Phan Tích Thiện sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong một gia đình có điều kiện kinh tế bình thường, bố trước đây làm công nhân đã nghỉ hưu, mẹ làm nội trợ ở nhà.
Tích thiện cho hay: “Khi đi sinh em thì mẹ em bị kiệt sức ngất đi, nên bác sĩ phải hút thai, rồi em phải nằm trong lồng kính cả tháng trời”.
Tích Thiện được bác sĩ chẩn đoán bị động kinh cục bộ toàn thể hóa. Tay chân, miệng, lưỡi đều không nghe theo ý muốn.
Tuổi thơ của Tích Thiện là những chuỗi ngày bền bỉ đi khám bệnh, uống thuốc và tập vật lý trị liệu, dần dần em Thiện cũng kiểm soát được chân tay.
Thầy giáo khuyết tật Phạm Văn Sơn đầy nghị lực, tâm huyết với nghề |
Đến tuổi cắp sách đến trường, Tích Thiện vẫn chỉ có thể mấp máy môi không rõ chữ, việc được đi học với Thiện không khác gì một giấc mơ xa xỉ.
Buổi phỏng vấn với Tích Thiện dưới đây đều được em trả lời bằng hình thức đánh máy, bởi việc truyền đạt trong giao tiếp của em gặp nhiều khó khăn.
Thương bố mẹ, em lại càng tự mình vươn lên như một mầm xanh hướng về ánh sáng mặt trời dù cho bản thân nhiều khi có yếu mệt.
Ham học từ nhỏ
Đi học, tập viết với những học sinh sức khỏe bình thường còn có những khó khăn nhất định, đối với các em học sinh khuyết tật như Tích Thiện lại càng vất vả gấp bội phần.
Cô giáo Lan - Giáo viên dạy lớp 1 của Tích Thiện, người đã cầm tay tập viết cho Tích Thiện từ những nét chữ đầu tiên nhớ lại và nói:
“Tích Thiện hồi nhỏ là cậu học sinh khá đặc biệt của lớp, không may cho em khi bị tật từ nhỏ, phát âm và giao tiếp rất khó khăn”.
Được hỏi về điều gì ở tính cách của Tích Thiện mà cô nhớ và thấy quý nhất, cô Lan nhẹ nhàng nói: “Tuy là Tích Thiện bị khuyết tật vậy nhưng em luôn toát lên một niềm hăng say, yêu thích học tập. Tích Thiện rất hòa đồng, tình cảm với bạn bè cùng lớp”.
Đồng cảm với tinh thần hiếu học của cậu học trò khuyết tật, lên lớp 3 thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Trí Tri (Quận 10, Thành Phố Hồ Chí Minh) đã tặng Thiện một chiếc máy tính xách tay, em tự mày mò học và sau đó đã sử dụng máy tính thay cho cây bút đến nay.
Nỗ lực để hiện thực ước mơ đại học
Cứ tưởng mọi chuyện sẽ dễ dàng với em nhưng cũng có lúc Tích Thiện cảm thấy nản chí, muốn nghỉ học.
Thiện tâm sự: “Học sang cấp 2, Thiện không thể theo kịp bạn bè, các môn học tự nhiên cần minh họa bằng hình vẽ trở thành thách thức rất khó với em, nhưng nhờ có người thân động viên, em nhận ra mình phải mạnh mẽ, có thái độ sống tích cực và cố gắng nhiều hơn”.
Từ ngày ấy, Thiện không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nữa.
Tích Thiện kể: Từ lớp 3 tới nay việc học của em đều gắn với máy tính để đánh máy nội dung bài học vì em không cầm bút viết được, có những ghi chú vào sách em không thể viết được mà phải nhờ bạn bè xung quanh viết hộ.
Những khi đi học, nếu không đánh máy kịp nội dung bài học thì Tích Thiện lại mượn vở bạn về học để không bỏ lỡ nội dung.
Yêu đời, lạc quan là vậy nhưng có những lúc nhìn bạn bè vui chơi những môn thể thao bằng tay Tích Thiện không khỏi chạnh lòng và thèm muốn.
