“Làm thế nào để cổng trường luôn mở mà học sinh không bỏ về”

06/01/2019 00:37
Trần Phương
(GDVN) - Nhiều năm trước, Ở Lũng Táo tình trạng học sinh bỏ trốn, vượt tường bỏ thầy, bỏ cô về đi cắt cỏ bò, theo cha mẹ đi Trung Quốc làm thuê còn nhiều. Nay đã khác..

Lũng Táo (huyện Đồng Văn, Hà Giang)  là xã biên giới còn nhiều khó khăn, có nhiều dân tộc sinh sống, thành phần dân cư đa dạng, địa bàn phức tạp, giao thông đi lại ở vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn. Đời sống kinh tế xã hội của đại bộ phận dân cư còn nghèo, mặt bằng dân trí thấp.

Nhiều năm trước, tình trạng học sinh vượt biên theo bố mẹ sang Trung Quốc làm thuê khiến công tác đảm bảo sĩ số tại các lớp học vùng biên gặp rất nhiều khó khăn.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo.
Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo.

Cũng như khó khăn chung của những trường học vùng biên giới, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo cũng cũng nằm trong khó khăn chung khi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, thí nghiệm, thực hành.

Nhiều năm trước, công tác duy trì sĩ số học sinh, vận động học sinh tại Lũng Táo gặp nhiều khó khăn.

“Làm thế nào để cổng trường luôn mở mà học sinh không bỏ về” ảnh 2Một ngày ở trường biên giới Lũng Táo

Công tác phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương còn hạn chế. Tỷ lệ học sinh yếu, kém và chưa hoàn thành chương trình học tập ở lớp 1, 2 vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao.

Trước những mục tiêu, nhiệm vụ mới của công cuộc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là tiến tới thực hiện, áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, sự nghiệp giáo dục đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác giáo dục tại xã vùng biên đặc biệt khó khăn này.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại Lũng Táo có nhiều bước chuyển biến tích cực.

Đặc biệt trong công tác duy trì sĩ số tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo những năm gần đây đã đạt đến trên 95%.

Không còn tình trạng các em học sinh trường dân tộc thiểu số vượt tường, bỏ trường, bỏ lớp bỏ cô thầy về đi cắt cỏ bò, lên nương hay theo cha mẹ đi Trung Quốc làm thuê ít xảy ra.

Bếp ăn bán trú nhà trường cho các em học sinh tại Lũng Táo.
Bếp ăn bán trú nhà trường cho các em học sinh tại Lũng Táo.

Để tìm hiểu những chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục tại Lũng Táo, báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo.

Trước khi nói về những chuyển biến trong công tác giáo dục tại xã vùng biên này, thầy Thuận cho rằng để đạt được thành quả trong giáo dục, trước hết các thầy cô phải làm giáo dục bằng cả tấm lòng.

Thầy Thuận cho biết: “Tôi cũng đã nói với các thầy cô giáo trong trường là phải làm thế nào cổng trường luôn mở nhưng các em không bỏ về đó mới là điều quan trọng.

Tường cao mấy các em cũng sẽ có cách vượt qua nếu chúng không muốn ở trường, không muốn học, không muốn gắn bó với thầy cô.”

Mô hình tự quản trong quản lý học sinh bán trú tại trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Lũng Táo nhiều năm nay đã đi vào quy củ.

Mô hình này vừa giúp các em có điều kiện học tập tốt, phát huy môi trường học tập, rèn luyện cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

“Các đội tự quản trong trường bán trú sẽ giúp các em tự khuyên bảo nhau, phát huy được ý thức tự giác, tự giáo dục. Việc các em nhỏ dễ dàng tâm sự với các anh chị lớn và các em học sinh dễ dàng thấu hiệu theo độ tuổi hơn”, thầy Thuận nói về các đội tự quản trong trường Lũng Táo.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trường Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trường Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo.

Các quy định về thời gian biểu cụ thể như giờ dạy, giờ ăn, giờ học, giờ chơi đều được nhà trường quy định cụ thể. Các em tự nhắc nhở nhau, các anh chị lớn nhắc nhở các em nhỏ, các thầy cô ở Lũng Táo đã xây dựng được mô hình gia đình ngay trong lớp, khu bán trú của các em qua đó phát huy được ý thức tự giác cao.

Bên cạnh đó, tại trường Lũng Táo mỗi lớp có một phiếu báo cơm, báo đủ ba bữa sáng, trưa, tối, căn cứ như vậy để giáo viên xuất thực phẩm cho học sinh.

Qua công tác báo cơm, mọi định lượng về chế độ các em được đảm bảo. Những em nghỉ học có xin phép đều được lãnh chế độ vào cuối tháng khi còn dư.

“Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường cũng là một trong những tiêu chí đặt lên hàng đầu. Nhất là trong tình trạng ngộ độc thực phẩm đã diễn ra ở nhiều nơi không riêng gì Hà Giang nên trường hết sức trú trọng.

Công tác đảm bảo an toàn bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt nhất như cái thớt, cái dao cũng phải sạch sẽ. Nhiều lúc thực phẩm chưa hẳn đã là nguyên nhân gây ra ngộ độc mà lại chính ở những dụng cụ nấu ăn”, thầy Thuận cho biết.

“Nhà trường phải cho phụ huynh, học sinh thấy được tấm lòng  và sự tin tưởng nhà trường mới có thể đảm bảo giữ học sinh tại lớp”, thầy Thuận khẳng định thêm.

Tại trường Lũng Táo, Ban giám hiệu nhà trường đã thực hiện công khai tài chính, triển khai đến từng thôn, bản các vị phụ huynh.

Bảng công khai tài chính tại trường Lũng Táo, các phiếu thu chi đều được nhà trường gửi về từng bản, thôn.
Bảng công khai tài chính tại trường Lũng Táo, các phiếu thu chi đều được nhà trường gửi về từng bản, thôn.

Hiện tại, bếp ăn nhà trường đang duy trì hơn 300 suất ăn bán trú. Mỗi em học sinh được chu cấp 520.000 đồng/tháng. Các em được ăn đầy đủ 3 bữa/ngày

Thực phẩm học sinh không sử dụng hết đều được nhà trường quy ra tiền, gạo không ăn hết học sinh được nhận về vào cuối tháng. Tất cả đều được công khai minh bạch.

Cũng từ công tác công khai, minh bạch về tài chính, các vụ phụ huynh vùng biên giới đã tin tưởng vào nhà trường.

Học sinh tại Lũng Táo hiện nay thích đi học hơn ở nhà. Đi trường có cơm ngon ăn, chăn ấm ngủ và được học những điều hay mới lạ.

Trò chuyện với em Vừ Thị Sú, học sinh lớp 5A, Sú cho biết em thích đi học hơn ở nhà, đến trường, đến lớp có bạn bè được chơi được học. Ngày trước em thích ở nhà nhưng bây giờ em thích đến trường hơn.

Trần Phương