Năm 2018, ngành Bảo hiểm xã hội hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ

15/01/2019 11:29
Vũ Phương
(GDVN) - Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính trong năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội trong cả nước đã đạt trên 14,7 triệu người.

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Chiều 14/01/2019, tại Hà Nội, bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 01/2019. Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị.

Theo ông Đào Việt Ánh, nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân được đặt ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ ngành, cơ quan đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành bảo hiểm xã hội, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm 2018 của Ngành bảo hiểm xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vui mừng cho biết, năm 2018 ngành Bảo hiểm xã hội hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Ảnh: BHXHVN.
Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vui mừng cho biết, năm 2018 ngành Bảo hiểm xã hội hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Ảnh: BHXHVN. 

Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, ước tính trong năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội trong cả nước đã đạt trên 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đó, cùng với việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, số thu về quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.

Công tác mở rộng đối tượng tham gia, giảm nợ đọng được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động tới từng đối tượng cụ thể; tiếp tục mở rộng hệ thống Đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình qua hệ thống bưu điện, bảo hiểm PVI...

Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, đối thoại, thảo luận nhóm, tư vấn, phát tờ rơi… về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với người dân, người lao động ngay tại doanh nghiệp hoặc cộng đồng dân cư; chú trọng hội nghị đối thoại trực tiếp với người lao động và Nhân dân; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chủ động phối hợp với ngành Kế hoạch - Đầu tư, Thuế… chia sẻ cơ sở dữ liệu để phân loại, vận động doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phối hợp với Bưu điện và các hội, đoàn thể vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; phối hợp với các ngành: Công an, Thanh tra, Lao động -Thương binh và xã hội, Liên đoàn lao động… thanh tra, kiểm tra, trong đó, tăng cường công tác thanh tra đột xuất và công bố công khai những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận tiện nhất cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, số người tham gia ngày càng tăng. Ảnh: BHXHVN.
Cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận tiện nhất cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, số người tham gia ngày càng tăng. Ảnh: BHXHVN. 

Luôn đảm bảo quyền lợi người tham gia

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật với trên 177 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 122.843 người hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng (trong đó, hưởng lương hưu là 99.290 người); 810.033 người hưởng trợ cấp một lần (trong đó, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần là 695.363 người); 9.750.393 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 768.739 người hưởng chế độ BH thất nghiệp; 37.743 người hưởng hỗ trợ học nghề...

Theo đó, số chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn Ngành ước khoảng 308.228 tỷ đồng. Trong đó, chi bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách là 47.094 tỷ đồng, chi bảo hiểm xã hội từ quỹ bảo hiểm xã hội là 151.794 tỷ đồng; chi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 9.476 tỷ đồng; chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 99.864 tỷ đồng.

Đặc biệt, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã bảo đảm cuộc sống, sức khỏe cho gần 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (trong đó có 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt, gần 500 nghìn người nhận qua tài khoản cá nhân). Những con số này cho thấy, các vấn đề của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang ngày càng trở nên thiết thực với mỗi người, mỗi nhà.

Cùng với đó, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người tham gia: Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực từ năm 2016, tuy nhiên, một số nội dung được thực hiện từ năm 2018.

Đó là các quy định về thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc với lao động hợp đồng từ 01-03 tháng, hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với các mức theo quy định: 30% mức đóng (theo chuẩn nghèo đa chiều) với nhóm thuộc hộ gia đình nghèo; 20% mức đóng với nhóm thuộc hộ cận nghèo; 10% mức đóng với nhóm khác.

Vũ Phương