LTS: Tiếp tục đọc giùm bạn những kiến thức bổ ích, tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tới độc giả những ghi chép trong phần phụ lục của cuốn sách Khái lược Văn minh luận.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Đây chỉ là trích trong phần phụ lục của cuốn sách Khái lược Văn minh luận, một cuốn sách dày 417 trang và rất có giá trị của nhà tư tưởng Nhật Bản nổi tiếng - Fukuzawa Yukichi (1835-1901).
Thành công của ông chủ yếu là các tác phẩm với con số lên đến 105 cuốn và đã phát hành tới trên 7,49 triệu bản.
Ngoài cuốn này đã có hai cuốn được dịch sang tiếng Việt (Khuyến học và Phúc ông tự truyện).
Khái lược văn minh luận đã làm thay đổi thế giới quan của người Nhật lúc đó, khi vẫn còn tư duy theo Nho giáo thủ cựu.
Cuốn sách Khái lược Văn minh luận (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Kiến giải về văn minh của ông sâu sắc một cách giản dị, thâm hậu nhưng trong sáng, nhẹ nhàng mà lại mãnh liệt. Bạn đọc nên đọc toàn văn cuốn sách rất đáng đọc này.
Phần tôi trích đăng liên quan đến kỹ năng sống mà thế hệ trẻ chúng ta hiện nay cần tham khảo.
Sách do Nhà xuất bản Thế giới và Omega Plus phát hành với bản dịch của Nguyễn Đỗ An Nhiên (Phụ lục 1 do Nguyễn Đức Hùng và Kuriki Seiichi dịch).
Khi nói về Châu Á xin nhớ là Châu Á của thời đại lúc bấy giờ.
Phụ lục 1:
Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này.
Nếu chúng ta quan sát kỹ lưỡng tình hình thế giới hiện nay, chúng ta sẽ nhận thấy được rằng chúng ta không thể nào chống lại được sự tấn công dữ dội của nền văn minh ấy.
Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau bơi nổi trên biển văn minh ấy, cùng nhau tạo ra một làn sống văn minh ấy, cùng nhau nỗ lực xây dựng và hưởng thụ những thành quả của nền văn minh ấy.
Là những người trí thức, chúng ta hãy góp sức giúp cho sự lan truyền của làn sóng văn minh đó tới toàn dân trong nước, để họ thấy được và làm quen với nền văn minh ấy càng sớm càng tốt.
Nếu chúng ta làm được như vậy. Chúng ta không những có thể thoát ra khỏi sự trì trệ, lạc hậu, cũ kỹ của nước Nhật mà còn có thể đặt lại được một trật tự mới trên toàn Châu Á.
Thật không may cho Nhật Bản chúng ta, bên cạnh chúng ta có hai nước láng giềng là Trung Quốc và Triều Tiên.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (47) - Nói với con gái 20 lời của bà mẹ 30 |
Cả hai dân tộc của hai nước này, giống như dân tộc Nhật Bản chúng ta, đều được nuôi dưỡng theo phong tục tập quán, tinh thần và nền giáo dục chính trị kiểu Châu Á cổ lai hy.
Tuy nhiên, có lẽ do nhân chủng khác nhau, hoặc do quá trình di truyền khác nhau, hoặc do nền giáo dục khác nhau nên có sự khác biệt đáng kể giữa ba dân tộc.
Các sĩ phu hai nước Trung Quốc và Triều Tiên mê tín, hủ lậu, không biết đến khoa học là gì, thì học giả phương Tây nghĩ Nhật Bản cũng chỉ là một nước âm dương ngũ hành. Thực tế này là một đại bất hạnh cho nước Nhật Bản.
Vì vậy, nhằm thực hiện sách lược của chúng ta không còn thời gian chờ đợi sự khai hoá văn minh của các nước láng giềng Châu Á để cùng nhau phát triển được, mà tốt hơn hết chúng ta hãy tách ra khỏi hàng ngũ các nước Châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây.
Phụ lục 2:
Nếu chỉ tự hài lòng mình đã đọc xong một quyển sách mà quên mất nội dung thì chẳng học hỏi được gì. Cũng như gánh nước bằng cái thùng không đáy. Có gánh bao nhiêu cũng không thể lấy được nước. Nhất định phải tổng kết lại sau khi đọc sách.
Không được làm những việc hung ác như giết côn trùng, làm đau đớn những con vật. Khi làm những việc như vậy chúng ta sẽ đánh mất trái tim tử tế đối với con người và làm những việc tàn ác hơn. Phải cực kỳ kiềm chế.
Ngay từ nhỏ không được ỷ lại, không trông chờ vào người khác chừng nào tốt chừng ấy. Những việc gì mình có thể làm thì nên để ý tự mình làm. Tiếng Anh gọi việc này là Independent, có nghĩa là độc lập. Độc lập là tự mình tự lập, không trông cậy vào người khác.
Trái tim con người, cũng như khuôn mặt, mỗi người mỗi khác. Không có mặt người nào giống người nào. Và trái tim cũng y hệt như vậy. Có người tính tình nóng nảy, có người kiên nhẫn. Có người trầm tính, cũng có người ồn ào.
