LTS: Chỉ ra tác hại của việc chơi pháo, thầy giáo Sơn Quang Huyến mong rằng các thầy cô giáo cùng nỗ lực để tuyên truyền học sinh không sử dụng pháo, tránh những hậu quả khôn lường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Không khí Tết đến, xuân về đang ngập tràn đường thôn, ngõ xóm. Cùng với đó là kí ức được kể lại của các bậc tiền bối, pháo nổ đì đùng.
Pháo đã bị cấm sản xuất, tàng trữ, buôn bán, đốt từ ngày 01/01/1995 (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).
Việc cấm sản xuất và đốt pháo đã đem lại bình yên cho Tết mỗi dịp xuân về, đã tiết kiệm một lượng tài lực không nhỏ của xã hội, trên hết đã giữ được an toàn tính mạng cho biết bao con trẻ.
Thế nhưng, tiếng pháo vẫn có ma lực không nhỏ với tuổi học trò. Không ít em đã lên Google, tìm cách điều chế thuốc pháo, làm pháo, đem đến trường đốt, khoe “chiến tích” với bạn bè.
Chỉ cần gõ “cách sản xuất thuốc pháo” lên Google, có ngay 11.900.000 kết quả trong vòng 0.36 giây.
Học sinh bị tai nạn do chơi pháo. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Học trò chỉ cần hai que diêm, cái chân tăm xe đạp, một cái đinh năm phân, vài sợi dây thun, chế ra ngay quả pháo tép.
Từ lầu trên, thả xuống lầu dưới, có ngay tiếng nổ “đoàng” đầy “khí thế”. Trò này làm được, trò khác học theo, tiếng nổ tý tách vang lên trên mọi bẻo đường có … học trò.
Những tai nạn thương tâm đã xảy ra không ít từ các trò nghịch dại. Người viết đã từng chở học trò đi cấp cứu vì bạn đốt pháo trong trường học. Dưới áp lực, mắt phải của em bên ngoài nhìn bình thường, nhưng đã bị mù vĩnh viễn.
Làm sao ngăn tai nạn pháo nổ cho học trò?
Nhà trường cần tổ chức nói chuyện chuyên đề “pháo Tết” ngay cho học trò; làm cho học trò hiểu được đốt pháo, chế tạo pháo, che giấu tàng trữ pháo là vi phạm pháp luật, nội quy nhà trường.
Tết Kỷ Hợi này giáo viên và học sinh được nghỉ Tết bao nhiêu ngày? |
Tổng hợp hình ảnh tai nạn do đốt pháo, sản xuất pháo để học sinh “trăm nghe không bằng một thấy”, cụ thể, cảnh tỉnh các em đang có ý định thực hiện đốt và làm pháo.
Nếu có thể, mời chính những nạn nhân của pháo, nói chuyện với các em.
Kiên quyết loại ra khỏi cổng trường, các vật liệu nổ tự chế của học trò.
Tìm ra, kỉ luật nghiêm khắc học sinh đem pháo đến nổ trong sân trường. Tuyệt đối không thỏa hiệp, bỏ qua hành vi này.
Nếu nhà trường không phát hiện được, cần yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, răn đe, trần áp, giáo dục.
Khen thưởng kịp thời các học sinh có hành vi đẹp như ngăn bạn đốt pháo, chơi pháo, làm pháo, cấp cứu bạn vì pháo nổ.
Kết hợp chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, tuyên truyền chính phụ huynh học sinh không mua bán, đốt pháo dịp Tết.
Tết an toàn, Tết đoàn viên, Tết hạnh phúc là ước mơ của mọi nhà. Giáo viên chúng ta tuyệt đối, phải nói không với pháo; mỗi giáo viên phải là “một cộng tác viên” tuyên truyền cho nhân dân không đốt pháo dịp Tết, bảo vệ môi trường, bình yên cho đất nước, cho học trò.