Sữa học đường của Đà Nẵng triển khai ra sao?

04/01/2019 06:44
An Nguyên
(GDVN) - Nếu như chương trình sữa học đường tại nhiều địa phương có tiếng tăm không tốt, phát sinh nhiều bất cập thì Đà Nẵng được đánh giá là triển khai khá suôn sẻ.

Theo đó, đơn vị trúng thầu chương trình sữa học đường Đà Nẵng là Công ty cổ phần sữa Vinamilk với trị giá trúng thầu là hơn 61,4 tỷ đồng.

Hơn 42.000 trẻ được uống sữa

Theo sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng kinh phí nói trên thực hiện từ nguồn sự nghiệp giáo dục năm 2018, Công ty sữa hỗ trợ và phụ huynh học sinh đóng góp. Trong đó, nguồn sự nghiệp giáo dục năm 2018 là hơn 20 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: HAN.
Ảnh minh họa: HAN.

Theo tìm hiểu thì đề án sữa học đường giai đoạn 2018-2020 ở Đà Nẵng ban đầu dự kiến triển khai từ tháng 1/2018 nhưng sau đó phải báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố xin lùi tiến độ triển khai.

Lý do được ngành giáo dục đưa ra là phạm vi thực hiện đề án trên địa bàn rộng, số lượng học sinh đông nên việc tính toán phương thức triển khai sữa học đường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đến ngày 17/9/2018 thì bắt đầu triển khai với hơn 42.888 trẻ mẫu giáo được thụ hưởng.

Khát khao ly sữa học đường

Tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng) mới đây, bà Lê Thị Bích Thuận – Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, nếu như chương trình sữa học đường ở một số địa phương còn nhiều tiếng tăm không tốt thì Đà Nẵng vẫn triển khai tốt.

Sở vẫn luôn lưu ý các trường là phải đảm bảo mục tiêu ban đầu là không tăng chi phí cho phụ huynh học sinh mà phải giảm chi phí.

Tiền sữa phải được tính vào chi phí bữa ăn cho trẻ. Còn trường nào thu thêm tiền thì phải có sự thỏa thuận (bằng hợp đồng) với phụ huynh để đảm bảo tính nhân văn của đề án.

Trước đó, vào khoảng đầu tháng 9/2018, có một số thông tin về việc một số trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Thanh Khê cho rằng, họ bị “gợi ý” phải mua sữa theo đề án sữa học đường của một công ty sữa nhất định, gây khó khăn cho nhà trường.

Tuy nhiên, bà Thuận bác bỏ thông tin trên và cho rằng, phản ánh không chính xác vì thời điểm đó chưa triển khai đề án, chưa công bố đơn vị trúng thầu cung cấp sữa…

 Phụ huynh vẫn còn lo lắng

Ngoài những thuận lợi cũng như tính nhân văn của đề án sữa học đường, mới đây, Đà Nẵng cũng đã có báo cáo Bộ Y tế về một số khó khăn trong quá trình triển khai đề án.

Trong đó, có một số phụ huynh chưa tiếp cận với chương trình nên chưa hiểu rõ tính nhân văn, mục tiêu của đề án nên vẫn còn những băn khoăn, lo lắng.

Bộ Y tế yêu cầu Cục An toàn thực phẩm ban hành quy định về sữa học đường

Kho chứa sữa ở một số đơn vị còn chật, hẹp. Nhân viên phụ trách đề án của một số trường chưa nắm rõ các yêu cầu trong việc xác lập hồ sơ, thu chi tài chính.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đề ra một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức cho trẻ uống sữa tại các đơn vị nhằm đảm bảo mục tiêu, tính nhân văn của đề án.

Triển khai đa dạng các loại sữa của Công ty Sữa Việt Nam theo đặc điểm riêng của trẻ và yêu cầu của cha mẹ.

Đồng thời đề nghị các đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến cha mẹ học sinh, giải thích rõ mục tiêu, nhiệm vụ và tính nhân văn của đề án giai đoạn 2018-2020 để phụ huynh được biết.

“Đặc biệt, thực hiện công khai, minh bạch và đúng đối tượng được thụ hưởng, thông báo phần kinh phí phụ huynh đóng góp theo từng đối tượng được thụ hưởng.

Tiếp nhận các ý kiến đóng góp cũng như những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để điều chỉnh kịp thời, phù hợp”, đại diện Văn phòng Ủy ban thành phố cho hay.

An Nguyên