Để có được sự hài lòng của người dân về ngành Y năm 2018 là quyết tâm lớn của toàn ngành, trong đó có dấu ấn rất lớn của “tư lệnh” ngành Y - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Vì đây là một ngành luôn luôn xảy ra những sự việc “nóng” và người đứng đầu đảm đương vị trí lãnh đạo luôn luôn phải chịu nhiều áp lực. Thậm chí bị chỉ trích từ dư luận nếu không có những giải pháp kịp thời khi xảy ra các sự cố.
Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược: "Không thể để bệnh nhân phải chờ đợi đến 4 giờ đồng hồ để khám bệnh, các bệnh viện cần giảm bớt thủ tục phiền hà, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân...". |
Bộ trưởng đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng, vấn đề bức xúc của lĩnh vực y tế quản lý, nỗ lực quán xuyến, điều hành, tiếp tục thực hiện những giải pháp đặt ra, đạt được nhiều dấu ấn mạnh mẽ.
Gần nhất, sự hài lòng của người dân trước những nỗ lực của ngành Y tế năm 2018 phần nào được ghi nhận trong kết quả lấy phiếu tín nhiệm với kết quả rất ấn tượng của nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2018.
Để có được những đánh giá, sự hài lòng của người dân về ngành Y năm qua là một sự quyết tâm lớn của toàn ngành cũng như sự quyết tâm cao của “tư lệnh” Nguyễn Thị Kim Tiến.
Đảm nhận “tư lệnh”ngành Y từ tháng 8/2011, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng được biết đến là Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong hệ thống Viện Pasteur trên toàn thế giới.
Từ khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã ngay lập tức phải đối mặt với nhiều thách thức, “sóng gió”.
Dẫu vậy, với vai trò là người chèo lái “con thuyền y tế” cùng tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo, sự am hiểu sâu sắc về ngành y, sự sâu sát trong hoạt động quản lý, Bộ trưởng Tiến đã cùng các cán bộ, nhân viên trong ngành vượt qua nhiều thử thách, giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng từ quá khứ để mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân đang chờ khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN) |
Ngay trong nhiệm kỳ đầu giữ vị trí Bộ trưởng Y tế (2011-2016), bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã để lại nhiều dấu ấn như đưa ra đề nghị các bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, thực hiện các giải pháp giảm quá tải tại các bệnh viện lớn, đẩy lùi, ngăn chặn thành công nhiều virus nguy hiểm chết người khiến dịch bệnh tái phát, hoành hành trên toàn thế giới xâm nhập vào nước ta.
Tại nhiệm kỳ này, là nữ Tư lệnh duy nhất trong Chính phủ, Bộ trưởng Kim Tiến bằng nỗ lực, quyết tâm trong đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã giúp ngành Y có nhiều chuyển biến rất tích cực.
Trong năm 2018, cùng với nỗ lực của Chính phủ kiến thao, ngành y tế năm đã có những đổi thay ấn tượng, đặc biệt là trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục phiền hà.
Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung của công tác cải cách hành chính Nhà nước. Tính đến tháng 11/2018, sau khi rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, Bộ Y tế đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.363/1.871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (cắt giảm 72,85%); 169/234 thủ tục hành chính (cắt giảm 72,22%), giúp "cởi trói" cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với việc kết nối 7/23 thủ tục hành chính (1 thủ tục ở lĩnh vực thiết bị y tế và 6 thủ tục ở dược).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi giải trình trước Quốc hội sáng 27/10/2018:“Nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc ở bẩn; trong khoa không có bồn rửa tay thì trưởng khoa ở bẩn; rồi lắp camera ở các khoa khám bệnh để nâng cao thái độ phục vụ”. |
Tiếp đó, tháng 12/2018, Bộ Y tế hoàn thành kết nối 10 thủ tục hành chính; 6 thủ tục hành chính nữa sẽ hoàn thành trong tháng 1 năm 2019.
Kết luận tại buổi làm việc về việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN trong lĩnh vực y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, Bộ Y tế là một trong những cơ quan tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, với việc cắt giảm 72,85% các điều kiện kinh doanh, so với mục tiêu cắt giảm 50% được Chính phủ giao.