Vì vậy không được nhìn vào hành vi của người khác rồi vì không thích điều đó mà trở nên tức giận. Hãy cố gắng kiềm chế. Quan trọng là sống chan hoà với nhau.
Các con may mắn sinh ra không bị khuyết tật. Nhưng khuyết tật không chỉ ở mắt, tai, còn có người khuyết tật tâm hồn. Nghe giảng đạo lý mà không hiểu thì không bằng người điếc, nhìn sách mà không đọc thì chẳng bằng người mù. Chính khuyết tật về tâm hồn mới thật sự đáng xấu hổ.
Dù bằng vải bông hay vải gì đi nữa, mặc các loại áo quần rẻ tiền không có gì đáng xấu hổ. Nhưng quần áo dính vết bẩn, tay chân lấm lem không sạch sẽ mới đáng xấu hổ. Từ nhỏ phải biết chú ý ăn ở sạch sẽ, vệ sinh, rửa tay chân, không làm bẩn quần áo.
Con người phải có dũng khí. Dũng khí là sự mạnh mẽ. Dũng khí là thái độ, tinh thần không sợ hãi trước sự vật. Cho dù là chuyện gì đi nữa, chuyện gì bản thân đã quyết nhất định không được bỏ cuộc. Có gian khổ cũng phải vượt qua để hoàn thành mục tiêu. Quan trọng là nỗ lực bằng tinh thần, bằng trái tim mạnh mẽ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (33) - Để có một tâm hồn đẹp |
Trên đời, không người nào tuyệt vời bằng cha mẹ. Không người nào tử tế với ta như cha mẹ. Cha mẹ mạnh khoẻ sống lâu là mong ước của con cái, nhưng không thể biết trước được.
Thần linh tạo ra cha mẹ và thần linh cho cha mẹ sống, có khi bắt cha mẹ chết. Vì vậy từ nhỏ hãy biết ơn thần linh và làm theo lời răn bảo của thần linh.
Một khi đã sinh ra làm người trong thế giới này, chúng ta phải làm những thứ mà chim chóc, muông thú không làm được. Phải thể hiện sự khác biệt đối với động vật.
Sự khác biệt đó là thấm nhuần đạo lý, không lạc lối trước những ham muốn trước mắt, viết lách, đọc sách, hiểu biết thế giới rộng lớn, biết phân biệt sự khác nhau giữa thế giới xưa và nay.
Chúng ta có thể giao tiếp với mọi người trong xã hội với tư cách một thành viên của xã hội, không làm những gì xấu hổ với lương tâm.
Con người vốn là sinh vật không nói dối. Cũng là sinh vật không trộm cắp. Vì vậy chỉ cần một lần nói dối, một lần trộm cắp sẽ trở thành vết thương trong tâm hồn. Vết thương trong tâm hồn đáng sợ hơn vết thương ở tay chân.
Bởi không thể chữa vết thương đó bằng thuốc hay miếng dán, và nó sẽ trở thành vết thương cả đời người. Vì vậy ta phải cẩn thận, không để tâm hồn bị thương.
Khi tiếp xúc với người ngoài xã hội, đương nhiên phải ôn hoà, nhưng ngay khi ở nhà mình cũng vậy. Khi nhờ ai đó làm việc gì không được nói trống không. Phải luôn chú ý đến lời ăn tiếng nói.
Có thể nói việc đọc sách và suy nghĩ về sự việc, làm những việc có ích cho xã hội là công việc khó. Trở thành người được tôn kính hay người bị xem thường tuỳ vào độ khó dễ của công việc.
Trông người mà ngẫm đến ta. Cho dù không thiếu thốn cơm ăn, áo mặc, nhưng nếu tâm hồn nghèo nàn, trái tim xấu xa, không đọc sách, không học hành thì dù có mặc những bộ kimono lộng lẫy bao nhiêu đi nữa, sống trong ngôi nhà rộng lớn thế nào đi nữa cũng sẽ bị mọi người xung quanh xem thường như người hành khất mà thôi.
Làm việc xấu chắc chắn sẽ lãnh hậu quả xấu. Tường nhà có tai, cửa nhà có mắt. Làm điều xấu mà đòi trốn tội được sao. Nhất định không thể nào trốn tránh tội lỗi được đâu.
Mỗi người có vai trò của mình. Công việc nào cũng không thể thiếu trong xã hội. Chỉ cần làm việc có ích cho xã hội, người đó sẽ được báo đáp. Và cũng có thể sống một cuộc đời tốt đẹp.
Vậy mà có người chỉ cần có tiền là được, không buồn nghĩ tốt xấu cho xã hội, chỉ thoả mãn lòng tham của mình.
Người kiếm tiền bằng trò cờ bạc, bán những vật vô dụng cho người khác hay lừa gạt phụ nữ trẻ em để kiếm tiền, làm những việc xấu xa mà chẳng thấy xấu hổ. Những người như vậy thật sự nhiều.
Những việc như vậy không chỉ làm phiền người khác, tham lam chỉ biết đến lợi ích bản thân, không có ích cho xã hội, mà ngược lại gây tai hoạ cho người khác, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước, và lúc đó bản thân cũng chịu tổn hại.