Tự hào được dạy học trên đảo Trường Sa
Thầy Bành Hữu Tình (sinh năm 1983, quê quán tỉnh Phú Yên) có thâm niên hơn 1 năm dạy học trên đảo Trường Sa. Đối với thầy Tình, được dạy học trên đảo là vinh dự lớn nhất trong quãng đời làm giáo viên.
Thầy Tình nói với giọng tự hào, không chỉ riêng bản thân tôi mà tất cả mọi người con nước Việt đều mơ ước được một lần đến với các đảo Trường Sa, được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong một lớp học trên đảo Trường Sa. (Ảnh: H.T) |
Những ngày ở huyện Cam Lâm, thầy Tình hay tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tuyển dụng giáo viên công tác tại đảo Trường Sa nên quyết định nộp đơn mà không một chút do dự.
Phải qua nhiều vòng xét tuyển và vượt qua hàng trăm bộ hồ sơ “cạnh tranh” về năng lực khác, thầy Tình nhận được thông báo trúng tuyển.
Thầy Bành Hữu Tình cầm giấy báo trúng tuyển trên tay mà cảm giác như nghẹn lại. Ước mơ từ thời tuổi trẻ của thầy đã bắt đầu trở thành sự thật.
Thầy Bành Hữu Tình cùng thiếu nhi trên đảo Trường Sa. (Ảnh: H.T) |
Thầy mang giấy báo về đưa cho gia đình xem mà không thể cất thành lời. Cả dòng họ, người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đều tự hào về điều thầy đã đạt được.
Những giọt nước mắt từ khóe mi của người thầy lăn dài trên gò má do không thể kìm được sự xúc động dâng trào. Bước ngoặc mới đang mở ra với một người thầy ngày đêm luôn khát khao đến với đảo.
Thầy Tình vốn dĩ là con trai út trong gia đình nên lẽ thường tình phải gắn bó nhiều với gia đình. Thầy không lựa chọn cho bản thân sự bảo bọc của người thân mà quyết tâm rẽ hướng sang niềm hoài bão ấp ủ từ nhỏ.
Những luống rau xanh hiếm hoi trên đảo. (Ảnh: H.T) |
Đến tận bây giờ, thầy Tình vẫn thầm cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt là người thân, anh chị em gần xa và đồng nghiệp cũng như bạn bè. Thầy Tình nói: “Nhờ mọi người nên đã giúp tôi biến ước mơ thành sự thật”.
“Nỗi đau của ngày chia ly không có là gì so với niềm vui của ngày hội ngộ”
Vậy là, thầy Tình được phân công dạy cho các em học sinh trên đảo Trường Sa Lớn. Những ngày đầu đặt chân lên đảo, không chỉ riêng bản thân thầy Tình mà tất cả các đồng chí là công chức ủy ban và các hộ dân được chọn ra sinh sống lần đầu đến với đảo đều chung một cảm nhận.
“Đó là, bỡ ngỡ về mọi thứ mặc dù đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi ra công tác trên đảo”, thầy Tình kể.
Sức sống trên đảo Trường Sa. (Ảnh: H.T) |
Cuộc sống trên đảo Trường Sa vẫn còn đó những khó khăn nhất định, như: Không đủ điện sinh hoạt, thực phẩm tươi sống, nhu cầu về vui chơi, không như đất liền…
Nhưng, được sự quan tâm của Đảng ủy, Chỉ huy đảo và các cấp đã kịp thời động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thầy Tình được yên tâm công tác.
Ngày Nhà giáo Việt Nam trên đảo Trường Sa |
Thầy Tình chia sẻ: “Đặc biệt là những tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên đảo thật nồng ấm, đoàn kết…”
Ngày đầu tiên nhớ nhà, nhớ những người thân thương da diết. Thầy Tình lại nghĩ đến công việc, nhìn thấy các em thơ đang đọc ê a đánh vần từng chữ.
Tiếng tập đọc, tiếng học bài của các em học sinh như vang vọng khắp đảo, như thiêu đốt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân trong lòng thầy giáo.
Công dân "nhí" trên đảo. (Ảnh: H.T) |
Thầy Tình chợt nghĩ, có một câu nói rất ý nghĩa: “Nỗi đau của ngày chia ly không có là gì so với niềm vui của ngày hội ngộ”.
Thầy Bành Hữu Tình lại tận dụng những ngày còn ở trên đảo và khắc phục khó khăn, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cứ như thế, mỗi ngày trôi qua với thầy Tình thì nỗi nhớ nhà chỉ là “một” còn niềm vui sẽ được “nhân đôi”.
Thầy đã thấy được cuộc sống trên đảo là một chuỗi ngày có ý nghĩa.
(còn tiếp)