Nói về các hoạt động ngoại khóa, em Tích Thiện có chia sẻ: “Trong quá trình học của em mắc phải rất nhiều khó khăn như việc di chuyển chậm nên có những hoạt động ở trường tổ chức em rất muốn hòa mình vào tham gia để rèn luyện sức khỏe mang thành tích về cho lớp nhưng sức khỏe lại không cho phép”.
Tuy nhiên, xung quanh em có rất nhiều người bạn thân nguyện gắn bó thanh xuân với Thiện để giúp đỡ em trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Bạn Quân - bạn cùng lớp với Tích Thiện hồi cấp 2 đã có chia sẻ về Tích Thiện với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:
“Thiện là một bạn rất có nghị lực luôn hòa đồng với bạn bè, đôi lúc trong cuộc sống gia đình bạn ấy có chuyện không vui nhưng bạn ấy luôn tự biết cách vượt qua…”.
Suốt những năm tháng học phổ thông Tích Thiện luôn nỗ lực, cố gắng để có thể được học tập ở bậc cao hơn, 12 năm học phổ thông em luôn xếp loại học lực khá của lớp, kết quả mà nhiều bạn học sinh bình thường còn mơ ước.
Sau bao nhiêu cố gắng và sự miệt mài học tập đã đưa Thiện đến với cánh cổng trường đại học, năm 2015 em đã đậu vào khoa Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Trường đại học Văn Hiến.
Phan Tích Thiện (thứ hai từ trái sang) cười tươi khi trao đội nội dung bài học cùng bạn ở Đại học Văn hiến - Ảnh: P.N |
Cái tên nói lên tất cả
Tích Thiện chia sẻ: “Không ai có quyền lựa chọn số phận nhưng bản thân mỗi người có quyền chọn cho mình cách sống thế nào. Do đó, em luôn cố gắng để thích nghi và hơn hết là sống sao có ích cho đời”.
Phan Tích Thiện đăng ký tham gia Câu lạc bộ Người dẫn chương trình của trường để luyện tập cho lưỡi mềm mại, việc nói chuyện dễ dàng hơn.
Tích Thiện thường tự đóng cửa phòng rồi hét thật to để học cách lấy hơi vùng bụng. Từng chút một, Thiện tập đánh lưỡi, phát âm và điều khiển cơ miệng của mình.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về ước mơ của em, Tích Thiện chia sẻ thêm: “Đến một ngày nào đó khi hết bệnh em sẽ như bao người, em muốn được bay nhảy và cống hiến.
Em muốn được làm việc trong các mái ấm, nhà trẻ và che chở, giúp đỡ cho những hoàn cảnh bất hạnh hơn em”.
Với tình cảm từ gia đình, bạn bè và xã hội cho Thiện là quá lớn, không phụ lòng mọi người Tích Thiện đã luôn cố gắng trong học tập, rèn luyện.
Trước mỗi môn học Tích Thiện đều tìm hiểu kỹ, hỏi thăm kinh nghiệm học tập môn đó và lên mạng tìm kiếm tài liệu để chia sẻ cho bạn bè.
“Thiện chăm lắm, tính cách lại thân thiện, chân thành và hài hước, lúc nào cũng cười lạc quan yêu đời nên ai cũng quý”, Phan Nhân Hòa, bạn chung lớp đại học với Thiện nhận xét.
Phan Tích Thiện đi nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương hội sinh viên Việt Nam về sinh viên Việt Nam những câu chuyện đẹp 2018. Ảnh: NVCC |
Tích Thiện tham gia rất nhiều các hoạt động phong trào như: Lễ khai giảng, ngày chủ nhật đỏ, tôi là người dẫn chương trình Văn Hiến, xuân tình nguyện, đêm ca nhạc gửi người phụ nữ tôi yêu, kết nối trái tim, hòa chung nhịp đập, Talkshow của trường “Chân dung sinh viên Văn Hiến - Vượt qua thử thách cuộc sống”.
Theo cô Nguyễn Thị Nhung - Đại học Văn Hiến: “Ban đầu Thiện có hơi rụt rè, nhưng bây giờ đã trở thành người anh cả đáng tin cậy của lớp và tham gia các hoạt động của trường lớp rất tích cực”.
Dù bản thân bị khuyết tật là vậy nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó học tập của bản thân Tích Thiện, năm 2018 em đã được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương hội sinh viên Việt Nam về sinh viên Việt Nam những câu chuyện đẹp.