Năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thành công với những con số ấn tượng. GDP cả năm tăng 7,08%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở về đây.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6% và khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Năm 2018 cũng đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ đô la Mỹ. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện đáng kể bằng việc cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 2018 chinh phục mức kỷ lục mới dù khó khăn từ rào cản thương mại, sự gia tăng bảo hộ của các nước hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự án và tin tưởng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục khởi sắc và duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Năm 2018 còn đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sau 7 năm với 40 vòng đàm phán.
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 đô la Mỹ, tăng 440 đô la Mỹ so với năm 2015.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2019, Chính phủ cần tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân trong nước khởi nghiệp, phát triển. Ảnh: Vũ Phương. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: “Kinh tế Việt Nam năm 2018 đã đạt những thành tựu khá toàn diện về nhiều mặt. Đáng chú ý, sự phát triển, tăng trưởng của ngành nông nghiệp, dịch vụ và du lịch.
Ngành nông lâm, thủy sản Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp lớn vào xuất khẩu.
Trong đó, giá trị gia tăng từ ngành nông nghiệp, dịch vụ, du lịch lớn hơn rất nhiều so với giá trị gia tăng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến mang lại”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: “Ngành công nghiệp chế biến phần lớn là của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, giá trị xuất khẩu lớn, nhưng giá trị gia tăng mang lại cho Việt Nam không được bao nhiêu.
Trong khi đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ, du lịch mang lại giá trị gia tăng cao, điều này giúp đời sống người dân Việt Nam nâng cao.
Tiềm năng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn rất lớn. Nếu như chúng ta tiếp tục cải tiến và thay đổi cách thức như thay vì chỉ xuất khẩu thô như xuất khẩu cá ngừ thô, tôm đông lạnh.. chúng ta hợp tác với các doanh nghiệp đến từ các nước phát triển như Nhật, Hàn... để chế biến thành những món ăn để xuất khẩu sẽ mang về giá trị gia tăng cao.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có thể tăng thêm được 20% chứ không hạn chế như bây giờ”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng ngành nông nghiệp mang lại đời sống thực chất cho người dân. Bởi vậy, ngành nông nghiệp cần được khuyến khích và tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi. Trong ảnh là mô hình trồng rau trong nhà kính ở Lâm Đồng. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN). |
Cũng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, ngành nông nghiệp của Việt Nam có những bước phát triển rất đáng khích lệ. Hiện, Việt Nam có khoảng 10.000 doanh nghiệp nông nghiệp là những trang trại.
Trong đó, canh tác khoảng 1,5 ha theo công nghệ hiện đại như tưới bằng công nghệ của Israel hay trồng rau trong nhà kính. Chúng ta cũng tăng được tỷ lệ xuất khẩu rau tươi, hoa quả tươi sang được các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Hàn…
Đó là những bước phát triển đáng khích lệ, đúng đắn. Nông nghiệp cũng đã vận dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến.
Những doanh nghiệp tư nhân trước kia chỉ đầu tư vào bất động sản thì nay đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ, công nghiệp chế tác ví dụ như Vingroup.
Bà Phạm Chi Lan: Hãy đứng trên đôi chân của mình, đừng dựa vào đầu tư nước ngoài |
Đánh giá về vai trò của Chính phủ “kiến tạo” trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp và phát triển, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: “Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực rất mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp, phát triển.
Chúng ta đã có tiến bộ nhất định, cải thiện bước đầu. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vẫn mong đợi Chính phủ hành động mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước bứt phá.
Các con số về cắt giảm điều kiện đầu tư, các bộ ngành, địa phương nêu lên rất ấn tượng, nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn than phiền thì cần phải xem xét một cách nghiêm túc lại vấn đề này.
Thực tế, trước đây có 3 điều kiện, nay đem gộp 3 điều kiện này thành một. Số lượng giảm, nhưng nội dung cơ bản không có gì thay đổi. Như thế sẽ vẫn làm khó doanh nghiệp”.
“Các thủ tục có giảm, nhưng vấn nạn phong bì vẫn có, thậm chí doanh nghiệp phải chi những khoản không chính thức nhiều hơn. Càng sớm càng tốt, chúng ta cần cần phải cải thiện, cắt giảm những chi phí ngoài không chính thức để doanh nghiệp yên tâm phát triển.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức uy tín, đánh giá về môi trường kinh doanh của của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, thậm chí cải thiện chậm. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa, nhất là về mặt cải cách thể chế để doanh nghiệp thừa nhận, quốc tế công nhận”, Tiến sĩ Doanh nói.
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tin tưởng, Chính phủ tiếp tục cải cách về thể chế, điều kiện kinh doanh thực sự được cải thiện để thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển. Cải thiện, cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh, kinh tế Việt Nam 2019 và các năm tiếp theo sẽ tăng trưởng thực chất.
Ông Doanh nhấn mạnh: “Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần đẩy mạnh về kinh tế số, thương mại điện tử.
Chúng ta đều biết, hiện nay kinh tế số đã phát triển rất mạnh gọi là kinh tế tự do. Tức là người Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ký hợp đồng qua mạng internet với các hãng lớn trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông…ở nước ngoài như Singapore, Mỹ…
Số người Việt Nam xuất khẩu sản phẩm trí tuệ cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở nước ngoài không phải là ít và mang về khá nhiều thu nhập cho người dân.
Thương mại điện tử cũng vậy, phải được cải thiện nhiều hơn nữa, cần phải có khung pháp lý để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoại”.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng hàng hóa. Đã qua thời kỳ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Trung Quốc đã là nước có thu nhập, họ bắt đầu siết chặt các điều kiện sản xuất kinh doanh, các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.