Câu chuyện thưởng Tết của giáo viên vẫn đang nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo.
Vì chuyện này, mà có người vui mừng vì tết này no ấm. Không ít người buồn lòng vì đến vài trăm ngàn mua bánh mứt hay manh áo mới cho con cũng không có được.
Nỗi buồn này chỉ những người trong nghề mới có sự thấu hiểu được.
Chi tiêu công khai, minh bạch, cuối năm tiền thưởng cho giáo viên không phải là khó (Ảnh minh họa VOV) |
Tết đến trong nhà không có nổi vài chục bạc
Ai ở trong tình cảnh này mới thấu hiểu hết sự tủi nhục, cơ cực của cái nghèo, cái khổ. Cứ mỗi lần nhớ về quãng thời gian ấy, lòng không khỏi xót xa.
Hai vợ chồng chúng tôi đều là nhà giáo sống bằng đồng lương eo hẹp nên cuộc sống vốn vất vả càng trở nên khốn khó hơn khi con đầu lòng ra đời.
Vốn ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp nên mỗi khi xuân về, ngoài việc nhớ nhà đến thắt ruột gan còn là nỗi buồn không thể diễn tả bằng lời vì chúng tôi luôn “viêm màng túi”.
Hơn chục năm xa quê nhưng chẳng thể về thăm nhà vì có gom lương hai vợ chồng một năm (đừng ăn uống, tiêu pha gì) cũng mới đủ một chuyến đi về.
Năm nào cũng thế, khoảng 25 Tết chúng tôi được ngân hàng ưu ái cho nhận luôn hai tháng lương. Thế nhưng tiền vào chưa nóng tay đã đi ra nhanh chóng.
Nào là tiền bảo hiểm y tế, tai nạn (nhà trường thu luôn sợ ra giêng hết tiền giáo viên lại đóng dây dưa).
Trừ tiền nợ nhà trường trong năm (xin vay tạm tiền quỹ khi túng thiếu), trả tiền nợ vay ngoài vì chưa tới tháng mới nhưng lương đã hết…
Thế là 2 tháng lương giờ chỉ còn vỏn vẹn chưa tới trăm ngàn. Với số tiền ấy, biết mua gì? Sắm sửa gì?
Thương giáo viên nghèo, nhà trường cũng cố gắng động viên các thầy cô bằng hộp bánh mứt, chai nước mắm, nửa kí cá khô…
Không thể ăn Tết bằng những thứ ấy. Hai vợ chồng đành tính bài về quê nội (cách trường 20km) để ở mấy ngày Tết. Dự định thế nhưng chẳng dám đi vì chí ít cả năm đi làm, Tết về cũng phải có cái gì làm quà cho ba mẹ.
Nhưng rồi riết các cụ cũng quen “tụi nó giáo viên ăn còn chưa đủ lấy tiền đâu mà quà với cáp?”. Và rồi nhiều năm sau, chúng tôi vẫn thường xuyên về quê nội ăn Tết như thế.
Một số đồng nghiệp của tôi bảo rằng “nghèo nhưng chị vẫn còn sướng có nội mà tá túc. Tụi em xa quê không có tiền về, ở lại cũng chỉ nằm co”.
Cuộc sống ổn hơn nhưng tiền Tết vẫn là xa xỉ
Nhiều năm trở lại đây, cuộc sống của giáo viên cũng dần ổn định hơn. Thế nhưng chuyện lương ăn chưa hết tháng đã phải vay mượn cho qua ngày vẫn là chuyện bình thường.
Tiền Tết vẫn là điều xa xỉ với nhà giáo chúng tôi. Cái cảm giác Tết về được nhận thưởng dăm trăm ngàn cho tới ngon ngót triệu đồng cũng luôn là niềm ước ao.
Buồn nhất là trong một địa bàn, trường có thưởng, trường lại không, sự bất mãn, nghi ngờ vẫn khó lòng giấu được. Những câu chuyện nhỏ to, thì thầm rồi cứ râm ran ở bất cứ nơi nào giáo viên xuất hiện.
