuẩn kiến thức, nếu bỏ thi học sinh sẽ không chịu học.
Hai luồng ý kiến đều đưa ra những lý giải của mình khá hợp lý. Với góc nhìn của những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, chúng tôi cũng xin được góp vài lời để bạn đọc tham khảo.
Bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là phù hợp vì đằng nào học sinh cũng thi đỗ gần 100%
Nhiều năm trước đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến bỏ thi tốt nghiệp lớp 5 cho học sinh tiểu học.
Vài năm sau, bỏ thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 9 bậc học trung học cơ sở cũng nhận được khá nhiều ý kiến phản đối của không ít bạn đọc và chuyên gia giáo dục trên khắp cả nước.
Lý do được đưa ra nhiều nhất vẫn là “bỏ thi sợ học sinh sẽ không học”.
Phản đối vì lý do như thế nhưng họ quên mất một điều những học sinh đã không học thì có tổ chức thi hay không những em này cũng vẫn không học.
Trong khi tổ chức thi tốt nghiệp dù ở bậc học nào, ngân sách nhà nước cũng phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ.
Vậy mà tổ chức một kì thi hành tráng, tốn kém tiền tỉ cũng chỉ loại được vài ba em trong một trường, liệu có đáng không?
Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông cấp quốc gia cũng không ngoại lệ. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp ở các trường gần như 100%, nơi thấp nhất cũng đạt ít nhất 95% trở lên.
Người ta e ngại không tổ chức thi nhiều học sinh sẽ không nỗ lực trong học tập. Nhưng tổ chức thi, ai dám chắc rằng học sinh sẽ nỗ lực hơn?
Trong thực thế giảng dạy cho thấy dù không tổ chức thi tốt nghiệp (lớp 5, lớp 9) hay tổ chức thi tốt nghiệp lớp 12 thì giáo viên và chính nhà trường luôn ra tay “nâng đỡ” học sinh để có đủ điều kiện tốt nghiệp. Bằng chứng là có không ít học sinh vừa học yếu, ý thức học tập kém.
Thế nhưng, giáo viên chẳng những không dám thẳng tay đánh giá mà còn tìm cách ưu ái về điểm số giúp những học sinh này có lợi thế không lo rớt tốt nghiệp.
Bạn sẽ nghĩ gì khi điểm thi trung học phổ thông của một số em chỉ đạt 2, 3 điểm nhưng điểm tổng kết năm học lớp 12 lại đạt tới 7 hoặc 8 điểm?
Chỉ nên xem tốt nghiệp lớp 12 là điều kiện cần và đủ
Có ý kiến cho rằng, học sinh học xong chương trình 12 hiệu trưởng có quyền ra quyết định công nhận tốt nghiệp sau khi đã xem xét một quá trình học tập.
Việc đánh giá học sinh phải dựa vào cả một quá trình rèn luyện phấn đấu. Sao có thể chỉ dựa vào việc dự thi vài ba môn để được công nhận?
Đã đến lúc xem tốt nghiệp lớp 12 là điều kiện cần và đủ của một học sinh.
Có tấm chứng chỉ công nhận đã hoàn thành chương trình lớp 12 thì em nào có đủ năng lực sẽ dự thi đại học và học lên cao. Ai không đủ năng lực sẽ dừng lại và đi học nghề.
Có thế ngân sách nhà nước khỏi phải bỏ ra một số tiền không nhỏ chỉ để loại ra vài ba phần trăm học sinh ít ỏi quả là quá lãng phí.