"Ông Lưu Hoàng Hiếu, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang đề nghị tôi “từ chức” Chủ tịch Hội đồng trường khi tôi “chưa có chức”.
Đó là lời nói mang đầy chua chát và bức xúc của ông Đào Thành Công, giáo viên trường Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang.
Thầy Công cho biết, năm 2017, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ thực hiện công tác giới thiệu nhân sự, bầu lại Hội đồng trường vì nhiệm kỳ của Hội đồng trường (1011-2017) đã hết.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L) |
Tuy nhiên, điều mà ông Công bức xúc, mặc dù đã được thực hiện đúng quy trình trong việc chọn lựa nhân sự, thậm chí còn “bầu” tới hai vòng cho công tác này, ông Công đã được các thành viên trong danh sách được bầu của Hội đồng trường tín nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng.
Nhưng suốt một năm sau đó, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ vẫn không được Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá ra quyết định thành lập Hội đồng trường.
Bức xúc vì nhà trường không có Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật, với tư cách là “Chủ tịch được bầu tín nhiệm” nên thầy Đào Thành Công đã phản ánh với ông Lưu Hoàng Hiếu, Hiệu trưởng trường Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ về vấn đề trên nhưng ông Hiếu trả lời:
“Phòng Giáo dục không đồng ý thầy Công làm Chủ tịch Hội đồng trường”. Đồng thời, ông Hiếu cũng khuyên ông Công từ chối nhiệm vụ và gợi ý hãy nêu lý do “vì sức khỏe không đảm bảo”.
Bởi sự thiếu minh bạch trong nội dung trả lời của ông Lưu Hoàng Hiếu, ông Đào Thành Công đã không đồng ý “từ chức”.
Trường Nguyễn Trường Tộ gần một năm nay không có hội đồng trường |
Từ việc ông Đào Thành Công không“ từ chức” nên suốt một năm dài nhà trường không có đầy đủ các tổ chức theo quy định.
Theo các văn bản pháp quy hiện hành, Hội đồng trường đối với trường trung học công lập, Hội đồng quản trị đối với trường trung học tư thục (gọi chung là Hội đồng trường) là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Thủ tục thành lập Hội đồng trường trung học cơ sở công lập được quy định tại Khoản 5 Điều 20 Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT.
Cụ thể: Căn cứ cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Hội đồng trường, Hiệu trưởng tổng hợp danh sách nhân sự do tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường giới thiệu, làm tờ trình đề nghị Trưởng phòng giáo dục và đào tạo (đối với trường Trường Trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trường trung học cơ sở).
Giám đốc sở giáo dục và đào tạo (đối với trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông) ra quyết định thành lập Hội đồng trường.
Cũng theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDDT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cơ cấu tổ chức của Hội đồng trường trung học công lập được quy định như sau:
Đại diện tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), đại diện các tổ chuyên môn, đại diện tổ Văn phòng.
Hội đồng trường có Chủ tịch, 1 thư ký và các thành viên khác. Tổng số thành viên của Hội đồng trường từ 9 đến 13 người.
Như vậy, Chủ tịch Hội đồng trường do các thành viên của Hội đồng bầu; thư kí do Chủ tịch Hội đồng chỉ định.
Nhiệm kì của Hội đồng trường là 5 năm.
Hằng năm, nếu có yêu cầu đột xuất về việc thay đổi nhân sự, Hiệu trưởng làm văn bản đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định bổ sung, kiện toàn Hội đồng trường.
Văn bản pháp quy đã có quy định rất rõ ràng, trách nhiệm phải làm của ông Lưu Hoàng Hiếu, Hiệu trưởng Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ là trình danh sách các thành viên đã được bầu/ giới thiệu vào Hội đồng trường nhiệm kỳ 2018-2023 để trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Rạch Giá ra quyết định thành lập Hội đồng trường.
Ông Đặng Hoàng Lâm là ai mà ra sức che chắn cho trường Nguyễn Trường Tộ? |
Nhưng ông Hiếu đã không thực hiện đúng chức năng, vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng trong công tác quản lý nhà trường và còn có đề nghị hài hước đó là khuyên giáo viên “từ chức” khi “chưa có chức”.
“Tôi khiếu nại không phải vì ham chức vụ mà vì Hiệu trưởng trường tôi làm việc tùy tiện quá”
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Thành Công nói : “Tôi bức xúc lắm, bức xúc không phải vì không có được chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường mà bức xúc vì trong suốt một năm dài, mặc dù giáo viên đã họp bầu, đã có danh sách các thành viên đủ điều kiện để thành lập Hội đồng trường nhưng ông hiệu trưởng Hiếu không đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành quyết định.
Chính từ việc này nên nhà trường không có Hội đồng trường để: Quyết nghị về mục tiêu, chiến lược, các dự án, kế hoạch và phương hướng phát triển của nhà trường;
Quyết nghị về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường;
Giám sát việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường; giám sát các hoạt động của nhà trường.
Do không có Hội đồng trường nên công tác giám sát các hoạt động của nhà trường bị buông lõng, từ đó việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường cũng không đúng, không tốt.
Tôi đã gửi đơn tới Ban Tiếp công dân Thành phố Rạch Giá rồi, tôi cũng đã đi gặp để hỏi rồi và họ nói tôi về chờ họ sẽ điện thoại báo tin nhưng cả tháng nay vẫn chưa có văn bản trả lời.
Tôi bức xúc lắm nên khiếu nại. Tôi khiếu nại không phải vì ham chức vụ mà vì Hiệu trưởng trường tôi làm việc tùy tiện quá”.
Ngày 14 tháng 12 năm 2018, ông Đào Thành Công đã gửi đơn đến Ủy ban Nhân dân Thành phố Rạch Giá đề nghị giải quyết vụ việc, đơn đã được tiếp nhận nhưng cho đến nay mọi thắc mắc của ông vẫn chưa được cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.