Cô Thêu, cô Hương, cô Hòe là 3 cô giáo cắm chốt ở điểm trường Sủng Tùa này nhiều năm. Mỗi cô một quê, mỗi cô một hoàn cảnh, nhưng "mái nhà chung” của các cô chính là điểm trường Sủng Tùa này.
Khi chúng tôi đến điểm trường Sủng Tùa, cô giáo Hòe đã đi xuống thôn có việc, thật tiếc không thể trò chuyện với cả 3 cô giáo.
Ngồi với cô Hoàng Thị Thêu, (quê Phú Thọ) giáo viên tiểu học tại điểm trường Sủng Tùa mới thấu hết những vất vả của 3 cô giáo tại nơi này.
Trong căn phòng chưa đến 20 mét vuông, ngoài sự ngăn nắp vốn có của những người phụ nữ là ma trận lằng ngoằng của dây điện, chiếc ti vi cũ phủ bụi, đây có thể coi là phương tiện duy nhất của các cô giáo giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Lớp học của cô giáo Thêu ở điểm trường Sủng Tùa. |
Hiện nay, trong Sủng Tùa đã có sóng điện thoại nhưng vẫn chưa có sóng 3G, việc tiếp xúc với internet của các cô rất hạn chế.
Hỏi về chiếc tivi, các cô chỉ cười bởi nhiều lúc nó cũng tậm tịt, người quay người hô, hôm nào may thì bắt được sóng.
Có sóng rồi chị em lại rôm rả “tâm sự” cùng chiếc ti vi khi mỗi lần có bộ phim yêu thích.
Những cô giáo phải bám trụ ở điểm trường này cũng đã đi qua những thời thanh xuân tươi trẻ với nhiều hoài bão.
Một trong những hoài bão mà Thêu xác định ngay từ đầu chính là trở thành cô giáo vùng cao. Cô Thêu tâm sự, ở lâu rồi cũng thấy quen, bây giờ cuộc sống cũng khá hơn nhiều rồi nên, đời sống giáo viên cũng tốt hơn.
Thêu khẳng định mình chưa bao giờ khóc, chưa bao giờ khóc vì lựa chọn trở thành cô giáo của những miền đá xa xăm trên đất Đồng Văn. Bởi theo cô, “khóc cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì vì đây là lựa chọn của mình”.
“Khi em biết mình sẽ về Sủng Trái, nghe nói trong này rất thiếu nước, điện thì chỉ ở trường chính mới có, nhưng em vẫn quyết tâm theo nghề của mình, nghề đã đưa mình đến đây thì mình cũng cố gắng phù hợp với hoàn cảnh mà vươn lên thôi”, cô Thêu tâm sự.
Tuy khẳng định với chúng tôi một cách cứng khỏi như vậy, nhưng sâu thẳm trong ánh mắt cô giáo là một điều gì đó xa xăm khi nhắc đến gia đình.
Sân chơi tại điểm trường được làm bởi chính đôi bàn tay các cô giáo. |
Thêu cũng như rất nhiều thầy cô giáo vùng cao khác khi chồng một nơi, vợ một nơi, để thăm được gia đình các cô phải mất cả tháng.
Mỗi khi liên lạc với gia đình trong điểm chỉ biết gọi điện, còn hôm nào ra trường họp, các cô phải tranh thủ có sóng 3G gọi về cho các con.
Cô giáo Thêu có 9 năm đi hết các điểm trường của Sủng Trái, rồi về Sủng Tùa được 3 năm. Nhiều học sinh của cô đã nên vợ nên chồng và sắp tới, có lẽ con cái chúng sẽ lại trở thành học trò của cô giáo mà cha, mẹ chúng từng học.
“Năm ngoái em vào điểm này có em học lớp 2 đã nghỉ học đi lấy vợ rồi đấy, nhiều em còn có con lớn rồi. Các em ở đây đi học theo nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều em lớn rồi nhưng đúp lại”. Cô giáo Thêu kể về kỷ niệm khiến chúng tôi giật mình.
Những năm trước, khi cô vào đến Sủng Tùa, sóng điện thoại kém đến mức phải kiếm đúng viên đá, mở loa ngoài để ngồi nói chuyện với gia đình, chỉ cần di chuyển thôi là sóng tậm tịt, thậm chí là mất hẳn luôn.
Công việc của các cô giáo ở điểm Sủng Tùa này không chỉ có mỗi việc đứng lớp hết giờ rồi nghỉ mà các cô còn đóng nhiều vai trò khác nhau đối với lũ trẻ.
“Nhiều khi bố mẹ chúng không hiểu tính nết từng đứa bằng các em đâu”, Thêu chia sẻ.