Sự mất đoàn kết nội bộ, thiếu cái nhìn thiện cảm với lãnh đạo cũng bắt nguồn từ đây.
Thưởng nhiều thì khó nhưng để thưởng giáo viên từ dăm trăm đến một triệu đồng không ít hiệu trưởng khẳng định chẳng khó gì.
Giáo viên không có chế độ tiền thưởng. Vậy nguồn tiền dùng để thưởng vào dịp Tết hiện nay lấy ở đâu ra?
Đó chính là tiền ngân sách rót về cho nhà trường hoạt động. Chi tiết kiệm, hợp lý thì còn nhiều. Chi thoải mái, chi không đúng mục đích, ngân sách sẽ âm, nói gì đến thưởng?
Có hiệu trưởng nói rằng dù tiết kiệm tối đa nhưng một năm phải tiếp dăm ba đoàn khách là xem như “xôi hỏng bỏng không”. Một bữa ăn, một tiệc nhậu, những chiếc phong bì cám ơn…đã ngốn một khoản tiền không hề nhỏ.
Nhưng "khách" đến nhà chẳng lẽ chỉ nước trà? Sẽ có biết bao chuyện nhiêu khê từ đấy mà ra. Có hiệu trưởng bảo rằng "tặc lưỡi theo kiểu nhịn miệng đãi khách cho yên".
Cũng là giáo viên nhưng nơi thưởng chục triệu nơi chỉ có 0 đồng |
Trường càng tiếp khách nhiều, ngân sách âm càng lớn.
Điều này chẳng thể công khai cho giáo viên biết và cũng chẳng thể liệt kê để thanh toán vào ngân sách. Kế toán, hiệu trưởng lại phải đau đầu.
Muốn có tiền thưởng Tết cũng chẳng khó gì
Không ít hiệu trưởng được tiếng thương giáo viên "thầy cô giảng dạy cả năm vất vả. Ngày Tết không ít thì nhiều cũng nên có dăm bảy trăm ngàn mua cho con bộ đồ mới".
Thế nên, mọi khoản tiền hoa hồng một năm được các đơn vị cung ứng, các dịch vụ cấp lại đều được công khai và sung công quỹ.
Khoản này, với nhiều trường hiệu trưởng tự mặc định “đây là tiền bồi dưỡng riêng cho hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ" nên phần nhiều họ ngấm ngầm chia nhau.
Có hiệu trưởng bật mí “trường lớn hoa hồng một năm phải tính đến con số trăm triệu". Nhiều trường còn có căng-tin, dịch vụ giữ xe. Những khoản tiền thu được đều nhập vào quỹ phúc lợi chi tiêu khá rõ ràng.
Việc xây dựng chi tiêu nội bộ đầu năm cũng ảnh hưởng khá lớn đến tiền chi ngân sách. Ví như có trường quy định mỗi lần đi trực giáo viên sẽ được hỗ trợ 100 ngàn/buổi.
Trường chỉ chi 30 ngàn đồng/người để mua bánh kẹo ăn cho vui. Tiền khoán công tác phí hàng tháng (chỉ yếu cho Ban giám hiệu, kế toán) trường chi mạnh tay, trường lại bó hẹp…
Những ngày lễ trong năm, có trường tổ chức ăn uống linh đình. Trường chỉ có nước lọc bánh ngọt…
Trang thiết bị dạy học, sửa chữa nhỏ trong trường, cái nào tận dụng được vẫn sử dụng triệt để tránh lãng phí.
Huy động giáo viên có tay nghề (điện, nước, cắt dán, biết nghề mộc...) gia cố, sửa chữa khi cần.Tiền bồi dưỡng cho các thầy chưa bằng 1/2 chi phí phải thuê mướn ban đầu.
Nhờ người đứng đầu luôn minh bạch trong tài chính lại biết chi tiêu có kế hoạch. Vậy nên cuối năm dăm bảy trăm ngàn tiền thưởng với giáo viên chẳng phải là chuyện khó.