Trường Trung học Phổ thông Quang Trung là lá cờ đầu trong công tác dạy và học của huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Mặc dù ngôi trường nằm cách xa trung tâm, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn thế nhưng ấn tượng đầu tiên mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ đó là các em học sinh rất ngoan và nghe lời.
Hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0" do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ những câu chuyện về cách mạng 4.0 với các học sinh Trường Trung học Phổ thông Quang Trung (Ảnh: Vũ Ninh) |
Gần 3 tiếng đồng hồ của buổi hội thảo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã cung cấp nhiều thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới và dành cho các em học sinh nhiều lời khuyên quý báu.
Dù đã 81 tuổi nhưng trong giọng nói của Giáo sư vẫn tràn đầy sự nhiệt huyết. Ở đây không có một khoảng cách nào giữa một vị Giáo sư và các em học sinh: "Tôi xin phép xuống dưới hội trường để đứng gần các em hơn".
Nhà giáo Nguyễn Lân Dũng chắp cánh ước mơ cho cậu học sinh kém may mắn |
Đáp lại tâm huyết và tình cảm của thầy, học sinh Trường Trung học Phổ thông Quang Trung cũng chăm chú, trật tự để lắng nghe.
Buổi hội thảo diễn ra trên tinh thần vui vẻ, cởi mở nhưng cũng đầy tư duy và sự chiêm nghiệm.
Một trong những vấn đề mà các em học sinh rất quan tâm đó chính là vấn đề việc làm trong thời đại công nghiệp 4.0.
Em Hà Thị Mỹ học sinh lớp 12 chia sẻ: "Không chỉ riêng em mà rất nhiều các bạn học sinh lớp 12 chuẩn bị thi Đại học đều rất quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp và khởi nghiệp sau này.
Những băn khoăn này đã được thấy giải đáp và em cảm thấy vô cùng thích thú với quan điểm học để trở thành người tự do".
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mang đến cơ hội lại cũng nhiều thách thức: "Cách mạng công nghiệp trước hết mang đến thách thức đó là cơ hội việc làm khi hiện nay nhiều nơi đã sử dụng máy móc và các robot để thay thế con người làm việc.
Các robot được sử dụng vào những công việc nguy hiểm, công việc nhàm chán hoặc nặng nhọc. Có thể nói hiện nay Robot có mặt ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên cuộc cách mạng này cũng mang đến cho các em nhiều cơ hội.
Trước tiên các em sẽ có cơ hội trở thành những công dân toàn cầu. Bên cạnh đó việc học tập cũng như lao động sẽ thuận lợi hơn nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật".
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho các thầy cô (Ảnh: Vũ Ninh) |
Để lấy ví dụ, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã kể rất nhiều câu chuyện về những tấm gương vươn lên trở thành tỷ phú.
Đó là cậu học trò mà thầy rất tự hào Trịnh Xuân Mười hay còn được gọi là Mười Bơ.
Lên 6 tuổi Mười Bơ một mình đi bộ từ quê nhà (Diễn Châu, Nghệ An) vào đến ga Vinh và xin đi xe lửa vào Tây Nguyên. Đến Đắk Lắk Mười Bơ bắt đầu làm việc cho những nương rẫy trồng cafe.
Nhờ sự cố gắng cũng như sáng kiến ghép ngọn bơ Úc vào cây bơ Việt Nam, Mười Bơ đã trở thành tỷ phú bơ.
Khởi nghiệp trong thời đại 4.0 đâu chỉ riêng con đường đại học! |
Không chỉ có vậy một sáng kiến nữa của chàng trai trẻ này còn góp phần thay đổi cả bộ mặt Tây Nguyên đó chính là việc trồng xen canh cây cà phê và cây bơ.
Câu chuyện về tỷ phú Mười Bơ được học sinh kể vanh vách và ghi nhớ như một bài học về ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu, khát vọng làm giàu, thay đổi quê hương.
Xoay quanh buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn hào hứng kể "chuyện đông, chuyện tây" về những thay đổi nhanh chóng của thế giới trong thời đại này.
Đó là câu chuyện về những robot có khả năng nói chuyện, hát, làm việc nhà hay công nghệ in 3D có thể "in" một tòa nhà 6 tầng, công nghệ nano, xe tự hành...
"Những câu chuyện của thầy mở ra cho em một tầm mắt lớn hơn để thấy rằng mình sống cần phải có hoài bão và ước mơ"- em Trịnh Thị Kiều học sinh lớp 11 cho biết.
Một trong những vấn đề mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng rất quan trọng đó chính là việc học ngoại ngữ.
Thầy cũng có phần chia sẻ cách học ngoại ngữ và khẳng định: Học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung là rất quan trọng.
"Tôi đã đi 30 nước và tôi thấy tiếng Anh quan trọng vô cùng. Lời khuyên của tôi dành cho các em là phải học tiếng Anh.
Vậy cách học tiếng Anh như nào cho hiệu quả?
Đầu tiên học từ tối thiểu. Các em cố gắng học 1000 từ. Tại Mỹ người ta gắn một cái chip đeo một cái máy cho trẻ mẫu giáo và sau khi thống kê người ta thấy rằng trẻ em chỉ nói trong giới hạn 1000 từ. Với 1000 từ như vậy các em có thể nói đủ chuyện.
Thứ hai là học theo mẫu câu, tôi đã đến trường, tôi đến trường, tôi sẽ đến trường. Tập trung vào 3 thì đó là hiện tại, quá khứ và tương lai. Đó là cách học tiếng Anh để nói".
Phần giao lưu và tặng sách của Giáo sư và các em học sinh trong trường (Ảnh: Vũ Ninh) |
Ngoài nền tảng về tri thức, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn dành nhiều lời khuyên, bài học về các đối nhân xử thế đến với các em học sinh.
Một trong những quan điểm mà các học sinh vô cùng tâm đắc đó chính là học để tự do, học để trở thành người hạnh phúc, người tử tế.
Những kiến thức này không chỉ có ý nghĩa đối với các em học sinh mà nhiều thầy cô cũng cảm thấy tâm đắc, gật gù.
Thầy Phạm Văn Hy, hiệu trưởng nhà trường tâm sự: "Đối với một trường khu vực như chúng tôi thì việc đón tiếp Giáo sư về thăm trường là một sự kiện trọng đại.
Những điều thầy chia sẻ không chỉ có ích cho các em học sinh mà ngay cả những giáo viên như chúng tôi cũng học được nhiều điều đặc biệt là về mục đích của việc học cũng như hướng nghiệp cho các em học sinh".
Kết thúc chương trình, Giáo sư dành 3 lời khuyên quý báu cho các em học sinh: "Để trở thành một công dân ưu tú trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 các em cần phải có cái đầu tiên đó là sức khỏe. Thứ hai là vốn ngoại ngữ và thứ ba là công nghệ thông tin".