Các em học sinh ở điểm trường đi học cả ngày ăn cơm trưa tại trường nên các cô cũng đóng vai trò luôn người nấu cơm.
Ngoài ra trẻ đi học xa, miền đá mùa này lạnh nên các cô cũng chuẩn bị sẵn cho vai trò làm y sĩ. Trong túi các cô luôn có những thứ thuốc cần thiết cho những bệnh thông thường.
“Em vẫn nói với phụ huynh rằng nếu ốm nhẹ thì vẫn cứ đến, đến các cô khắc cho uống thuốc. Còn nếu ốm quá thì sẽ có y tế của trường vào chăm sóc các em”, cô Thêu nói về học sinh của mình.
“Ngoài ra bọn em còn có cả bông băng để chuẩn bị cho cả cô cả trò đấy ạ”, cô Thêu cười.
Ở điểm Sủng Tùa này trời mưa, đi bộ còn nhanh hơn đi xe, các cô ngã khi lên lớp chẳng phải là chuyện hiếm.
Không chỉ vất vả chuyện học sinh, việc đi chợ của các cô cũng là một chặng đường dài khi phải sang đến tận huyện Yên Minh cách 25 km đường núi mới có chợ.
Những cung đường các cô đã vượt qua có quá nhiều gian nan. |
Mỗi tuần, chị em lại đưa nhau xuống chợ mua rau, nhu yếu phẩm, 2 người đi còn một người ở lại trông trường.
Ở Sủng Tùa nhấp nhô đá, việc có đất mà xây dựng được trường là chuyện cực hiếm chứ chưa nói đến có sân chơi cho các em.
Ấy vậy mà, 3 cô giáo bằng ngày công lao động của mình cũng san san, lấp lấp kiên trì các cô cũng có được cho nhóm học trò một sân chơi nho nhỏ.
“Điện ở đây bọn em cũng làm đấy (cười)”, cô Thêu chỉ vào mạng điện lằng nhằng trên tường, “bọn em chỉ cần nó sáng và không bị chập cháy là tốt rồi”.
Kể về kỷ niệm làm “thợ điện” điện của mình, cô Thêu còn kể việc mình chữa chập điện bằng… nước, hôm sau đi rút nó còn bị giật cho… các cô vừa kể vừa cười.
Đến nay, trên tường này đã có ổ điện mới. “Cái này rút kinh nghiệm về em thay ổ mới”.
Không chỉ sửa điện, các cô còn trèo cả lên mái nhà để vá mái tránh cho học sinh bị dột…
Những câu chuyện xa xăm từ những điểm trường cứ gợi về cho các cô, những ngày lên núi tìm cây trang trí cho điểm trường ngã xước hết cả cây, những buổi tự sửa chỗ ở… cứ thế ùa về.
Trải qua những ngày gian khó ấy các cô đã trở thành quen và bây giờ đã thành những kỷ niệm đầy hài hước ủa về.
Thật khó có thể tưởng tượng hết những gì các cô đã trải qua trên miền đất đầy cằn cỗi này nhưng hơn tất cả vùng đất này đang thay đổi bởi những người thầy, người cô như thế.
Những thầy cô giáo trên những điểm trường xa xôi trên miền đá khát có lẽ cũng sẽ có lúc cảm thấy mệt mỏi không chỉ vì áp lực công việc mà còn vì nỗi nhớ gia đình, nhớ người thân.
Cành đào trước cửa điểm trường Sủng Tùa năm nào cũng nở. Hoa vẫn nở trên miền đất khát nhờ những người thầy, người cô như cô Hương, cô Thêu, cô Hòe. |
Nhưng khi tâm sự với chúng tôi, được kể lại về những kỷ niệm, nhìn lại cố gắng của bản thân đạt được kết quả, thấy nụ cười của học sinh, trong ánh mắt họ vẫn ánh lên niềm hạnh phúc.
Những thế hệ thầy cô giáo vùng cao hôm nay và cả những thế hệ trước đó đang góp cả cuộc đời của mình cho một tương lai tươi sáng hơn của vùng cao.
Trước điểm trường Sủng Tùa, cây đào mọc trên đá cũng đã bắt đầu hé nụ, nhìn những cô gắng của các thầy các cô, hoa đã nở trên miền đá khát Sủng Trái.
Tương lai rồi sẽ tốt đẹp hơn sẽ đến với những đứa trẻ sinh ra từ núi và chúng sẽ tiếp bước các thầy cô giáo của chúng làm đổi thay miền đất cằn cỗi này thành miền đất của sự sống sinh sôi.