LTS: Để chương trình giáo dục phổ thông mới thành công, cô giáo Phan Tuyết cho rằng cần phải giảm sĩ số mỗi lớp.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo đúng kế hoạch, năm học 2020-2021 ngành giáo dục trong toàn quốc sẽ bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, khối lớp 1 sẽ áp dụng đầu tiên.
Thời gian chương trình mới đi vào thực tiễn chẳng còn bao xa, thế nhưng nhiều khó khăn trong ngành giáo dục (sĩ số học sinh, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên…) vẫn đang là thách thức lớn.
Đặc biệt, sĩ số học sinh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công hay thất bại của một chương trình.
Sĩ số học sinh quyết định gì đến việc thành bại của chương trình mới? (Ảnh: Báo Tiền phong) |
Thách thức về sĩ số học sinh
Nếu tính sĩ số chuẩn thế giới, nhiều nước có nền giáo dục phát triển hiện nay như Mỹ, Singapore sĩ số lớp học chỉ từ 15-25/học sinh/lớp.
Với sĩ số thế này, giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động giáo dục, kiểu vừa dạy vừa chơi thông qua các hoạt động dạy học vô cùng hiệu quả.
Sĩ số chuẩn của giáo dục nước ta được quy định trong điều lệ là 35 học sinh/lớp ở cấp tiểu học, 45 học sinh/lớp ở cấp trung học. Với sĩ số như thế, so với chuẩn của một số nước có nền giáo dục phát triển đã là gấp đôi.
Thế nhưng trong thực tế hiện nay, sĩ số học sinh của chúng ta ở nhiều vùng miền đã cao gấp đôi sĩ số quy định. Nơi ít khoảng 40, 50 học sinh/lớp, nơi nhiều từ 60-70 học sinh/lớp.
Sĩ số cao như thế, giáo viên sẽ dạy học ra sao?
Nhiều thầy cô cho biết “Giữ trật tự đã mất khá nhiều thời gian. Thời gian ít ỏi còn lại, giáo viên chỉ thực hiện công việc thuyết giảng, đọc cho học sinh chép và về nhà yêu cầu các em học thuộc là xong”.
Giáo viên có nhiệt tình đến đâu cũng không còn thời gian hướng dẫn tiếp, hoặc phải qua tiết dạy khác, hoặc phải trả lớp cho đồng nghiệp.
Khá nhiều đồng nghiệp của chúng tôi hiện đang dạy ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh… cho biết, dù ngành giáo dục có triển khai nhiều phương pháp dạy học mới, nhiều mô hình dạy học tích cực thì họ vẫn không thể vận dụng vào tiết dạy của mình thường xuyên (trừ khi có thao giảng dự giờ hoặc tham gia các hội thi dạy giỏi).
Với sĩ số gấp 4 lần thế giới và gấp 2 lần sĩ số quy định của ngành, giáo viên không có cách nào khác hơn ngoài phương pháp dạy học truyền thống từ bao đời nay.
Chương trình giáo dục phổ thông mới mục tiêu đưa ra là tập trung giảng dạy theo hướng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Bởi thế, nếu dạy học vẫn cứ tuân thủ theo kiểu dạy truyền thống từ xưa thì mục tiêu giáo dục mới đã hoàn toàn thất bại.
Khắc phục tình trạng này bằng cách nào?
Chẳng có cách nào khác bằng việc giảm sĩ số học sinh trong một lớp học ít nhất là xuống mức chuẩn 35 học sinh/lớp bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp bậc trung học. Vấn đề đặt ra, sẽ giảm sĩ số bằng cách nào? Trong khi nhiều nơi ở thành phố đất chật người đông?
Ngành giáo dục có thể bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng cho việc viết lại chương trình, thay sách giáo khoa sao không có thể bỏ ra một khoản để đầu tư xây thêm các phòng học? để giảm sĩ số?
Có khá nhiều trường học nằm cạnh nhau hoặc chỉ cách nhau vài cây số nên sáp nhập vào một trường để giảm được khá nhiều các phòng học chức năng, các phòng hội đồng, phòng kế toán, phòng Ban giám hiệu…
Trước mắt cần tận dụng một số phòng chức năng trong nhà trường làm lớp học chung.
Ví như phòng dạy Âm nhạc, phòng dạy Anh văn… đến tiết học, giáo viên đi từng lớp để dạy.
Cấp tiểu học phòng thiết bị là chưa thật sự cần thiết vì giáo viên không đi mượn đồ dùng dạy học từng tiết như các bậc học khác. Ngay từ đầu năm, nhà trường nên giao trực tiếp các thiết bị dạy học cho các lớp để ngay tại phòng học của mình.
Nhà trường cần bố trí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán vào làm chung trong một phòng sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 phòng học cho học sinh.
Điều này cũng tránh được những việc làm khuất tất khi hiệu trưởng dùng chính căn phòng kín đáo của mình làm những việc chưa đúng (điển hình là hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Phú Thọ dâm ô học sinh và hiệu trưởng một trường tiểu học ở Thanh Hóa bị tố với một phó hiệu trưởng).
Ở thành phố đất chật người đông nên trường học xây mới có thể nằm xa trung tâm. Ngành giáo dục cần trang bị hệ thống xe buýt riêng của trường chỉ để đưa đón học sinh.
Có thể áp dụng thời gian học như một số nước (sáng từ 8 giờ đến 4 giờ chiều), xe buýt đón và đưa các em tới trường mà không ảnh hưởng gì đến công việc của cha mẹ.
Từ thực tế giảng dạy chúng tôi khẳng định rằng, nếu không giảm sĩ số học sinh từng lớp như hiện nay dù chương trình mới có hoàn hảo cỡ nào thì mục tiêu giáo dục dạy học phát triển năng lực của học sinh cũng khó mà đạt được.