Đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.Tư lệnh ngành giáo dục cũng đã thừa nhận, muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục một cách cơ bản và toàn diện.
Đề xuất nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng là một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây.
Dù rằng, nhận thấy việc nâng cao chất lượng giáo viên là cần thiết vì đối tượng học sinh mầm non là tương lai của đất nước, rất cần được dạy dỗ, chăm sóc tốt, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới nhưng nhiều chuyên gia băn khoăn vấn đề nâng chuẩn toàn bộ giáo viên từ trung cấp lên cao đẳng có thực sự cần thiết.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, khi nâng chuẩn giáo viên thì chế độ đãi ngộ cũng cần nâng lên theo, tránh tình trạng tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng ra trường chỉ nhận lương trung cấp. (Ảnh minh họa: VTV) |
Khi trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Khi nâng chuẩn giáo viên thì chế độ đãi ngộ cũng cần nâng lên theo, tức là phải có sự đồng bộ, tránh tình trạng tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng ra trường giáo viên chỉ nhận mức lương trung cấp.
Hơn nữa, khi nâng chuẩn giáo viên thì đó phải là chuẩn thực chất chứ không được làm ào ạt, hình thức. Đặc biệt, giáo viên nào có thể nâng chuẩn thì mới yêu cầu còn người nào chưa đủ năng lực hoặc chuẩn bị về hưu thì không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn”.
Ngoài ra, thầy Nhĩ nêu quan điểm, đối với bậc trung học phổ thông thì dứt khoát giáo viên phải tốt nghiệp đại học sư phạm còn đối với bậc mầm non thì không nhất thiết mọi người cần đạt trình độ cao đẳng mà yêu cầu này chỉ nên đưa ra đối với những giáo viên đứng lớp còn bảo mẫu, cấp dưỡng… thì không nhất thiết yêu cầu trình độ cao đẳng.
Sẽ không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp, cao đẳng |
Lý giải thêm về quan điểm của mình, thầy Nhĩ nói, tại một cơ sở giáo dục mầm non, một người lo nấu nướng ăn cho các cháu thì không cần mất thời gian đào tạo trình độ cao đẳng.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay nhiều giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non có trình độ đào tạo trung cấp sư phạm chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình.
Yếu kém về chất lượng giáo viên là nguyên nhân chính gây ra các vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở giáo viên mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, tổng số giáo viên bậc mầm non cả nước trong năm học 2017-2018 (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên, trong đó giáo viên nữ là 336.616 giáo viên (chiếm 99,7%).
Giáo viên biên chế là 208,574 giáo viên (chiếm 61,8%), số giáo viên đạt chuẩn (trình độ trung cấp trở lên) là 332.403 giáo viên (chiếm 98,5%).
Bên cạnh đó hệ thống giáo dục mầm non cả nước có 159.007 người làm công tác quản lý, gồm 14.739 hiệu trưởng, 22.608 hiệu phó, 121.660 người là nhân viên.
Nếu theo Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (tốt nghiệp cao đẳng) thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn tổng cộng là 107.150 giáo viên, chiếm 33,8% (29.221 giáo viên ở bậc nhà trẻ và 77.929 giáo viên ở bậc mẫu giáo).
Tuy nhiên, đây là số liệu của năm học 2016-2017. Nếu ước tính vào thời điểm Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực (năm 2019) thì số lượng giáo viên giáo viên mầm non chưa đạt trình độ cao đẳng sẽ giảm nhiều so với thống kê nói trên.
Bởi lẽ, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số giáo viên chưa tốt nghiệp cao đẳng phần lớn thuộc nhóm giáo viên lớn tuổi nên sẽ hết tuổi lao động trước khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, nhóm giáo viên mới tuyển dụng đều có trình độ cao đẳng trở lên.
Số lượng giáo viên tuy chưa tốt nghiệp cao đẳng nhưng hiện tại học cao đẳng, đại học hệ vừa học vừa làm, hệ đào tạo liên thông… tốt nghiệp trong thời gian 2018 và 2019.
Giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm sẽ ra sao? |
Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án và lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non.
Cụ thể, về lộ trình thực hiện, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, sẽ còn khoảng 30% (khoảng 80.000 giáo viên mầm non) phải được đào tạo để nâng chuẩn.
Về phương pháp thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là: Đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm (tính từ thời điểm Luật Giáo dục có hiệu lực) thì không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn.
Các giáo viên này chỉ cần tham gia các khóa bồi dưỡng theo các chuyên đề phù hợp để nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với các trường trung cấp sư phạm mầm non (cả nước chỉ còn 2 trường) sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyển đổi thành trường cao đẳng sư phạm (nếu hội đủ điều kiện) hoặc chuyển đổi trường trung cấp sư phạm thành khoa sư phạm tại các trường cao đẳng...
Xây dựng kế hoạch, chương trình và lộ trình để đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với nhóm giáo sinh đang theo học trung cấp mầm non.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chi phí đào tạo giáo viên đã có bằng trung cấp sư phạm học tiếp để lấy bằng cao đẳng sư phạm cần thời gian 1 năm. Tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn 107.150 giáo viên chưa đạt trình độ cao đẳng ước tính khoảng 857 tỷ 200 triệu đồng. Con số này được tính bằng: khoảng 107.150 giáo viên x 1 năm đào tạo x 8 triệu đồng/người/năm = 857 tỷ 200 triệu đồng. (Chi phí chi thêm cho 1 học viên sư phạm: tính bằng mức bù học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ... thì mức chi phí hiện nay là 8 triệu đồng/người/năm). |