Ngoài ra, nhiều bệnh viện đã cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, tiện ích phục vụ tại khu vực khám bệnh như nước uống, wifi miễn phí... Các cán bộ y tế và nhân viên công tác xã hội trong các bệnh viện thực hiện tương đối tốt việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh thông qua kết nối người bệnh với các dịch vụ xã hội trong và ngoài bệnh viện.
Thủ tục y tế nhanh gọn, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn là lý do người dân ghi nhận nỗ lực của cá nhân Bộ trưởng và ngành y tế. (Ảnh: TTXVN) |
Với quyết tâm của tư lệnh ngành, thời gian tới ngành Y tế sẽ triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện tuyến Trung ương, phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước giảm thiểu giấy tờ sổ sách tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải cho tuyến trên.
Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vào tháng 10/2018: "Chúng tôi rất vui mừng vì sự tiến bộ của ngành so với nhiệm kỳ trước. Kết quả tín nhiệm này không phải để đánh giá cá nhân mà là đánh giá cả một ngành và chúng tôi là những người đứng đầu ngành chịu trách nhiệm chính". |
Bộ Y tế cũng tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; tổ chức giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính quyền điện tử.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội, ngoài giải pháp “kiềng 3 chân”, Bộ trưởng Tiến một lần nữa tái khẳng định nỗ lực của ngành Y là bảo vệ sức khỏe người dân tốt nhất, có lợi cho dân, bảo vệ nòi giống trước mắt và lâu dài.
Dù kết quả lấy phiếu tín nhiệm vào cuối tháng 10 vừa qua tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là sự ghi nhận tích cực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, nhưng Bộ trưởng biết ngành Y vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe người dân tốt, uy tín của ngành Y trong nước đã vượt khỏi biên giới đất nước khi ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh.
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), số lượt khám bệnh cho người nước ngoài qua các năm có xu hướng tăng cao. Năm 2014, số lượt khám bệnh cho người nước ngoài là hơn 234.000 người, số lượt điều trị nội trú là hơn 26.000 người, đến năm 2018, các con số này tăng lần lượt lên hơn 300.000 và 57.000 người.
Với những dấu ấn đậm nét trên, dù ngành y tế thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Tuy nhiên, người dân đặt niềm tin vào nữ tư lệnh ngành sẽ chèo lái con thuyền y đức vượt qua sóng gió, tiếp tục đạt được những thành tựu trong công tác khám chữa bệnh, mang lại sức khỏe, bình yên trong nhân dân.
Biểu dương cán bộ, nhân viên ngành Y tế cả nước tại Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2018, ngành Y tế đã đạt kết quả toàn diện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã đánh giá cao, trong sự phát triển toàn diện có sự đóng góp của ngành Y tế. Trong đó, có những bước đi liên tục, kế thừa các kết quả đạt được. Nhiều thành tựu đạt mức bền vững. Ngoài 2 chỉ tiêu số bác sĩ và giường bệnh đều vượt, những nỗ lực của ngành Y tế còn giúp giảm giá thuốc trên 10%/năm. Từ chỗ giá thuốc Việt Nam thuộc hàng cao trong Đông Nam Á thì bây giờ chỉ còn cao hơn Malaysia. Tới đây, ngành Y tế phải kéo giá thuốc thấp nhất khu vực ASEAN. Cùng đó, các chỉ số về hài lòng của người bệnh đã tăng lên. Độ bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng rộng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh về việc đầu tư, phát triển y tế cơ sở, tập trung củng cố y tế tuyến huyện, sao cho y tế cơ sở thật sự trở thành chân rết, là nền, rễ của hệ thống y tế cả nước. Một nội dung quan trọng khác là tự chủ bệnh viện. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện tự chủ không phải buông ra để chạy theo lợi ích kinh doanh. Y tế công cộng là y tế phi lợi nhuận. Tay nghề bác sĩ ở các bệnh viện lớn, tuyến Trung ương không thua bác sĩ nước ngoài, nhưng cơ chế tài chính hiện chưa tháo gỡ được. Thậm chí, 5 - 6 bệnh viện lớn cần phải thoáng hơn nữa để giảm số người Việt ra nước ngoài chữa bệnh và thu hút người nước ngoài tới chữa bệnh ở Việt Nam. |