Kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục đối diện với những thách thức rất lớn

02/01/2019 06:09
Vũ Phương
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 cùng những động lực tăng trưởng mới sẽ là lực đẩy cho kinh tế năm 2019.

Năm 2018 đã khép lại với những chỉ số kinh tế rất ấn tượng, khẳng định một năm thành công của kinh tế Việt Nam.

Nổi bật hơn cả là tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu kế hoạch (mục tiêu là 6,7% nhưng tăng trưởng lên tới 7,08%%), đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.

Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung;

Kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục đối diện với những thách thức rất lớn ảnh 1Kinh tế Việt Nam 2018 có nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6% và khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.

Có thể nói thành công của kinh tế Việt Nam năm 2018 là nỗ lực tuyệt vời của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trong việc thúc giục các bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh (giấy phép con), đối thoại thẳng thắn với cộng đồng doanh nghiệp, tả xung hữu đột đi các tỉnh, thăm nhà máy, công trường.

Nỗ lực của Thủ tướng và tập thể Chính phủ đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và hưởng ứng tích cực.

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Không thể phủ nhận thành công đó ghi nhận sự nỗ lực, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Năm 2018 còn đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sau 7 năm với 40 vòng đàm phán.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Hiệp định là cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là cầu nối quan trọng đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam tập trung đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 sẽ tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019. ảnh: VP.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 sẽ tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019. ảnh: VP.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá cao những thành tựu, chỉ số kinh tế ấn tượng năm 2018 Việt Nam đã đạt được.

Thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 cùng với những động lực tăng trưởng mới sẽ tiếp tục là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế năm 2019.

Đồng thời, ông Lê Đăng Doanh thẳng thắn chỉ ra: “Bên cạnh những thành tựu mà kinh tế Việt Nam đạt được, vẫn còn nhiều cái chưa được. Năm qua, chúng ta tạo thêm được bao nhiêu việc làm mới, con số đó so với số thanh niên đang phải kiếm việc làm như thế nào?

Thực tế, người dân vẫn phải đi lao động nước ngoài. Như vụ việc gần đây hơn trăm người Việt đi sang Đài Loan du lịch, nhưng bỏ trốn để kiếm việc làm.

Như vậy có thể nói, chúng ta chưa tạo đủ được công ăn việc làm, còn nhiều việc chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Sự việc đó khiến chúng ta rất lấy làm tiếc. Đó là trách nhiệm của chúng ta, nếu họ có đầy đủ việc làm, họ có thu nhập tương xứng thì họ đã không phải bỏ ra số tiền lớn để đi du lịch rồi bỏ trốn”.  

Kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục đối diện với những thách thức rất lớn ảnh 3Vẫn còn băn khoăn khi tăng phí môi trường với xăng dầu

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: “Năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt rất nhiều thách thức. Môi trường kinh tế quốc tế không ổn định, cụ thể như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không biết đi đến đâu. Chắc chắn việc này làm ảnh hưởng đến môi trường thương mại quốc tế.

Nhiều tổ chức quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng vì tình hình môi trường kinh tế quốc tế thiếu ổn định.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là nước phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài cũng sẽ bị tác động, ảnh hưởng.

Môi trường kinh doanh kinh doanh quốc tế tới đây Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được những chỉ tiêu đặt ra. Điều này không phải đơn giản trong bối cảnh môi trường kinh doanh quốc tế đang diễn biến phức tạp”.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: “Chúng ta không nên nghĩ rằng năm 2018 đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng thì năm 2019 nhất định phải tăng trưởng hơn nữa, điều này không dễ dàng.

Môi trường kinh doanh năm 2019 sẽ rất khó, thương mại quốc tế cũng rất khó. Việt Nam phải có nỗ lực rất nhiều nếu muốn nâng cao vị thế Việt Nam trong việc thu hút được đầu tư nước ngoài, xuất khẩu trong bối cảnh quốc tế như hiện nay và còn có thể phức tạp hơn trong thời gian tới”.

Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2019 kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển tiếp. Ảnh: VOV.
Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2019 kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển tiếp. Ảnh: VOV. 

Đánh giá về những chỉ số kinh tế ấn tượng năm 2018, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tin tưởng lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển và là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế Việt Năm năm 2019.

“Lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua có bước phát triển ngoạn mục. Nông nghiệp của chúng ta hiện nay chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Để phát triển lĩnh vực nông nghiệp hơn nữa cần phải có những bước đột phá, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, sản xuất theo phương thức mới… để đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính, chúng ta sẽ thành công.

Nông nghiệp Việt Nam vào được các thị trường khó tính trên thế giới sẽ còn phát triển hơn nữa”, ông Doanh nhận định.

Đáng chú ý, bên cạnh những chỉ số ấn tượng, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đề cập đến vấn đề nợ công, bội chi ngân sách, sự lãng phí, bộ máy vẫn còn cồng kềnh.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích: “Tình hình ngân sách của Việt Nam vẫn là một vấn đề đáng lo. Bội chi ngân sách còn cao, chi tiêu bộ máy nhà nước vẫn còn lãng phí.

Để hạn chế những tồn tại trên, năm 2019 phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt bộ máy của nhà nước. Bên cạnh đó là cải cách ngân sách như cắt giảm những chi tiêu lãng phí. Việc nữa là giảm bộ máy cồng kềnh để chi tiêu đảm bảo cân đối được ngân sách”.

Vũ Phương