Câu chuyện thưởng Tết cho giáo viên chưa bao giờ thôi nóng. Trường không có tiền thưởng buồn đã đành. Trường có tiền thưởng cũng chẳng được bình yên. Sao lại có chuyện lạ đời như thế được?
Thưởng Tết cho giáo viên nhiều chúng tôi cũng bất ổn
“Không có thưởng Tết cho giáo viên cũng khổ, có chút tiền thưởng Tết cũng chẳng được yên thân. Mấy ngày nay, nghe nhiều người nói ra nói vào mệt lắm. Những tưởng có chút tiền (so với thiên hạ chẳng thấm vào đâu) cho anh em có đồng ra đồng vào ngày Tết đỡ khổ. Nhưng cũng mệt mỏi lắm…”.
Cuộc sống của giáo viên còn nhiều khó khăn vất vả. (Ảnh minh họa VOV) |
Ngừng giây lát, thầy hiệu trưởng trường tôi nói tiếp:
“Đã nhắc thầy cô nhận tiền đừng khoe với ai cả. Thế mà chỉ sau một ngày, cả huyện đều biết hết. Tôi liên tục nhận được điện thoại, đi đến đâu cũng bị hỏi...”.
Cả hội đồng lặng đi, lời chia sẻ của thầy hiệu trưởng trường tôi trước giáo viên nghe thật buồn, thật xót xa đến nhói lòng.
Nói là thưởng nhiều thực chất chỉ nhiều hơn so với những trường không có.
Chứ 3 triệu đồng thử hỏi có đi nổi vòng chợ Tết hay không?
Có lẽ đã đoán trước được việc bị trường khác phân bì nên thầy mới bảo giấu. Chứ ai có thể giấu được với cả dăm chục con người?
Có thầy cô đã nói lớn: “Tiền của mình quang minh chính đại, đâu phải tiền ăn cắp, tham ô mà phải ăn lén ăn lút?".
Thương thầy vì giáo viên nên bị nhiều hiệu trưởng (chủ yếu những trường thưởng ít hoặc không có thưởng) trách móc, lời ra tiếng vào.
Thương thầy đã biết cách chi tiêu có kế hoạch.
Những khoản nào đáng chi thầy luôn chi sòng phẳng.
Những khoản nào tiết kiệm được thì một đồng cũng không bỏ ra.
Chả thế mà trong năm, có thầy cô còn thốt lên: “Sao thầy mình hà tiện thế không biết?”
Chúng tôi hiểu những gì thầy hiệu trưởng nói. Bởi, trường mình thưởng cao, trường bạn không có đương nhiên giáo viên sẽ có sự phân bì so sánh.
Rồi tiếng nhỏ to, rì rầm, những nghi kị cứ thế được nhen lên.
Hiệu trưởng, kế toán của những trường học ấy đương nhiên sẽ rất khó chịu và chạnh lòng.
Nhưng thay vì họ phải tìm nguyên nhân, phải học hỏi kinh nghiệm vì sao cũng chừng ấy ngân sách, trường bạn vẫn đảm bảo chi tiêu các khoản hợp lý, vẫn chăm lo mọi hoạt động giáo dục cho học sinh mà cuối năm giáo viên vẫn có tiền thưởng?
Còn trường mình lại luôn chi không đủ? Luôn âm quỹ hết năm này qua năm khác?
Đều vô lý hết sức họ không tự vấn lương tâm mà thể hiện bằng cách gọi điện chất vấn hiệu trưởng trường bạn, tại sao lại thưởng nhiều thế?
Tại sao không đầu tư cái này, sắm sửa cái kia?
Vì sao lại phá vỡ cái mặt bằng tiền thưởng bao năm?
Người lại tỏ ý phẫn nộ với những câu mỉa mai, đại loại như: "Muốn chơi trội hả? Mà ông sắp về hưu chơi trội sẽ được gì?”…
Thưởng nhiều ít do tâm của hiệu trưởng?
Một giáo viên dạy ở vùng cao một huyên miền núi chia sẻ với chúng tôi, chưa năm nào trường mình thưởng Tết nhiều như thế. Mỗi giáo viên trong trường được tới bốn triệu rưỡi.
Thế rồi cô kể, hiệu trưởng cũ về hưu, cô hiệu trưởng mới chính là hiệu phó nhà trường lên thay.
Và ngay trong năm ấy, giáo viên biết đến tiền Tết. Trong khi hàng chục năm trước đó, quà Tết chỉ là gói bột ngọt, 5 lạng đường và vài ba gói kẹo.
Bảo sao giáo viên không xì xào bàn tán nhỏ to, không nghi ngờ sự liêm khiết của vị lãnh đạo trước đó?
Bảo sao vị hiệu trưởng về hưu lại không ghét ra mặt hiệu trưởng mới? (chính là cánh tay giúp việc của mình bao năm).
Một giáo viên khác cho biết, trường mình có hiệu trưởng mới về và ngay Tết năm ấy, tiền thưởng của giáo viên cũng tăng bất thường.
Người ít (trường phân theo kết quả xếp loại) cũng được 3 triệu, người nhiều 4 triệu.
Vậy nên, thầy cô trong trường nhìn thầy hiệu trưởng đầy ngưỡng mộ (bởi sự liêm khiết và tâm lý).
Nhiều gia đình thày cô, tết đến trong nhà không có nổi vài chục bạc |
Nhưng cũng có thầy cô nói rằng, trường mình bao năm luôn có mức thưởng vài triệu.
Năm nay, hiệu trưởng mới về anh em giáo viên chỉ được “ngửi Tết”.
Giáo viên cũng cần sự công bằng như nhiều ngành nghề khác
Khá nhiều ngành nghề Tết đến luôn có tiền thưởng, tiền lương tháng 13. Nhưng tại sao giáo viên lại không có?
Gọi là tiền thưởng thật ra đó chính là khoản thu nhập tăng thêm do hiệu trưởng gói gém mà có.
Thế nên trong cùng một địa bàn, có trường thầy cô được thưởng nhiều, nơi lại chẳng có một xu.
Tiền thưởng mà giáo viên có được lại phải đợi đến cái tâm của hiệu trưởng?
Thầy cô xứng đáng được hưởng sự ghi nhận của xã hội chứ không phải trông chờ vào sự may rủi để hiệu trưởng ban cho.
Nhà nước cũng cần có quy định cho giáo viên được hưởng tháng lương 13.
Đây chính là sự chăm lo, đầu tư cho giáo dục.
Bởi khi cuộc sống của người thầy được ổn định thì chất lượng việc làm cũng sẽ được nâng lên.
Đừng để mỗi năm Tết đến xuân về, trong nhà nhiều thầy cô giáo không có nỗi vài trăm ngàn sắm Tết và chỉ biết ngậm ngùi nhìn thiên hạ.