Việc nâng lương cho giáo viên đã được nhiều cấp thảo luận, bàn bạc khá nhiều trong thời gian qua, nhưng thực tế chúng tôi thấy không khả quan, bởi số lượng biên chế hiện nay trong ngành giáo dục rất lớn.
Trong khi việc tinh giản biên chế dư thừa cục bộ trong ngành là rất khó khả thi mà chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai sẽ tăng thêm biên chế là điều đương nhiên không thể làm khác được.
Vậy tiền đâu mà tăng lương cho giáo viên đây?
Nghị quyết 19-NQ/TW lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc tiếp tục đổi mới hệ thông tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành ngày 25/10/2017 đã hướng dẫn tiến tới việc tinh giản biên chế rất cụ thể.
Ngành giáo dục đang thừa thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều nơi ( Ảnh minh họa: TTXVN) |
Phần Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 19-NQ/TW lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã có định hướng về giảm biên chế như sau:
“Giai đoạn đến năm 2021
- Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.
Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính).
Đến năm 2025
- Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính).
Đến năm 2030
- Tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.
- Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025”.
Cả nước thiếu hơn 11.000 giáo viên tiếng Anh và giáo viên Tin học |
Tuy nhiên, tại hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2/8/2018, đại biểu nhiều tỉnh, thành đã bày tỏ trăn trở về quy định giảm biên chế giáo viên theo Nghị quyết số 19 của Trung ương năm 2017.
Trước băn khoăn của một số địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định:
“Không có chuyện cắt 10% giáo viên. Việc giảm 10% biên chế là số hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nghĩa là nếu có những đơn vị sự nghiệp trong ngành giáo dục tự chủ được về lương thì sẽ không tính trong biên chế theo nghĩa truyền thống.
Mặt khác, việc giảm biên chế này tập trung trước hết vào vị trí gián tiếp còn giáo viên để dạy phải đủ”.
Như vậy, xét về nhiều nghĩa thì nhân lực của ngành giáo dục hiện tại vẫn sẽ được giữ nguyên.
Chính vì vậy, vấn đề giải quyết bài toán thừa- thiếu giáo viên hiện nay sẽ được giải quyết ra sao bởi số lượng thừa thiếu cục bộ đang xảy ra ở nhiều địa phương?
Theo báo cáo của Bộ giáo dục và Đào tạo, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đang xảy ra ở nhiều môn học, nhiều địa phương khác nhau.
Hiện cả nước thiếu 76.000 giáo viên nhưng lại cũng đang dư thừa rất nhiều giáo viên ở một số môn. Riêng cấp Trung học cơ sở của nước ta đang thiếu 10.143 giáo viên nhưng lại thừa tới 12.165 giáo viên.
Đây thực sự là bài toán khó cho các địa phương và ngành giáo dục. Bởi những giáo viên thiếu thì đương nhiên phải tuyển nhưng thừa lại rất khó tinh giản.
Trong thời gian qua, chúng ta thấy một số địa phương đã và đang sáp nhập một số trường cùng một cấp học trên địa bàn lại với nhau, nhưng điều mà lãnh đạo các địa phương đang áp dụng chủ yếu là luân chuyển cán bộ, giáo viên từ trường này sang trường khác chứ không mấy ai bị tinh giản biên chế.
Việc cắt hợp đồng giáo viên mà dư luận phản ánh chủ yếu là đối tượng ký hợp đồng “có thời hạn” với Uỷ ban Nhân nhân huyện và các Ban Giám hiệu nhà trường.
Nhân sự ngành giáo dục sẽ tiếp tục tăng khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021 tới đây là Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, triển khai cuốn chiếu từ lớp 1.
Việc đầu tiên chúng ta thấy là các địa phương phải tuyển thêm giáo viên tiếng Anh và tuyển mới nhiều giáo viên Tin học ở cấp học này.
Vậy nhưng, ngay từ bây giờ theo báo cáo của Bộ Giáo dục thì cả nước đang thiếu khoảng 5.600 giáo viên tiếng Anh và 5.600 giáo viên Tin học ở tiểu học.
Việc không thể giảm được số lượng nhân sự ở ngành giáo dục còn được thể hiện ở cấp Trung học phổ thông.
Tới đây, khi áp dụng chương trình mới nếu mỗi trường trung học phổ thông bố trí 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật thì cả nước cần tuyển mới khoảng 2.700 giáo viên Âm nhạc và 2.700 giáo viên Mỹ thuật.
Như vậy, chỉ cấp học này cũng sẽ tăng lên 5.400 giáo viên và con số này bắt buộc phải tuyển mới.
Đối với cấp Tiểu học hiện nay thì đa phần các địa phương mới dạy có 1 buổi nhưng khi áp dụng chương trình mới thì dạy 2 buổi, điều này cũng đồng nghĩa sẽ tăng thêm đáng kể về nhân lực.
Như vậy, những môn thiếu cục bộ thì bắt buộc phải tuyển mới nhưng đối với những môn thừa thì tinh giản họ cũng không hề đơn giản vì đa phần giáo viên cũng đã đủ chuẩn, thậm chí là trên chuẩn.
Hàng năm luôn hoàn thành nhiệm vụ từ mức tốt trở lên, cùng với rất nhiều những danh hiệu thi đua mà hàng năm giáo viên đạt được.
Từ thực tế như vậy, cho nên chúng tôi cho rằng việc đề nghị nâng lương cho giáo viên dù hoàn toàn chính đáng nhưng không thể thực hiện được trong những năm tới khi mà nhân lực ngành giáo dục sẽ còn nhiều biến động trong việc áp dụng chương trìnhgiáo dục phổ thông mới.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ca-nuoc-thieu-hon-11000-giao-vien-tieng-Anh-va-giao-vien-Tin-hoc-post194786.gd